in

Kỳ án Nhật Bản (Phần 12: ‘Ác thú mặt người’ và vụ mất tích của những cô gái phương Tây)

Kỳ án “Ác thú mặt người” (The beast with human face) – theo như báo chí phương Tây đăng tải do hung thủ Joji Obara gây nên vào những năm 1990 – 2000 là một trong những vụ bắt cóc, cưỡng bức và giết hại nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản, với tổng cộng hơn 400 phụ nữ bị hãm hại, bao gồm cả nạn nhân người nước ngoài. Hung thủ Joji Obara còn cho thấy những hành vi man rợ như phân xác và thủ tiêu nạn nhân nhằm qua mắt chính quyền.

Điều đáng nói là vào thời điểm hung thủ bị xét xử, chính quyền Nhật Bản đã cố sức che đậy vụ việc để không bị phanh phui lên mặt báo, điều này khiến luận trong và ngoài nước vô cùng bức xúc. Đây là một kỳ án phức tạp ảnh hưởng đến chính trị và ngoại giao vì hung thủ là người Nhật gốc Hàn, nạn nhân lại là người Anh Quốc và Úc.

1. Joji Obara – “Ác thú mặt người”

Kẻ thủ ác không phải là một người Nhật bản địa, Joji Obara sinh ra với tên gọi là Kim Sung Jong bởi cha mẹ là người Hàn Quốc di cư đến Nhật. Khi Kim Sung Jong còn nhỏ, cha hắn đã cố gắng làm việc, từ một người nhặt ve chai trở thành ông chủ có nhiều tài sản bao gồm bất động sản và những cửa hàng máy chơi game pachinko.

Sau khi trở nên giàu có, gia đình cho Kim Sung Jong đi học trường tư thục cao cấp, tuyển thẳng vào đại học Keio Osaka, hắn tốt nghiệp với bằng cấp cử nhân về chính trị và luật. Sau khi cha chết, Kim Sung Jong thừa hưởng khối tài sản khổng lồ, chính thức thay tên đổi họ thành Joji Obara và mang quốc tịch Nhật.

Chân dung Joji Obara – sát thủ gốc Hàn khét tiếng lịch sử tư pháp Nhật từng được BBC gọi với cái tên “Ác thú mặt người”

Đầu tư vào bất động sản, vào thời điểm thuận lợi nhất trong sự nghiệp, Joji Obara sở hữu khối tài sản 38 triệu USD. Tuy nhiên, tài năng và gia sản chỉ tạo điều kiện cho những thói hư tật xấu của Joji Obara bộc phát, hắn sớm có những biểu hiện của một kẻ biến thái, đặc biệt thích hạ nhục phụ nữ da trắng để cảm thấy “thượng đẳng” hơn. Joji Obara có thói quen chuốc thuốc mê nạn nhân để bắt cóc, rồi thực hiện hành vi đồi bại khi nạn nhân bất tỉnh.

Trong những ghi chép của Joji Obara mà cảnh sát tìm ra, có ghi rõ rằng hắn xem việc cóc và hãm hiếp phụ nữ như một “trò chơi chinh phục” hoặc “một sự trả thù đối với thế giới này”, Obara cho rằng phụ nữ sinh ra chỉ để giúp hắn thõa mãn.

Có rất nhiều phụ nữ đã trở thành nạn nhân của Obara, nhưng ít nhất là họ vẫn toàn mạng, hoặc đều là thành phần ở dưới đáy xã hội ví dụ như gái điếm nên hoàn toàn không được cảnh sát Nhật Bản quan tâm điều tra. Hai án mạng khiến Joji Obara bị bắt giữ là cái chết của người mẫu Úc Carita Ridgway và tiếp viên Anh Quốc Lucie Blackman.

2. Cái chết của Carita Ridgway

Carita Ridgway, một trong những nạn nhân của Obara.

Carita Simone Ridgway là một người mẫu ảnh quê quán tại Perth, Tây Úc, cô đến Tokyo và làm tiếp viên quán bar tại Ginza để kiếm tiền đi học trường sân khấu. Ở Nhật, tiếp viên quán bar được xem như một dạng “geisha hiện đại”, được trả tiền để hầu hạ đồ ăn uống, châm thuốc lá, hát karaoke, nhảy và trò chuyện với khách hàng nam giới.

Ở nơi làm việc, có luật nghiêm ngặt cấm khách hàng chạm vào người tiếp viên, hoặc có hành vi quan hệ nam nữ. Tuy nhiên, sau giờ làm, khách có thể dẫn tiếp viên đó đi đâu tùy thích miễn là có sự đồng thuận. Vì vậy, nghề tiếp viên quán bar ở Nhật cũng được xem là hạ cấp và tương đương với gái điếm.

Ridgway được Obara (dùng tên giả là Nishita) mời đi chơi sau khi gặp nhau tại quán bar, lợi dụng lúc cô sơ hở, Obara đã dùng thuốc mê chloroform khiến Ridgway ngất xỉu, sau đó hắn bắt cóc và cưỡng hiếp cô. Sau khi thực hiện xong hành vi phạm tội, Obara mang nạn nhân vẫn còn bất tỉnh đến bệnh viện và nói rằng cô bị ngộ độc do ăn hải sản. Lúc này, Ridgway đã bị hỏng gan và chết não do Obara dùng chloroform quá liều.

