in

Cái chết bi thảm của người mẹ và chân tướng bị chính quyền ngó lơ suốt hơn 50 năm

Vào chiều ngày 14/3/1969, tại ngôi nhà ở vùng Elkhart, Indiana, Hoa Kỳ, cô bé 11 tuổi Suzy Klassen khi từ trường về nhà đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng. Suzy nhìn thấy mẹ mình là bà Helen Klassen nằm trên vũng máu, cơ thể bị đánh đập, quần áo bị xé rách. Suzy sợ hãi òa khóc và chạy sang nhà hàng xóm bên cạnh cầu cứu. Vài tiếng sau cảnh sát đã đến hiện trường để điều tra vụ việc.

Khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân đã bị đánh đập, hãm hiếp, cổ bị siết chặt và có 4 phát súng bắn vào thân thể. Khẩu súng gây án được cho là một loại súng lục có ổ quay 38 cỡ nòng, bà Helen bị bắn vào chân, xương sườn và hai phát còn lại vào ngực. Hiện trường xảy ra án mạng là tại nhà riêng của nạn nhân, thời gian gây án là khoảng tầm gần trưa ngày 14/3. Lúc đó chỉ có một mình nạn nhân và hung thủ đã lợi dụng tình hình để ra tay sát hại.

Bà Helen Klassen

Qua điều tra, cảnh sát cho rằng nạn nhân đã bị tấn công và cưỡng hiếp trong phòng may đồ. Sau đó hung thủ đã dùng áo lót của bà Helen và siết cổ, lấy súng bắn bốn phát rồi kéo cơ thể lõa lồ đầy máu của nạn nhân ra ngoài hành lang. Hàng xóm xung quanh không phát hiện ra sự việc vì các ngôi nhà ở đây được xây cách nhau khá xa.

Gia đình nhà Klassen có 6 thành viên, bao gồm bà Helen Klassen, ông Otto Klassen và bốn người con Ruth, Frieda, Bess và Suzy. Ông Otto làm bác sĩ còn bà Helen ở nhà nội trợ. Hai người thường tham gia công tác tình nguyện quanh vùng Elkhart và không gây thù chuốc oán với bất kỳ ai.

Tổ chức KKK

Nhưng có một điểm mà cảnh sát sát nghi ngờ là ông Otto có tham gia vào phong trào dân quyền, cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí cho người Mỹ gốc Phi. Điều đó khiến hội The John Birch, tổ chức gồm những thành viên của KKK (Ku Klux Klan), nhóm người da trắng thù ghét người da màu cảm thấy khó chịu và phẫn nộ.

Họ phản đối công việc của ông Otto Klassen, nhiều lần vị bác sĩ đã nhận được các cuộc gọi đe dọa nặc danh uy hiếp đến tính mạng các thành viên trong gia đình ông nếu ông vẫn còn tiếp tục tham gia các phong trào nhân quyền ủng hộ người da màu.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ chính quyền lại không tập trung điều tra vào hội The John Birch mà lại hướng đến đối tượng tình nghi là Jerry Faulk, người đàn ông 23 tuổi và là bệnh nhân của Otto. Jerry có tiền sử về bệnh thần kinh, từng bị buộc tội giết chết cha ruột vào năm 11 tuổi. Sau đó không có bằng chứng xác thực nên Jerry đã được chứng minh vô tội.

Jerry được Otto điều trị vào ngày 13/03/1969, một ngày trước khi xảy ra vụ án, Jerry đã yêu cầu được gặp ông Otto nhưng vị bác sĩ đã có việc bận nên không thể đến để thăm khám. Lúc đó, theo lời khai của các nhân viên y tế, Jerry đã trở nên tức giận và đập phá mọi thứ xung quanh. Chính vì vậy cảnh sát nghi ngờ rằng Jerry có khả năng là hung thủ.

Sau khi phỏng vấn và truy tìm dấu vết thì cuối cùng Jerry Faulk cũng được tạm tha và gạch tên khỏi đối tượng tình nghi, cảnh sát không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng gì để buộc tội anh ta. Những bệnh nhân có biểu hiện bất ổn về mặt tâm lý, ưa bạo lực của ông Otto Klassen cũng được điều tra nhưng không thu được kết quả. Giới điều tra truy tìm về khẩu súng gây án và cũng không tìm thấy điều gì mới. 

Tất cả dần đi vào ngõ cụt, sau nhiều tháng điều tra vụ án đã khép lại mà vẫn chưa tìm được hung thủ. Cái chết của bà Helen Klassen khiến người dân Elkhart hoang mang, lo sợ vì sự tàn nhẫn của tên tội phạm khi giết hại dã man một người phụ nữ. 

Về phía gia đình Klassen, các thành viên vẫn kiên trì tìm ra kẻ đã giết hại mẹ mình. Họ nghi ngờ hội The John Birch thuộc tổ chức KKK có liên quan đến vụ án mạng. Một thời gian sau khi bà Helen Klassen bị giết, đội ngũ nhân viên tại Trung tâm Oaklawn do ông Otto điều hành vẫn thường xuyên bị đe dọa tính mạng bởi các cuộc gọi nặc danh. Nhiều người tin rằng KKK vẫn không buông tha cho nhà Klassen cho đến khi họ từ bỏ các chương trình từ thiện vì người da màu.

Thời kỳ đó nạn phân biệt chủng tộc diễn ra khá căng thẳng tại nước Mỹ vì vậy mà vụ án giết hại bà Helen Klassen đã không được điều tra cẩn thận và sớm bị khép lại. Cho đến tận ngày nay, đã qua 51 năm nhưng hung thủ gây ra tội ác vẫn chưa được tìm thấy. Con cháu nhà Klassen vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm kẻ đã gây ra cái chết cho người mẹ, người bà của họ nhưng kết quả nhận được vẫn chỉ là con số không từ phía chính quyền.