Chuyện kể rằng từ thời cổ đại, mèo đã được loài người sử dụng trong chiến tranh. Đế chế Ba Tư khi xâm lược Ai Cập đã mang theo mèo để lợi dụng sự tôn sùng của người Ai Cập đối với loài vật này, khiến họ nao núng khi đánh nhau.
Trong Thế Chiến thứ nhất, quân đội Anh đã huy động hơn 500.000 chiến binh mèo phục vụ cho quân đội với khẩu hiệu: “Tất cả thú cưng, kể cả mèo cùng ra tiền tuyến vì sứ mệnh quốc gia.” Chúng giúp phát hiện rò gas, canh giữ máy móc phương tiện, các kho lương thực và chiến hào khỏi bị lũ chuột phá hoại. Ngoài việc giữ vững hậu phương, mèo còn đóng vai trò quan trọng nơi tiền tuyến khi trở thành các linh vật may mắn truyền cảm hứng cho binh sĩ, giúp họ khỏi căng thẳng nơi trận địa.
Trong bài viết lần này, QDC hân hạnh mang đến tuyển tập có một không hai về những chú mèo đã đi vào lịch sử. Kỳ 1 xin được bắt đầu với những chú mèo đã từng phục vụ trong các đơn vị bộ binh.
Kỳ 1: Mèo Bộ Binh
1. Andrew
Đơn vị: Câu lạc bộ Mascot quân đồng minh
Cuộc chiến: Chiến tranh thế giới thứ hai
Andrew là đại diện của Câu lạc bộ Mascot (linh vật) quân đồng minh. Câu lạc bộ này được tổ chức bảo trợ động vật Anh Quốc PDSA (People’s Dispensary for Sick Animals) thành lập vào năm 1943 để ghi nhận công lao của các con vật bao gồm mèo hoặc chim đã phục vụ trong các kỳ thế chiến. Tổ chức PDSA được sáng lập và điều hành bởi bà Maria Dickin – nữ mạnh thường quân được hoàng gia phong ”Tư Lệnh Hội Hiệp Sĩ Xuất Sắc Nhất Vương Quốc Anh” – hay CBE vì những cống hiến cho hoạt động từ thiện và phúc lợi xã hội.
Những con vật được ghi danh vào câu lạc bộ của PDSA có thể đến từ bất kỳ đâu, không nhất thiết là có nguồn gốc từ Anh, chỉ cần là phục vụ cho quân đội đồng minh là đủ. Ý tưởng này nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ và câu lạc bộ nhanh chóng kết nạp nhiều thành viên từ khắp nơi trên các mặt trận.
Riêng đối với Andrew, chú mèo đực này tuy không trực tiếp lên tiền tuyến tham chiến nhưng khả năng đặc biệt của chú đã giúp ích rất nhiều cho hậu phương ở London. Andrew thường ngủ toàn thời gian nhưng nó có thể cảm nhận được khi nào thì máy bay của Phát xít Đức sắp thả bom. Lúc đó nó sẽ chạy trước đi tìm chỗ trốn và mọi người cũng biết là phải làm theo như vậy.
Khả năng đặc biệt này của chú mèo đã giúp người dân ở thủ đô London vượt qua nhiều trận oanh tạc của kẻ thù. Andrew được mô tả là một con mèo mướp vá nặng 6 kilo, có bộ lông nâu vàng cùng các mảng trắng ở chân và trước ngực.
2. Little One
Đơn vị: Ủy ban phòng không và cứu hộ động vật Anh Quốc
Cuộc chiến: Chiến tranh thế giới thứ hai
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, các thành phố và khu dân cư của nước Anh thường xuyên bị không kích bởi máy bay Đức. Chính quyền các thành phố quyết định thành lập một tổ chức nhằm đào tạo kiến thức và hỗ trợ người dân đối phó hiệu quả với những cuộc tấn công của Phát xít.
