Menu
in

Người tình biến mất: Vụ án không thi thể, không chứng cứ, không hung khí đầu tiên của Hongkong

Bắt đầu điều tra

Tháng 1 năm 2012, người đàn ông họ Tần từ Tứ Xuyên lặn lội ngàn dặm xa đi đến Hongkong báo án, nói rằng em gái mình – Tần Gia Nghi (KK) đã mất tích ở Hongkong.

Sau khi tiến hành điều tra sơ bộ, cảnh sát biết được KK từng
gả cho một người ở Hương Cảng rồi ly hôn vào năm 2006, sau đó đến làm việc
trong một câu lạc bộ đêm.

Giữa tháng 10 năm 2011, cô bắt đầu mất liên lạc, bạn bè
chung quanh tiềm kiếm một thời gian không có kết quả, nên đã liên lạc với anh
trai cô ở Tứ Xuyên. Đợi tới khi anh Tần đến Hongkong làm xong thủ tục báo án
thì KK đã mất tích được ba tháng.

Gút mắc tình cảm

Trong quá trình điều tra các mối quan hệ xã hội của KK, người đàn ông tên Trần Văn Thâm cũng chính là nghi phạm của vụ án này đi vào tầm mắt của cảnh sát. Năm 1991, Trần Văn Thâm di dân đến Mỹ, lấy được bằng kế toán cao cấp và bằng đại học thì về Hongkong làm việc. Sau khi về Hongkong hắn từng làm giám đốc tài chính cho một công ty niêm yết, thời điểm xảy ra án mạng hắn đang làm trong hội đồng quản trị công ty cổ phần Quốc Thái Quân An.

Năm 2008, lúc xảy ra quan hệ ngoài giá thú với KK, đồng thời
mua cho cô một căn nhà ở khu Đào Đại, Trần Văn Thâm đã hơn 40 tuổi, có một vợ
và hai đứa con.

Tháng 3 năm 2008, vợ Trần Văn Thâm phát hiện chồng ngoại
tình, yêu cầu chồng phải lập tức đoạn tuyệt quan hệ với KK, còn từng tự sát uy
hiếp chồng hai lần.

Đến tận đây động cơ phạm tội của Trần Văn Thâm xem như đã
quá rõ ràng.

Chứng cứ gián tiếp, trực tiếp và chứng cứ hoàn cảnh

Tháng 3 năm 2012, cảnh sát đi vào căn nhà ở khu Đào Đại nơi KK từng sinh sống, phát hiện căn nhà đã bị dọn sạch và sơn sửa lại toàn bộ, sau khi lục tung nơi này, họ chỉ tìm được 3 sợi tóc của KK, chứ không tìm thêm được chứng cứ hay vết máu nào khác.

Phải mất đến hai năm để cảnh sát có thể lần mò được toàn bộ
chứng cứ hoàn cảnh trên đường từ nhà KK đến nhà Trần Văn Thâm và hoàn nguyên được
vụ án.

Mấu chốt phá án nằm ở hệ thống camera bảo vệ ở khu Đào Đại,
cũng chính là CCTV. Nhưng đừng hiểu lầm, CCTV hoàn toàn không quay được quá
trình hung thủ giết người, nó chỉ ghi lại được hành trình của nghi phạm và nạn
nhân.

Ở đây phải nhấn mạnh một chuyện, thường sau ba tháng thì hệ
thống CCTV sẽ cho những phim mới ghi đè lên phim cũ, nhưng khoảng thời gan này
hệ thống gặp trục trặc nên không thể ghi đè được, chính vì vậy những bản ghi cũ
mới còn giữ lại đến khi cảnh sát đến. Thật đúng là lưới trời tuy thưa nhưng khó
lọt.

Bằng chứng đầu tiên: Theo những gì camera an ninh quay được, vào 4h15p ngày 05/10/2011 KK đi vào toà nhà E khu Đào Đại rồi lên tầng 21, từ đó về sau camera không ghi được bất kì hình ảnh nào của KK nữa.

Điểm sơ qua về bố cục của khu Đào Đại và vị trí phân bố của CCTV: nếu muốn lên tầng 21 khu E nơi KK ở, đầu tiên phải quẹt thẻ từ ngay cửa vào khu Đào Đại, sau đó đi thang máy lên sảnh tầng 3 (ở đây mới có đường đi thông các toà nhà A, B, C, D, E, F, G), sau đó từ sảnh tầng 3 đi sang sảnh chính toà nhà E rồi mới quẹt thẻ đi thang máy lên tầng 21 khu này được. Ngoài ra CCTV được bố trí ở sảnh tiếp tân dưới đất, trong thang máy, sảnh tầng ba và hầu hết hành lang trong toà nhà E.

