Menu
in

Học sinh trao đổi người Nhật bị bắn chết vì gõ nhầm cửa

Yoshihiro Hattori là một học sinh đến từ Nagoya, Nhật Bản. Năm 1992, cậu đến đến Baton Rouge nhờ chương trình trao đổi sinh viên của American Field Service (AFS).

Gia đình Haymaker, nơi nhận cậu sinh viên chia sẻ rằng ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, cậu đã để lại ấn tượng rất tích cực. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, cô Holley Haymaker kể lại: “Yoshi là một người hướng ngoại. Những đứa trẻ ở trường trung học McKinley yêu quý cậu vì tính cách cởi mở và thoải mái.

Chồng cô, nhà vật lý lý thuyết Dick Haymaker kể thêm: “Cậu bé thật sự rất tài ba. Cậu ấy luôn tràn đầy sức sống và có năng khiếu của một vũ công.”

Sau khi đến Mỹ được hai tháng, vào ngày 17 tháng 10 năm 1992, Hattori và Haymaker, con trai gia đình nhà chủ, đã nhận được lời mời tham dự một bữa tiệc Halloween dành cho các sinh viên trao đổi Nhật Bản. Cả hai người đều mặc bộ tuxedo giống John Travolta trong bộ phim Saturday Night Fever và hào hứng đến buổi tiệc mà không hề biết rằng một chuyện kinh khủng sắp xảy ra.

Trên đường đi, Hattori và Haymaker đã vào nhầm nhà của gia đình Rodney Peairs thay vì nơi mà họ định đến do cả hai nhà đều có địa chỉ và cách trang trí trước cửa gần giống nhau. Ban đầu, hai thanh niên bấm chuông cửa trước nhưng khi không nhận được phản hồi nào, họ lại quay về xe.

Từ trong nhà, người vợ Bonnie Peairs nhìn thấy họ đang đứng ở bên ngoài. Giật mình vì vẻ ngoài của hai người, bà đã lao vào nhà và bảo chồng là Rodney Peairs lấy súng.

Rodney đã làm theo đúng như vậy và khi nhìn thấy Hattori và Haymaker đang trở lại xe của họ, ông đã chĩa súng vào cậu học sinh người Nhật Bản. hét lên: “Đứng im.” Không để ý tới vũ khi, Hattori chỉ từ từ tiến về phía ông, nói rằng: “Bọn cháu đến đây để dự tiệc.” Nhưng lúc đó, Peairs đã bóp cò và bắn thẳng vào ngực của Hattori.

Nhìn thấy bạn mình bị thương nặng, Haymaker đã ngay lập tức chạy đến một ngôi nhà khác gần đó để cầu cứu. Cậu lập tức được đưa đến bệnh viện nhưng đã không qua khỏi do mất máu quá nhiều. Trong khi đó, Rodney quay trở lại trong nhà và ngồi ở đó cho đến khi cảnh sát đến.

Ngay sau đó, ông ta đã bị bắt giữ và tra hỏi. Tuy nhiên, ông lại được thả tự do bởi cảnh sát tin rằng ông có quyền bắn bất cứ ai đi vào nhà mình. Chỉ đến khi khi tổng lãnh sự Nhật Bản ở New Orleans và thống đốc bang Louisiana, Edwin Edwards làm to chuyện thì vụ án mới được lật lại.

Để bảo vệ mình, Rodney nói rằng trông Hattori có hành tung kỳ lạ và bí hiểm. Điều đó làm cho ông ta cảm thấy hoảng sợ và không còn cách nào khác ngoài việc bắn vào ngực cậu học sinh để tự bảo vệ bản thân. Ông ta còn nói thêm: “Tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi muốn bố mẹ Yoshi hiểu rằng tôi xin lỗi vì tất cả mọi thứ.”

Nhưng với luật sư Doug Moreau, điều này nghe không hề thuyết phục tí nào. Ông tin rằng việc một người đàn ông có vũ trang, cao gần 1m9 lai sợ hãi khi gặp một cậu bé người Châu Á bé nhỏ, lịch sự là điều hết sức vô lý. Luật sư cho biết: “Mọi việc bắt đầu với tiếng chuông cửa. Họ không đeo mặt nạ, không ngụy trang. Những người bấm chuông cửa không bao giờ là những kẻ nhập cư bất hợp pháp. Hai cậu bé cũng không chạy ra sân sau hay rình rập bên ngoài cửa sổ.”

Thế nhưng, người bào chữa cho rằng phản ứng của Peairs là hợp lý bởi vợ ông vô cùng hoảng hốt khi nhìn thấy họ. Sau phiên tòa kéo dài bảy ngày, Peairs được tha bổng và phải bồi thường số tiền 650.000 USD cho cha mẹ Hattori.

Hai người sau đó đã đã sử dụng số tiền này để thành lập hai quỹ từ thiện dưới tên con trai của họ. Một tổ chức từ thiện là để tài trợ cho học sinh trung học Hoa Kỳ muốn đến thăm Nhật Bản và một tổ chức khác để tài trợ cho các những nhà vận động hành lang muốn kiểm soát súng.

Vụ việc đã gây bão trong cộng đồng quốc tế và tạo ra sự phẫn nộ ở Nhật Bản. Nhiều người tin rằng Peairs được tha bổng là kết quả của sự phân biệt chủng tộc. Một kiến nghị kêu gọi kiểm soát súng ở Mỹ chặt chẽ hơn đã được tạo ra và thu được một triệu chữ ký từ người Mỹ và 1,65 triệu từ người Nhật.

Vụ việc thương tâm này cũng đã giúp Đạo luật phòng chống bạo lực súng ngắn Brady được thông qua vào ngày 11 tháng 11 năm 1993 và được đưa vào luật vào ngày 30 tháng 11 năm 1993 dưới thời tổng thống Bill Clinton. Luật này được đặt theo James Brady, một nạn nhân của bạo lực súng đạn và có hiệu lực vào ngày 28 tháng 2 năm 1994.

 

Leave a Reply