Tháng 8 năm 2018 trò chơi Sử Hộ Vương lần đầu được công bố với giới truyền thông dưới dạng một board game sưu tập thẻ bài (Collectible Card Game), lối chơi theo hình thức ”gacha” (quay thưởng nhân vật).
Đội ngũ phát triển của Sử Hộ Vương là Gamize Studio được dẫn dắt bởi những bạn trẻ tài năng như ”sử gia không chuyên” Phạm Vĩnh Lộc, Hồ Phương Thảo, và Tạ Minh Tuấn – người từng được Fobes bình chọn là một trong những người trẻ dưới 30 tuổi thành công nhất châu Á.
Họ hy vọng sẽ đánh thức tình yêu sử Việt khi tái hiện những nhân vật lịch sử trong quân sự, thi ca nhạc họa Việt Nam như Nguyễn Huệ, Lạc Long Quân, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… dưới dạng những nhân vật thẻ bài phong phú, bắt mắt cùng hệ thống kỹ năng độc đáo.
Đạt kỷ lục gây quỹ cộng đồng trong ngày đầu tiên
Dự án được đón nhận tích cực khi chỉ trong vòng 24h, Sử Hộ Vương đã được sự ủng hộ lên đến 25,6 triệu VNĐ, phá vỡ kỷ lục của tất cả các chiến dịch crowdfunding của Việt Nam từ xưa đến giờ.
Trong hoàn cảnh làng game ở Việt Nam rất khó khăn, không có đội ngũ đào tạo và phát triển chuyên nghiệp về mảng này cũng như game Việt chưa được cộng đồng quan tâm nhìn nhận thì đây là một bước tiến lớn tạo động lực không nhỏ cho nhà phát triển Gamize hoàn thành một trò chơi ”có tâm”, góp phần tạo nên dấu ấn đậm nét sử Việt trong kỷ nguyên số.
Đến thời điểm 4 tháng 11, sau 3 ngày gây quỹ, dự án đã đạt được 46,6 triệu VNĐ, hoàn thành 19% chi phí mục tiêu để phát hành.
Concept nhân vật gây tranh cãi
Cùng lúc với việc gây quỹ, nhà phát hành cũng nhanh chóng tung ra những hình mẫu đầu tiên của các nhân vật cùng với các thông số như cấp độ, tính năng, độ hiếm.
Đặc biệt, hình tượng Lạc Long Quân được xây dựng nửa người nửa rồng khá đặc sắc với cấp độ siêu siêu hiếm – super super rare (SSR) được các cư dân mạng đánh giá là hơi ”giang hồ”, “trông giống gangster quá”…
Một bình luận trên Fanpage Sử Hộ Vương góp ý cho hình tượng Lạc Long Quân:
Em cảm thấy giống anh gangster hơn, không có toát ra cái vẻ thần thánh ấy, kiểu hào quang vẻ yếu đô quá…
Một số bình luận công khai khác cho rằng Lạc Long Quân nên được xây dựng oai vệ hơn vì là thủy tổ của người Việt, không nên mang phong cách quá Tây Âu.
Tuy nhiên gây tranh cãi dữ dội nhất lại là concept thẻ bài của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hầu hết ý kiến chỉ trích vì hình vẽ quá hở hang, ngoại lai, không phù hợp với ”thuần phong mỹ tục” của Việt Nam. Nhiều bình luận cho rằng nét vẽ gợi cảm về một nhân vật nữ nổi tiếng của Việt Nam như thế này là phản cảm.
Một số bình luật nghiêm khắc hơn thẳng thắn chỉ trích nhà phát triển cho phép vẽ ”nhân vật lịch sử như gái ngành”.
Tuy nhiên, theo một vài bạn bình luận của những bạn có tìm hiểu tài liệu về đời tư, về phong cách của Hồ Xuân Hương thì cho biết thể hiện như thế này là phù hợp với con người, tính cách thật của bà – vốn rất phóng khoáng, thoải mái từng được thể hiện qua lời thơ của nữ sĩ này.
Còn về quan điểm của nhà phát triển Gamize, việc họ tung ra các concept như trên là cần thiết để đánh giá thị hiếu của người chơi, đồng thời thu thập ý kiến và có chỉnh sửa phù hợp với cộng đồng. Khả năng cao, những concept này chỉ là tạm thời và có thể sẽ được vẽ lại trong tương lai gần.
Cần có cái nhìn khách quan đối với dự án thuần Việt
Một trò chơi có yếu tố xây dựng nhân vật dựa trên lịch sử tuy không lạ trong làng game thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam thì có vẻ đây là một dự án đầu tiên được triển khai với quy mô và sự nghiêm túc cùng đội ngũ nhân sự có năng lực.
Có thể đơn cử tựa game kinh điển từng thành công lớn như Dynasty Warrior của Koei cũng chuyển thể những nhân vật ở thời Tam Quốc thành nhân vật trong game có tạo hình xinh đẹp, gợi cảm, với trang phục được cách điệu hoàn toàn không tương đồng với thực tế trong lịch sử.
Ví dụ như Điêu Thuyền – một trong 4 mỹ nhân nổi tiếng Trung Hoa, Tân Hiến Anh – một liệt nữ thời Tam Quốc, Vương Nguyên Cơ – hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Tấn vốn là những nhân vật có thật trong lịch sử không liên quan gì đến chiến trận nhưng được tái hiện lại như những chiến binh trong game, với vẻ ngoài vừa mạnh mẽ vừa gợi cảm rất khác biệt.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến đứng về phía việc chuyển thể các nhân vật lịch sử thành game mà lại là game ”fantasy” có phong cách kỳ ảo thì không nên quá cứng nhắc. Tạo hình nhân vật vốn rất quan trọng trong việc thu hút thị giác của người chơi, yếu tố đồ họa là một phần lớn nhất bên cạnh nội dung để làm nên một game có chất lượng.
Dựa trên các ví dụ đã nêu, thiết nghĩ nhà phát triển game Sử Hộ Vương đã tham khảo và mục đích cụ thể trước khi vẽ nên những concept nhân vật như trên, có thể nó chưa hoàn hảo, nhưng chúng ta cần đóng góp dưới thái độ khách quan, mang tính xây dựng hơn là đả kích.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về tạo hình các nhân vật lịch sử Việt Nam trong game Sử Hộ Vương?