Nói cách khác, CCTV ghi được hình KK đi thang máy từ sảnh tầng 1 lên sảnh tầng 3, đi qua sảnh toà nhà E, rồi đi thang máy lên tầng 21 và ra khỏi thang máy. Sau đó CCTV không quay được hình ảnh KK ra khỏi tầng 21.

Muốn ra khỏi toà nhà E mà không đi thang máy nhà E, không xuống
sảnh nhà E đi qua sảnh tầng 3 và xuống sảnh chính thì chỉ có một cách duy nhất
là đi lối thoát hiểm. Nhưng lối thoát hiểm luôn được đóng kín, một khi mở ra cả
toà nhà sẽ vang lên tiếng còi báo động rất lớn. Theo ghi chép của quản lý toà
nhà thì trong thời gian từ ngày KK mất tích đến nay, họ chưa từng nghe được bất
kì tiếng còi báo động nào.

KK ở tận tầng 21 toà nhà E, có
nghĩa là những cách thoát khỏi nhà khác như trèo cửa sổ hay trèo tường đều
không khả thi. Đồng thời thông qua hệ thống camera theo dõi, cảnh sát cũng loại
trừ khả năng cô thay đổi trang phục để lén rời khỏi nhà.

Có thể khẳng định KK đã biến mất trong khu nhà này.

Phân tích chứng cứ từ video của CCTV

Theo hệ thống camera theo dõi, vào 18h52p ngày 06/10 Trần Văn Thâm đã lên tầng 21 toà nhà E và rời đi vào lúc 20h34p cùng ngày. Dựa theo hệ thống Octopus thì hắn đã mua một đôi bao tay, xịt khử mùi, túi ny lông lớn và màng giữ tươi, sau đó hắn quay về tầng 21 vào lúc 20h56p và rời khỏi vào lúc 21h11p.

Sáng 10h18p ngày 07/10 hắn lại đến tầng 21 một lần nữa, trong tay cầm một túi to, đến khoảng 10h44p hắn dùng xe đẩy tay đẩy một bao đồ lớn ra khỏi toà nhà, vào bãi đổ xe, đến 10h50p thì lái xe đi khỏi đó. Đến 11h37p hắn đến và đổ xe ở bãi đổ xe của khu Tseung Kwan O Plaza.

Ngày 09/10/2011, Trần Văn Thâm
mang xe đi rửa, ngày 10-11/10/2011, Trần Văn Thâm dẫn đội thi công đến dọn dẹp
tất cả đồ đạc của KK, sơn trát lại toàn bộ căn nhà.

Dựa vào những manh mối này, cảnh
sát suy đoán: Trần Văn Thâm đã giết KK vào tối ngày 06/10/2011, sau đó mua thuốc
xịt khử mùi và những thứ khác để huỷ thi diệt tích, ngày 07/10 hắn dùng xe đẩy
tay đẩy thi thể KK ra khỏi nhà và lái xe chở thi thể đi vứt, sau đó dừng xe ở Tseung
Kwan O Plaza; ngày 10-11/10 hắn dẫn đội thi công đến dọn dẹp những dấu vết cuối
cùng.

Đã có suy đoán cụ thể, cảnh sát bắt
đầu cho thực nghiệm hiện trường, họ cho một nữ cảnh sát cao khoảng 1m61 nặng
54kg chui vào trong một túi ni lông to, nữ cảnh sát hoàn toàn có thể bị bọc
trong túi.

Khi được mời về điều tra, Trần Văn Thâm khai rằng: tối ngày 06/10 hắn đi tìm KK chia tay, KK không đồng ý chia tay, chỉ đồng ý trả nhà lại cho hắn, còn mình thì dọn đi nơi khác. Nhưng cô có vẻ rất đau lòng, nên đã yêu cầu hắn ra ngoài để có thể bình tĩnh lại. Vì thế hắn đã ra ngoài mua vài thứ để đóng gói đồ đạc của mình, xịt khử mùi là để khử mùi thuốc lá, bao tay là để vệ sinh nhà bếp. Hắn định sửa căn nhà này lại để cho thuê.

Ngày 07/10 khi quay trở lại nhà KK, hắn đã thấy KK đặt thẻ nhà trên bàn, bên cạnh còn tờ 100 đô được xếp ngăn nắp, vì thể hắn nghĩ KK đã rời đi, nên gọi đội thi công đến sửa nhà.