Khi máy bay Đức sắp đến, dân chúng sẽ dùng một chiến thuật gọi là Blackout – tức tắt hết đèn, che kín mọi cửa sổ không để một tia sáng nào lọt ra khiến cả thành phố chìm trong bóng tối. Lúc này máy bay Đức sẽ không thể phát hiện được nơi nào có người ở và rối loạn trong việc chọn mục tiêu.
Sau mỗi lần thực hiện chiến thuật Blackout, trong hoàn cảnh tối đen như mực cùng tiếng bom nổ đì đùng, các loài thú vật hoảng sợ chạy lung tung và lạc mất chủ nhân. Lúc này một ủy ban cứu hộ được lập với tên gọi NARPAC (National Air Raid Precautions for Animal Committee) để giúp các con thú đi lạc trở về với chủ nhân của chúng. Chú mèo Little One là biểu tượng tuyên truyền của ủy ban này vì chú luôn tìm được đường về với cô chủ của nó.
3. Miss Hap
Đơn vị: Phòng truyền thông – thông tin quân đội Hoa Kỳ, đồn trú tại Triều Tiên.
Cuộc chiến: Chiến tranh thế giới thứ hai
Bé mèo cái đáng thương này sinh ra giữa trận địa vào năm 1952 ở Triều Tiên, mẹ nó có thể đã chết vì đạn lạc. Trung sĩ thủy quân lục chiến người Mỹ tên Frank Praytor nuôi nó bằng sữa hộp. Praytor cho biết ông đặt tên mèo là Miss Hap vì nó đã sinh ra ”không đúng nơi, đúng lúc” giữa chiến trường ác liệt.
Miss Hap may mắn vượt qua tuổi thơ khó khăn. Khi lớn, nó vẫn được đơn vị thủy quân lục chiến chăm sóc. Cô nàng sống qua ngày nhờ khẩu phần thịt hộp ít ỏi mà trung sĩ Praytor chia sẻ cho nó.
Năm 1953, trung sĩ Praytor trở về quê nhà và mèo Miss Hap ở lại Triều Tiên, trở thành linh vật cho một phòng truyền thông thông tin thuộc quân đội Mỹ dưới sự chăm sóc của hạ sĩ Conrad Fisher. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Fisher đã mang nó về Mỹ cùng ông.
4. Misfire
Đơn vị: Đơn vị hậu cần doanh trại Totten, Hoa Kỳ
Cuộc chiến: Chiến tranh thế giới thứ hai
Chú mèo mang tên Misfire (tức ”đạn lép”, viên đạn không nổ), là linh vật của doanh trại Totten, New York. Misfire là một bé mèo cái được hạ sĩ Manuel Campos chăm sóc, ảnh chụp năm 1942.
Kể từ năm 1941, doanh trại Totten là trung tâm điều phối các nhiệm vụ phòng không của quân đội Hoa Kỳ nhằm bảo vệ toàn bộ bờ đông thành phố New York trong Thế chiến thứ hai.
Misfire ngoài việc ”mua vui” cho doanh trại còn giúp bảo vệ kho lương khỏi lũ chuột phá phách.
5. Mourka
Đơn vị: Trinh sát tình báo Hồng Quân Liên Xô
Cuộc chiến: Chiến tranh thế giới thứ hai
Mourka là một chú mèo Nga có cống hiến rất lớn cho Hồng Quân Liên Xô. Những năm 1942 – 1943, quân Đức vây hãm, tấn công quyết liệt thành phố Stalingrad của Nga. Để do thám quân Đức một cách hiệu quả, người Nga cử một tổ trinh sát đặc biệt trong đó có chú mèo Mourka ra tiền tuyến.
Sau khi tổ trinh sát tiếp cận doanh trại quân địch, thu thập thông tin tình báo và phát hiện các địa điểm tập kết của Phát xít Đức, họ sẽ ghi lại các tọa độ vào một mật thư và để Mourka bí mật đưa tin về cho tổng hành dinh ở Stalingrad.
