Ở phương Tây xưa kia lưu truyền truyền thuyết về người đàn ông cầm sáo đuổi chuột, câu chuyện đó ám ảnh quần chúng qua nhiều thế hệ với nội dung đề cập đến sự vô ơn, phụ bạc và báo thù.
Chuyện kể rằng vào năm 1284, tại thành Hamelin nước Đức xuất hiện nạn dịch chuột quấy nhiễu, tàn phá của cải, nhà cửa của người dân. Cuộc sống ở Hamelin lâm vào tình trạng khốn khó nên thị trưởng thành phố đã treo thưởng một ngàn đồng vàng cho bất kỳ ai diệt trừ được lũ chuột, đuổi chúng ra khỏi thành.
Ngay ngày hôm sau, một người đàn ông lạ mặt mặc y phục sặc sỡ, trên tay cầm cây sáo xuất hiện. Anh ta được gọi là Pied Piper, đến Hamelin tuyên bố rằng mình sẽ quét sạch lũ chuột ra khỏi thành rồi sau đó lấy sáo lên thổi một giai điệu du dương. Tất cả chuột từ mọi ngóc ngách nghe tiếng sáo liền bị thôi miên, chui ra theo Pied Piper đến sông Weser rơi xuống và chết chìm tại đây.
Pied Piper hoàn thành sứ mệnh trước sự kinh ngạc của mọi người và đến gặp ngài thị trưởng để nhận phần thưởng. Tuy nhiên, anh ta chỉ nhận được 50 đồng vàng, thấy vậy Pied Piper tức giận rời khỏi thành Hamelin và nguyền rủa sẽ quay lại trả thù sự bội ước này.
Vài ngày sau vào lễ thánh John và Paul, khi người lớn tập trung tại nhà thờ chỉ còn lại trẻ em ở nhà, Pied Piper đã đến thổi sáo dẫn dụ những đứa trẻ trong thành đi theo rồi biến mất bí ẩn. Chỉ còn ba đứa trẻ bị điếc, què chân và mù là ở lại, còn 130 đứa khác đã theo Pied Piper đến sau dãy núi và mất tích không dấu vết.
Câu chuyện dần trở thành truyền thuyết dân gian, phổ biến từ năm 1300 cho đến tận ngày nay, được thế giới biết đến qua truyện cổ của anh em nhà Grimm.
Chuyện kể Người Thổi Sáo Thành Hamelin được cho là dựa trên sự kiện có thật xảy ra vào năm 1248 tại Hamelin, Đức. Nhiều người tin vào điều này vì theo tài liệu lịch sử có ghi chép lại rằng trên cửa kính của nhà thờ ở quảng trường thành phố có đề dòng chữ: “Vào ngày thánh John và Paul, ngày 26 tháng 6 năm 1284, một người thổi sáo mặc trang phục đầy màu sắc đã đến Hamelin và đưa 130 đứa trẻ đi mất”. Nhà thờ này sau đã bị phá hủy vào năm 1660.
Sự kiện đau thương đó còn được nhắc đến trong biên niên sử của thành Hamelin năm 1384 với nội dung: “Đã 100 năm kể từ ngày những đứa trẻ của chúng ta rời đi”. Bản thảo Luneburg của Đức, có niên đại 1440 – 1450 cũng thuật lại vụ việc diễn ra ngày 26/06/1284 là: “130 đứa trẻ đã bị người thổi sáo dẫn đến Koppen và biến mất”.
Dựa theo các tài liệu ghi chép trên, các nhà sử học tin rằng sự việc hàng trăm đứa trẻ mất tích tại Hamelin là có thật, đã từng xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên vì sao trẻ em lại biến mất một cách khó hiểu như vậy? Và người thổi sáo là ai? Đó là điều khiến nhiều người tò mò khám phá nhưng vẫn chưa tìm thấy lời giải đáp, sự thật vẫn nhuốm màu kỳ bí, huyền ảo.
Trên hành trình tìm kiếm câu trả lời, đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, những lập luận được cho là điên rồ, kinh dị nhưng khá hợp lý. Dưới đây là các giả thuyết xoay quanh Người Thổi Sáo Thành Hamelin.
Piper Piper là kẻ bệnh hoạn
Chuyện miêu tả Piper Piper là người thổi sáo đuổi chuột và dẫn dụ trẻ em đi theo để trả thù. Nhưng thực tế nạn dịch chuột gây ảnh hưởng đến cuộc sống tại châu Âu là từ năm 1348 -1350, chuột gây nên bệnh dịch hạch khiến phương Tây chìm trong chết chóc với đại dịch Cái chết Đen. Trong khi đó sự kiện ở Hamelin lại xảy ra trước đó hơn 60 năm vì vậy nhiều người cho rằng Piper Piper không phải là kẻ đuổi chuột và trẻ em không biến mất do bệnh dịch hạch.