Theo lời khai của các nhân chứng là
bạn của KK thì sau ngày 06/10, họ có nhận được tin nhắn của KK, nói cô đã về
Trung Quốc, nhưng theo ghi chép xuất nhập cảnh thì KK chưa từng rời khỏi
Hongkong. Trần Văn Thâm cũng nói sau ngày 06/10 hắn từng dùng điện thoại công
ty gọi cho KK, nhưng không ai bắt máy.  Cảnh
sát lần theo manh mối này phát hiện mỗi khi hắn gọi cho KK thì luôn có tiếng điện
thoại khác vang lên gần đó hoặc.

Cảnh sát đoán rằng sau khi giết KK, hắn đã lấy
điện thoại của cô, gửi tin nhắn cho những người khác để vờ rằng cô vẫn còn sống.

Vụ án làm oanh động cả Hongkong này, dù chưa
bao giờ tìm được manh mối chính xác hay lời khai nhận tội từ nghi phạm, nhưng bồi
thẩm đoàn vẫn nhất trí quyết định tội danh của bị cáo thành lập và bị phán
chung thân.

Thế nhưng Trần Văn Thâm không đồng ý với phán
quyết này và đã đưa đơn kháng cáo, lý do kháng cáo là cảnh sát chỉ dựa vào chứng
cứ hoàn cảnh và quan toà không hề nhắc nhở với bồi thẩm đoàn về nguyên tắc áp dụng
với những vụ án sử dụng chứng cứ hoàn cảnh.

Toà chống án xem xét lại toàn bộ quá trình sơ
thẩm và quyết định phủ định phán quyết của toà sơ thẩm.

Vụ án này xảy ra vào năm 2011, toà sơ thẩm diễn
ra vào năm 2015, toà phúc thẩm diễn ra vào cuối năm 2017. Trần Văn Thâm vốn có
gia đình yên ấm sự nghiệp phát triển, giờ mất việc, vợ ly hôn dẫn con đi xa,
còn bản thân hắn cũng đã ngồi tù 2 năm. Vậy liệu có khi nào hắn đã bị oán
không?

Đương nhiên là không, vì trong toà phúc thẩm hắn
đã kể về quá trình giết KK của mình.

Mặc dù trước giai đoạn phúc thẩm, đã tìm thêm một vài bằng chứng khác, bao gồm lời khai của bạn thân KK, người này nói rằng Trần Văn Thâm từng muốn đưa cho KK 1 trệu đô Hongkong để làm phí chia tay, nhưng KK nhận tiền rồi không chịu thôi.

Người này còn nói KK từng có ý định làm to chuyện
để Trần Văn Thâm thân bại danh liệt, Trần Văn Thâm tỏ ra khá bực tức, muốn triệt
để thoát khỏi KK.

Những bằng chứng thêm này tuy có góp phần vào
việc định tội Trần Văn Thâm, nhưng chứng cứ chính vẫn là lời tự thuật của hắn.
Theo lời khai ngày 06/10/2011, hắn đến tìm KK muốn chia tay, nhưng KK rất kích
động không ngừng đánh đá hắn, trong lúc giằng co hắn vô ý đè mạnh lên người KK
làm cô ngất đi không rõ sống chết, hắn định gọi cấp cứu nhưng phát hiện cô đã
không còn dấu hiệu sống.

Hắn lo sợ mình bị ảnh hưởng thế là quyết định tìm cách xử lý, lời khai của hắn hoàn toàn khớp với suy đoán của cảnh sát.

Tuy nhiên hắn chỉ nhận mình ngộ sát KK vì mục đích tự vệ chứ không có ý định giết KK, khi bị hỏi tại sao 6 năm trước hắn không chịu nhận tội, Trần Văn Thâm nói do hắn yếu đuối không đủ dũng cảm gánh trách nhiệm, nhưng giờ hắn đã mất tất cả không còn gì phải giấu giếm nữa.

Nhưng cuối cùng bồi thẩm đoàn vẫn phán Trần Văn
Thâm tội mưu sát và án tù chung thân.

Cả vụ án này từ đầu đến cuối không hề tìm được bất kì thi thể hay chứng cứ thực tế nào, nhưng bị cáo vẫn bị xử tội, bởi vì bản thân pháp luật không hề quy định rằng trong những vụ án mưu sát nhất định phải tìm được thi thể người bị hại và chứng cứ pháp y. Chỉ cần có đầy đủ bằng chứng hoàn cảnh và khẩu cung phù hợp là đã có thể kết án. Chứng cứ nhiều hay ít không hề quan trọng, mà quan trọng là các bằng chứng được đưa ra có đủ tính xác thực hay không.

 

Leave a Reply