Sau một thời gian sống thực vật trong bệnh viện, Ridgway được an tử theo yêu cầu của gia đình vào ngày 29 tháng 2 năm 1992, việc điều tra án mạng cũng bị gác lại do người thân của nạn nhân không muốn làm to chuyện. Dư luận cho rằng đại sứ quán Úc tại Nhật và cảnh sát Nhật đã thỏa thuận với gia đình để khiến sự việc bị quên lãng.

3. Vụ mất tích của Lucie Blackman

Lucie Jane Blackman vốn là tiếp viên của hãng hàng không British Airway, tuy nhiên sau khi đến Tokyo, cô chọn ở lại nơi này để làm việc và kiếm tiền trả nợ. Tất nhiên Lucie cũng chọn làm một tiếp viên quán bar, nghề này kiếm được nhiều tiền vì đàn ông giàu có gốc Á thích trải nghiệm khẩu vị mới lạ với các nữ tiếp viên da trắng. Đặc biệt, mái tóc vàng của Lucie có lẽ đã khiến cô trở nên đắt khách hơn các đồng nghiệp.

Vào thời gian Lucie Blackman mất tích, cô đang là tiếp viên cho bar Casablanca ở Roppongi – nơi có nhiều tụ điểm vui chơi nổi tiếng. Bạn bè của Lucie chỉ nhận được một vài cuộc gọi, biết rằng cô có cuộc hẹn với một người Nhật Bản giàu có tên là Nishita, sau đó không ai gặp hay nghe gì về Lucie nữa. Tương tự như vụ sát hại Carita Ridgway, cảnh sát Nhật không muốn tốn công đi tìm một cô tiếp viên người nước ngoài.

Trong nỗ lực tìm kiếm con gái mình, cha của Lucie là Tim Blackman đã đến Tokyo, ông dựng nên một chiến dịch truyền thông nhằm hỗ trợ cho công tác tìm kiếm Lucie, bao gồm cả việc đánh động đến Bộ trưởng Ngoại giao Robin Cook và Thủ tướng Anh đương nhiệm lúc đó là Tony Blair. Khi đến Nhật, ông Tony Blair đã nhắc tới vụ mất tích và đề nghị Thủ tướng Nhật Yoshio Mori phải đốc thúc quá trình điều tra. Lúc này, người Nhật không thể cố ý làm ngơ được nữa.

Tim Blackman, cha của Lucie, ông đã dành nhiều công sức để giành lại công lý cho con gái mình.

Chiến dịch của Tim Blackman bắt đầu hiệu quả, cộng đồng Anh Quốc ở Nhật phẫn nộ, thậm chí một đại gia giấu tên đã treo thưởng 100.000 Euro cho ai tìm ra Lucie Blackman. Nhờ sức mạnh truyền thông, nhiều cô gái từng là nạn nhân của Obara đã bước ra ánh sáng và cung cấp thông tin về những lần thức giấc trên giường của Obara, mệt mỏi và bầm dập vì bị hành hạ, nhưng không nhớ gì về những việc đã xảy ra trong đêm trước đó vì họ đều bị chuốc thuốc mê.

Lúc này, bí ẩn về Joji Obara bị phanh phui, rằng có nhiều cô gái từng tố cáo hắn, nhưng cảnh sát đã làm ngơ, dư luận xôn xao về một kẻ hiếp dâm bí ẩn ở Tokyo với cái tên Nishita và hắn có cách để tránh né được sự điều tra của cảnh sát.

Nhân viên khám nghiệm hiện trường đưa thi thể Lucie ra khỏi hang đá.

Với nỗ lực chung của cộng đồng, cuối cùng những gì còn lại của Lucie Blackman cũng được tìm thấy vào ngày 9 tháng 2 năm 2001, trong một hang động bên bờ biển cách Tokyo 50 km về phía Nam nhưng lại gần căn hộ nghỉ dưỡng của Obara chỉ vài trăm mét. Thi thể Lucie bị cắt làm 8 phần, đầu bị cạo trọc và đổ bê tông thành một khối cứng, tất cả bộ phận đều bị phân hủy nên không thể tìm ra nguyên nhân cái chết.

Theo bản cáo trạng của Joji Obara tại tòa, hắn đã chuốc thuốc, cưỡng bức và giết Lucie tại một căn hộ gần đó. Tuy nhiên Obara vẫn im lặng và cho rằng mình vô tội, còn nguyên nhân cái chết là do Lucie dùng thuốc quá liều.

Kết cục

Vào tháng 7 năm 2001, tòa án Nhật Bản ra phán quyết cho Joji Obara, buộc tội hắn cưỡng hiếp nhiều lần và giết người, bản án là tù chung thân. Sau khi khám xét nơi ở của hung thủ, cảnh sát tìm ra hơn 400 video mà hắn đã quay lại khi cưỡng hiếp một nạn nhân, trong đó bao gồm cả video của Carita Ridgway. Tổng số nạn nhân được dự đoán ít nhất 150 đến 400 phụ nữ.

Tuy nhiên, những chứng cứ này không đủ để buộc tội Obara giết Lucie Blackman, thậm chí nguyên nhân gây chết người trong vụ này cũng không được xác định. Hắn chỉ bị buộc tội bắt cóc, phân xác và phi tang xác nạn nhân mà thôi.