Menu
in

Búp bê cầu nắng đáng yêu của Nhật Bản lại có nguồn gốc rất rùng rợn

Trong tiếng Nhật, Teru có nghĩa là nắng, bouzu là pháp sư hay thầy tu, cái tên Teru teru bouzu nghĩa là cậu bé nắng. Đó là tên gọi của búp bê thời tiết mà người Nhật thường treo trước hiên nhà, bậu cửa sổ để cầu mong một ngày nắng đẹp.

Teru teru bouzu được làm bằng khăn giấy hay vải bông màu trắng, mỗi con được trang trí theo phong cách khác nhau, được vẽ hình với khuôn mặt hiền lành, dễ thương và trẻ em rất yêu thích. Búp bê là lá bùa cầu nắng khi treo lên, ngược lại nếu đầu búp bê bị treo ngược xuống đất thì nghĩa là cầu mưa.

Búp bê thời tiết đáng yêu là vậy nhưng ít ai biết nguồn gốc, truyền thuyết về nó lại ghê rợn, liên quan đến cái chết kinh khủng của một nhà sư. Bắt đầu từ bài hát đồng dao Teru teru bouzu, ra đời từ năm 1921 có nội dung như sau: 

Bài hát đồng dao Teru Teru bouzu

Teru teru bouzu ơi, Teru teru bouzu hỡi

Xin hãy làm cho ngày mai nắng lên thật đẹp 

Đến khi nào trời hửng nắng

Tớ sẽ tặng cho cậu một cái chuông vàng.

Teru teru bouzu ơi, Teru teru bouzu hỡi

Xin hãy làm cho ngày mai nắng lên thật đẹp 

Nếu cậu lắng nghe lời cầu xin của tớ

Tớ sẽ cho cậu uống rượu sake.

Teru teru bouzu ơi, Teru teru bouzu hỡi

Xin hãy làm cho ngày mai nắng lên thật đẹp

Nếu trời mưa u ám

Thì tớ sẽ cắt lìa đầu cậu ra.

Nếu trời nắng sẽ ban phước, nếu trời mưa sẽ bị trừng phạt, một hình phạt tàn nhẫn. Nội dung lời bài hát, đặc biệt là câu cuối “Thì tớ sẽ cắt lìa đầu cậu ra” xuất phát từ một câu chuyện lưu truyền trong dân gian.

Nguồn gốc của truyền thuyết này xuất xứ từ Trung Quốc ở thời Heian (794-1185) kể về cô gái cầm chổi So-Chin-Nya.

Chuyện kể rằng có một ngôi làng nọ bị nguyền rủa, gặp phải trời mưa như trút nước, nếu không hiến tế một cô gái xinh đẹp sẽ bị nước lũ nhấn chìm. Có một cô gái đã xuất hiện cứu dân làng thoát khỏi cảnh lầm than, nàng cầm cây chổi bay lên trời xóa tan mây mù khiến mưa ngừng rơi, trời quang đãng. Để tưởng nhớ công ơn của cô gái, người dân làng đã cắt giấy thành hình thiếu nữ cầm chổi, khi trời mưa sẽ treo hình ngoài cửa để cầu nắng lên.

Câu chuyện về So-Chin-Nya

Tuy nhiên, chuyện về cô gái cầm chổi khi du nhập vào Nhật Bản lại biến thể thành truyện kinh dị. Dân gian kể lại rằng có một thị trấn lâm vào tình trạng khốn khó bởi trời mưa gây ngập lụt khắp nơi, vị nhà sư ở ngôi chùa trong làng thấy cảnh đó liền lập đàn cầu nắng nhưng lúc làm lễ ông bị quỷ nhập vào người, trở nên điên loạn.

Trời thì vẫn không ngừng mưa nên vị lãnh chúa cai quản ngôi làng đã sai người chặt đầu nhà sư để răn đe trừng phạt. Chiếc đầu của nhà sư được bọc trong tấm vải trắng treo trước cửa làng để cầu trời nắng. Hình ảnh đó sau này được dân chúng làm thành búp bê cầu nắng có tên Teru teru bouzu với cái đầu trọc như nhà sư làm từ vải và giấy trắng.

Câu chuyện của nhà sư khá rùng rợn, không phù hợp với trẻ em nên dân gian đã sửa lại truyền thuyết Teru teru bouzu với chuyện về con yêu quái sống trong núi Hiyoribo. Mỗi khi con yêu quái xuất hiện thì thời tiết sẽ tốt đẹp hơn, nắng ấm rực rỡ lan tỏa muôn nơi, ban phát sự ấm áp, sức sống cho thiên nhiên và con người.

Người ta vẫn còn đồn thổi về chiếc đầu của vị nhà sư, nhiều kẻ mê tín dị đoan vẫn tin rằng linh hồn nhà sư vẫn còn lưu giữ ở bên trong búp bê Teru teru bouzu, nhắc nhở cho người đời sau biết về cái chết đau thương của ông. Quả là một truyền thuyết kinh dị khiến nhiều người sợ hãi, ám ảnh về con búp bê cầu nắng.

Đọc thêm:

 

Leave a Reply