Tuy nhiên, các chiến sĩ Hồng quân phải chuẩn bị thật nhiều món ngon thì chú mèo mới chịu giao mật thư ra đổi đồ ăn nhé. Thực ra, Mourka luôn tìm được đường về tổng hành dinh vì nó không quên được mùi xúc xích trong nhà bếp.
6. Pitouchi
Đơn vị: Trung đoàn pháo binh số 3, quân đội Bỉ
Cuộc chiến: Chiến tranh thế giới thứ nhất
Câu chuyện về Pitouchi là một trong những giai thoại thú vị nhất về loài mèo trong Thế chiến. Chú mèo này sinh ra trong một chiến hào của quân Bỉ, giữa thế trận giằng co khốc liệt với lính Đức trên đất Pháp năm 1918.
Pitouchi là một trong số 8 anh em mèo mồ côi, mẹ chúng chết vì đạn lạc khi bầy con còn chưa kịp mở mắt. Trung úy pháo binh người Bỉ tên Lekeux đã cố cho lũ mèo con uống sữa cầu may nhưng chỉ có Pitouchi là sống sót và khôn lớn. Kể từ đó, Pitouchi luôn lẽo đẽo theo bên cạnh Lekeux dù ông đi bất cứ đâu. Nếu trời mưa, nó sẽ nhảy lên vai Lekeux để được mang theo.
Một ngày nọ, trong khi tuần tra với Pitouchi trên vai, Lekeux phát hiện một nhóm quân Đức tiến hành đào công sự gì đó ở gần bìa rừng không xa nơi Trung đoàn pháo binh của ông đang cố thủ. Lekeux quyết định tiếp cận và nấp trong một hố bom để phác thảo lại hoạt động của kẻ địch bằng bút chì và giấy (vào thời đó, máy ảnh quá cồng kềnh và dễ bị phát hiện khi mang ra chiến trường, mọi thông tin tình báo đều dựa vào ghi chép và hình vẽ phác họa).
Mải mê vẽ vời, Lekeux không để ý là quân Đức đã thấy bóng ông thấp thoáng phía xa, họ quyết định kiểm tra hố đạn nơi ông ẩn nấp, đến khi Lekeux nhận ra thì đã quá muộn, ba gã lính Đức đang tiến rất gần. Chúng hét lên: ”Hắn ở dưới hố kìa!”
Nếu chạy, chắc chắn Lekeux sẽ bị bắn, nếu ở lại, ông sẽ có thể sẽ bị đâm chết bằng lưỡi lê.
Lúc đó, Pitouchi hoảng sợ vì nghe tiếng quát tháo, nó nhảy khỏi hố bom khiến nhóm lính Đức bất ngờ và rút súng ra bắn lung tung. Những phát đạn bắn trượt khiến Pitouchi sợ hãi, nó nhảy ngược trở lại vào hố. Lúc này, tay sĩ quan Đức nghĩ rằng lúc nãy mình đã nhìn lầm con mèo thành bóng người trong hố, hắn cười xòa rồi ra dấu cho cả nhóm bỏ đi.
Như vậy, Pitouchi đã trở thành người hùng bất đắc dĩ, cứu chủ mình thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Sau khi trấn tĩnh, Lekeux hoàn thành bản vẽ của mình rồi trở về doanh trại với Pitouchi vẫn còn ngơ ngẩn trên vai.
7. Percy
Đơn vị: Kíp lái xe tăng Mk 1 – D20, bí danh ”Daphne”, lục quân Anh Quốc
Cuộc chiến: Chiến tranh thế giới thứ nhất
Mèo mun Percy là linh vật mang đến may mắn cho trung úy Harry Drader – một sĩ quan người Anh gốc Canada được chỉ định làm trưởng kíp lái xe tăng thuộc quân đội hoàng gia Anh.
Harry Drader luôn mang Percy bên mình khi xuất trận, xe tăng của ông không bao giờ bị trúng đạn, các đồng đội trong xe của ông luôn hoàn thành nhiệm vụ và sống sót trong suốt cuộc chiến gian khổ.