Thế nên có giả thuyết đưa ra rằng nhân vật Piper Piper thực ra là kẻ ấu dâm, bắt cóc trẻ em để thực hiện hành vi đồi bại sau đó tàn sát chúng. Hắn là dân địa phương, sống trong thành Hamelin và ban đêm sẽ bắt những đứa trẻ mang đi. Trong cuốn sách A World Lit By Fire của William Manchester có mô tả Piper Piper là gã bán hàng rong mắc chứng bệnh tâm thần, kẻ đã hành hạ và để lại những xác chết trẻ em trong rừng hay bụi cây.
Kẻ tham gia vào cuộc thập tự chinh của trẻ em
Cuộc thập tự chinh của trẻ em (Children’s Crusade) diễn ra năm 1212 là công cuộc đưa những đứa trẻ công giáo châu Âu đến đất thánh Jerusalem để đánh đuổi người Hồi giáo.
Sự kiện xuất phát từ giấc mơ của cậu bé chăn cừu người Pháp là Stephen vùng Cloyes, sau đó từ Pháp sang Đức hàng nghìn trẻ em đã tham gia vào cuộc thập tự chinh. Tại Đức, cậu bé Nicolas vùng Koln đã tuyển mộ và dẫn nhiều đứa trẻ đến Jerusalem, số phận của đoàn người hành hương được ghi chép lại là rất bi thảm. Chúng đã bị lừa bán đến Ai Cập làm nô lệ, hàng nghìn trẻ em chết đói, bỏ mạng dọc đường đi hay qua đời vì bị đắm tàu khi gặp bão trên vùng biển Địa Trung Hải.
Tại Đức, người ta tin rằng Piper Piper chính là Nicolas hoặc là một kẻ dị giáo đã tham gia trong cuộc thập tự chinh, dụ dỗ trẻ em và khiến chúng phải trả một cái giá quá đắt, đánh đổi cả mạng sống trong chuyến đi mang tư tưởng cực đoan, phi lý.
Người tạo ra hiện tượng Khiêu vũ hưng cảm
Khiêu vũ hưng cảm (Dancing mania) hay dịch bệnh nhảy múa là trường hợp nhảy múa điên cuồng đến mức kiệt sức trụy tim và tử vong. Hiện tượng này bùng phát thành nạn dịch tại châu Âu và khiến hàng trăm người mắc phải vào khoảng giữa thế kỷ 14 và 17.
Có nhiều người tin rằng Piper Piper là kẻ đã phát tán dịch bệnh khi dùng tiếng sáo để lan truyền, khiến người dân, đặc biệt là trẻ em nghe thấy sẽ hưng phấn mà nhảy múa điên cuồng. Chúng trở nên quá khích đi theo tiếng nhạc và khiêu vũ cho đến chết.
Giả thuyết này sau đã bị bác bỏ vì sự kiện ở thành Hamelin diễn vào thế kỷ 13, trước khi dịch bệnh nhảy múa xuất hiện vào năm 1374.
Tên buôn bán trẻ em
Theo giả thuyết thì vào thế kỷ 13, tình hình kinh tế nước Đức lâm vào khủng hoảng, tỷ lệ dân số bùng nổ, tăng nhanh khiến các gia đình phải bán con cái của họ để giảm gánh nặng tài chính. Người mua những đứa trẻ và dẫn chúng đi khỏi nhà được cho là Piper, kẻ trả tiền để sở hữu trẻ em, dẫn chúng đi làm nô lệ.
Những đứa trẻ là dân di cư
Các giả thuyết gia cho rằng những đứa trẻ ở Hamelin không phải là trẻ em mà thực ra là tầng lớp thanh niên thất nghiệp, hội này thường được gọi đùa là “những đứa trẻ trong thị trấn”. Họ đã rời đi để tìm đất đai và công việc mới ở vùng khác. Thời kỳ này, kinh tế nước Đức đang gặp khó khăn và tình hình di dân trở nên phổ biến, người dân chuyển sang khu vực Đông Âu, đến Ba Lan và vùng Transylvania (Romania).
Piper được cho là kẻ môi giới lao động đến nước Đức tìm thanh niên thất nghiệp và dẫn họ sang vùng đất khác để kiếm ăn.