Sau khi giải ngũ, Harry được trao tặng huy chương Chữ Thập vì lòng can đảm trong chiến trận.
8. Crimean Tom
Đơn vị: Trung đoàn kỵ binh số 6, quân đội hoàng gia Anh
Cuộc chiến: Xung đột bán đảo Crimean năm 1853 – 1856
Tháng 9 năm 1854, liên minh Anh và Pháp bao vây quân Nga ở cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea miền nam Ukraina. Sau nhiều tuần vây hãm họ cũng giành được chiến thắng, thế nhưng tuyết bắt đầu rơi và mùa đông khắc nghiệt dần bào mòn sức chịu đựng của quân đồng minh.
Họ tiến vào tiếp quản Sevastopol – giờ là một thành phố đổ nát, với hy vọng tìm được nơi trú ẩn ấm cúng, thức ăn và nước uống. Đại úy William Gair thuộc Trung đoàn kỵ binh số 6, quân đội hoàng gia Anh gần như vô vọng trong nỗ lực cứu lấy đơn vị của mình trước cái lạnh và cơn đói đang dày vò. Ông thẫn thờ bước đi giữa đống gạch vụn và vô tình thấy một cảnh tượng kỳ lạ.
Một chú mèo mướp tuy già nhưng mập mạp với đôi mắt to đang ngồi trên cột xi măng gần đó. Nó nhìn ông với ánh mắt ngái ngủ, trông thật bình thản, không sợ sệt. Thậm chí, khi ông đến gần và bế nó lên thì cũng không gặp phải sự phản kháng nào. Gair mang chú mèo về doanh trại. Chú mèo mướp sau đó được đặt tên là Tom và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả doanh trại.
Tom rất thân thiện, nó để yên cho cả đơn vị nựng nịu và còn vô tư nhảy lên đùi sĩ quan chỉ huy nằm ngủ.
Nhiều ngày trôi qua, trong lúc cả trung đoàn đói lả đi vì thiếu thốn thức ăn, mèo Tom càng mập và lông nó trở nên mướt hơn, khiến mọi người bắt đầu đặt câu hỏi. Chắc chắn nó phải có một quần thể chuột đông đúc làm thức ăn cho nó quanh đây, họ bắt đầu theo dõi Tom.
Một ngày nọ, William Gair để ý thấy Tom đang đào bới gì đó dưới đống xi măng ngổn ngang của một tòa nhà đổ nát. Sinh nghi, ông ra lệnh cho binh lính khai quật khu vực đó xem có gì bên dưới. Trong sự ngạc nhiên của mọi người, dưới lòng đất là một căn hầm chứa hàng đống đồ hộp và lương khô còn ăn được. Hóa ra, lũ chuột thường đến ăn vụng ở căn hầm này, và Tom thì phục kích để bắt chúng.
Phát hiện lớn lao này đã cứu sống cả trung đoàn. Và mèo Tom nghiễm nhiên trở thành người hùng trong lòng các binh sĩ. Họ tắm rửa, chải lông cho nó và dành hẳn một nơi trong phòng chỉ huy để Tom nghỉ ngơi.
Bằng cách quan sát Tom, William Gair và đồng đội tiếp tục tìm thêm được nhiều hòm lương thực dự trữ bị chôn vùi dưới lớp đất đá. Có thể nói, nhờ Tom mà họ có thể vượt qua mùa đông khắc nghiệt.
Tháng 9 năm 1855, liên minh Anh – Pháp thắng trận được lệnh rút quân, William Gair mang Tom theo về London để nuôi như thú cưng của riêng ông. Lúc này, Tom được đoán là đã hơn 8 tuổi, nó qua đời 1 năm sau đó vào ngày 31 tháng 12 năm 1856.
Không đành lòng chôn Tom, William Gair đã nhồi bông chú mèo cưng và tặng cho Học Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Phòng Hoàng Gia Anh để trưng bày và tưởng niệm.
Câu chuyện về mèo Tom, hay Sevatopol Tom hoặc Crimean Tom là một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử quân sự của Anh quốc.
9. Faith
Mèo của nhà thờ Thánh Augustine, London
Cuộc chiến: Chiến tranh thế giới thứ hai
Mặc dù không tham gia vào một đơn vị quân đội thực thụ nào. Faith lại là con mèo đầu tiên nhận được huy chương bạc của tổ chức PDSA vì sức ảnh hưởng lớn lao có tác động tích cực tới tinh thần và lòng tin của người dân Anh quốc ở hậu phương.
Vào năm 1936, Faith vẫn còn là một bé mèo mướp nhỏ, bị chủ bỏ rơi và đói lạnh giữa đường phố London không rõ vì lý do gì. Nó lang thang vào tìm hơi ấm nơi nhà thờ Thánh Augustine ở đường Watling. Rủi thay, người quản giáo nhà thờ lại không thích mèo, ông ta đã đuổi nó ra hơn 3 lần trước khi Faith lẻn vào tận phòng của linh mục và gặp đức Cha Henry Ross.
Cha Ross cảm động và với đức tin mãnh liệt của mình, ông cho rằng chú mèo ốm yếu này cũng có lòng tin vào Chúa nên đã nhiều lần cố gắng đến với ông dù bị xua đuổi. Ross thuyết phục mọi người trong nhà thờ nhận nuôi nó và đặt tên là Faith – vì tình yêu dành cho Chúa.
Faith hạnh phúc vì có được nơi ở mới ấm áp, nó khám phá khắp mọi ngóc ngách trong nhà thờ và đuổi bắt lũ chuột, nó ngày càng mập mạp và bóng mượt hơn.
Những ngày cuối tuần khi giáo dân đến làm lễ, Faith ngồi dưới bục cùng cha Ross khi ông đang diễn thuyết ở giáo đường. Faith nhanh chóng được giáo dân yêu thích, lũ trẻ cũng ngày càng đến nhà thờ Augustine nhiều hơn để được vui đùa với con mèo của đức Cha. Công tác truyền giáo của cha Ross thuận lợi hơn với sự có mặt của Faith. Nó quấn quýt bên cạnh ông cho đến khi trưởng thành và sinh một mèo đực con có lông đen trắng, được đặt tên là Panda.
Lúc này, Faith được cho một cái giỏ đan, êm và ấm áp để ngủ cùng Panda. Thế nhưng một ngày nọ, cha Ross để ý thấy Faith tha Panda xuống tầng hầm, một nơi tối và đầy bụi bặm, ông không rõ lý do vì sao. Nhiều lần Ross đã thử ẵm Panda trở lại giỏ đan ở nhà trên nhưng Faith phản đối và tiếp tục mang con xuống tầng hầm. Cha Ross cảm thấy có điều gì đó bất thường và ông biết Faith đã dự cảm được điều gì đó không lành. Hôm đó là ngày 6 tháng 9 năm 1940.
Đêm ngày hôm sau, 7 tháng 9, không quân Đức bất thình lình mở một cuộc tấn công oanh tạc dữ dội vào thủ đô London. Cuộc không kích kéo dài hai ngày đêm đến ngày 9 tháng 9, giết chết hơn 400 người và hủy diệt nhiều khu dân cư lẫn nhà nguyện, bao gồm cả giáo đường nhà thờ Thánh Augustine.
Trong lúc cha Henry Ross nấp trong hầm trú ẩn, ông lo ngại Faith và Panda đã không thoát khỏi bom đạn của Phát Xít. Sau khi máy bay Đức khuất bóng, những người lính cứu hỏa đứng trước đống đổ nát của nhà thờ Augustine và nói với Ross rằng họ rất tiếc về mèo của ông. Thế nhưng, Ross nghe đâu đó có tiếng kêu ”meo meo” tuyệt vọng bên dưới đống gạch vụn, rõ ràng là tiếng rên của Panda, ông hối hả đào bới dưới sự giúp đỡ của lính cứu hỏa. Ross phát hiện lũ mèo của ông vẫn còn sống và Faith đã quyết định sáng suốt khi mang con xuống tầng hầm.
Tin tức về việc Faith và Panda sống sót sau cuộc không kích nhanh chóng lan nhanh trong cộng đồng dân chúng, nó như một sự khích lệ khiến cho mọi người lạc quan hơn trong thảm cảnh. Mọi người chung tay vào xây dựng lại nhà thờ và Ross đã sẵn sàng thuyết giảng 2 tháng sau khi London bị tấn công bởi máy bay Đức. Sự hiện diện của Faith như một cú hích vực lại tinh thần của cả giáo phận.
Ngày 12 tháng 10 năm 1945, sau chiến thắng cuối cùng của quân đồng minh. Tổng giám mục giáo phận Canterbury miền Nam nước Anh và bà Maria Dickin – chủ tịch tổ chức PDSA đã ghé thăm nhà thờ Thánh Augustine trên 2 xe limousine sang trọng. Bà Dickin, lúc này đã 75 tuổi, vinh dự trao huy chương cho Faith vì sự cống hiến cho cộng đồng.
Sau đó, Panda trưởng thành và được gửi đến một dưỡng đường tại quận Herne Hill, Nam London để đảm đương sự nghiệp săn bắt chuột. Faith tiếp tục đồng hành cùng cha Henry Ross trong công cuộc truyền giáo đến ngày 28 tháng 9 năm 1948 rồi chết trong giấc ngủ vì tuổi già, nó đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và ra đi yên bình.
Henry Ross đặt xác Faith trong một hộp gỗ và chôn trong khuôn viên nhà thờ, ông giải nghệ không lâu sau đó. Nơi này được tái quy hoạch trở thành một phần của nhà thờ Thánh Paul. Chỗ Faith an nghỉ được xây dựng trở thành thính phòng nơi dàn đồng ca của nhà thờ luyện giọng.
10. Pfc. Hammer
Đơn vị: Trung đoàn 8, Sư đoàn bộ binh số 4 quân lực Hoa Kỳ tại Iraq
Cuộc chiến: Chiến tranh Iraq (2003 – 2011)
Năm 2004, khi cuộc chiến ở đất nước Trung Đông này đi vào thời điểm ác liệt. Mọi thứ trở nên vô cùng khó khăn với lính Mỹ khi phải đối mặt với sự chết chóc nơi trận địa, vấn đề tâm lý và sự chỉ trích của dư luận quốc tế.
Giữa chiến trường, đại đội trưởng Bousfield chỉ huy của một đại đội có tên mã ”Hammers” tìm thấy một chú mèo con mà sau đó nó trở thành cứu tinh cho cả đơn vị.
Bousfield đặt tên mèo theo tên của đơn vị mình – Hammer. Chú mèo mướp vằn này sớm trở thành tâm điểm của đơn vị khi nó chạy nhảy và làm trò khắp nơi. Hơn thế nữa, Hammer còn giúp bảo vệ kho lương thực khỏi lũ chuột háo đói. Bousfield nhận thấy Hammer thực sự có tác động rất tích cực lên đồng đội mình, nó giúp họ giảm căng thẳng, yêu đời và nở nhiều nụ cười hơn.
Từ lúc có Hammer, tinh thần và năng lực chiến đấu của đại đội được cải thiện đáng kể. Họ yêu quý nó như một người anh em trong đơn vị và gọi nó là ”Private first class Hammer” – tức binh nhì Hammer.
Tháng 4 năm 2004, Bousfield trở về Mỹ, 1 tuần sau đó dưới sự giúp đỡ của những tổ chức bảo trợ động vật, mèo Hammer cũng được mang về trao tận tay Bousfield ở tiểu bang Colorado.
Được biết, Hammer là một chú mèo đực thuộc giống mèo Mau Ai Cập, một giống mèo khá hiếm.
Và nhiều chú mèo vô danh khác