Menu
in

Những loại ký sinh trùng có khả năng điều khiển não bộ con người

Ký sinh trùng Feline

Tên nguyên bản của chúng là Toxoplasma gondi, rất nổi tiếng và gây nên nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Loài động vật nguyên sinh nhỏ bé này không khác gì một đốm màu bé tí. Nhưng một khi đã xâm nhập vào não thì có thể thay đổi hoàn toàn hành vi của vật chủ. Các sinh vật thường bị T.gondii xâm nhập là chuột, mèo và thậm chí là cả con người.

Mấy cái chấm nhỏ xíu màu mè này thực ra là ký sinh T.gondii cực kỳ nguy hiểm

Cuộc sống của T. gondii bắt đầu từ phân mèo ở dạng trứng và chờ đợi được đưa vào cơ thể vật chủ như chuột. Một khi đã an toàn và ấm áp trong ruột của vật chủ, các tế bào trứng sẽ chuyển sang thể tachyzoite. Những con tachyzoite này sống trong cơ bắp, mắt và não của vật chủ nhiều năm để hấp thụ chất dinh dưỡng.

Ác mộng thật sự xảy ra khi chúng bắt đầu vòng đời sinh sản mới. Cơ thể bọn chuột bị điều khiển, kích thích lao thẳng vào móng vuốt của lũ mèo. Bọn mèo ăn chuột đã bị nhiễm T.gondii sẽ chứa các tachyzoite trong cơ thể và bắt đầu một chu kỳ sống mới.

Một số nhà nghiên cứu ước
tính rằng có đến 30 phần trăm số người trên trái đất
– hơn hai tỷ người trong chúng ta – đang mang theo
tachyzoites T. gondii trong não.

Vòng đời cơ bản của T.Gondii

Vậy bọn ký sinh này có tác động gì đến não người? Vào khoảng đầu thế kỷ XX, số ca tâm thần phân liệt bắt đầu tăng mạnh khi nhiều quốc gia cho phép sử dụng mèo làm vật nuôi.

Joanne Webster, một nhà nghiên cứu
ký sinh trùng tại Đại học Hoàng gia, London cho biết
thông thường thì chúng chỉ tác động lên sự thay đổi
hành vi, chu kỳ hoạt động và thời gian cơ thể phản
ứng với kích thích. Tuy nhiên trong một số trường hợp,
đúng là chúng có thể gây nên tâm thần phân liệt.

Một bài báo khác được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B lập luận rằng ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm T. gondii cao, những ký sinh nhỏ bé này có thể thay đổi hành vi của cả một nền văn hóa. Và tỉ lệ cha mẹ mắc bệnh truyền ký sinh sang cho con cái là 30%.

Amip của sự điên loạn

Nếu bạn đi tới vùng hoang dã, hãy tránh xa những vũng nước ngọt, tù đọng, ẩm ướt bất kể bạn khát như thế nào. Những ao nhỏ này đang vẫy gọi bạn vào con đường trở thành vật chủ của Naegleria fowleri, một loài amip rất khoái cư ngụ trong mô não của con người.

N.fowleri có thể sống sót dưới hình dạng một viên nang, một quả bóng bọc thép siêu nhỏ trong điều kiện lạnh, nóng và khô. Một khi tiếp xúc với vật chủ, nó sẽ mọc ra những xúc tu và biến thành thể trophozoite. Sau khi nó biến đổi, trophozoite tiến thẳng đến hệ thống thần kinh trung ương của vật chủ, men theo các sợi thần kinh để tìm kiếm bộ não.

Uống mấy vũng nước đọng khi đi leo núi là rước con này vô não đấy

Khi đã vào được khu vực quan trọng này, chúng sẽ tạo ra một hệ thống trùng biến hình amip với số lượng nhân lên theo thời gian. Từ từ các tế bào não sẽ bị đám amip nuốt chửng.

Các triệu chứng nhận biết N.fowleri đã xâm nhập vào đầu khá rõ rệt. Đầu tiên là sự thay đổi về khứu giác, xúc giác và có thể đi kèm theo sốt, cứng khớp. Trong vài ngày tiếp theo, khi não bộ đã bị cày tung lên, nạn nhân có thể mất đi khả năng tập trung và bắt đầu thấy ảo giác. Tiếp đến là toàn cơ thể co giật, bất tỉnh và hai tuần sau, não của vật chủ có thể hoàn toàn bị hủy diệt. Kỷ lục chịu đựng đến nay thuộc về người đàn ông ở Đài Loan đã chống chọi với loại ký sinh này trong 25 ngày.

Mặc dù nhiễm trùng N. fowleri rất hiếm gặp, chỉ có vài trăm ca trong lịch sử phát triển của loài người, nhưng tỉ lệ chết gần như là 100%. Nguyên nhân chính là do rất khó nhận biết một người có bị nhiễm N. folewri hay không để đưa ra hướng chữa trị kịp thời.

Loại virus mang đến nỗi sợ
hãi tột độ

Tất cả chúng ta đều được cảnh báo tránh xa bọn chó, mèo hoang bởi vì những con vật tưởng chừng yếu ớt này có thể mang virus dại chết người. Nếu nhiễm, người bệnh không hẳn chết trong trạng thái sùi bọt mép nhưng có thể bị thay đổi hoàn toàn chức năng của não bộ.

Loại virus hình viên đạn này cực kỳ nhỏ, đến mức có thể đâm xuyên hệ thống miễn dịch một cách vô cùng dễ dàng. Chỉ cần một vết thương hở rất nhỏ cũng đủ để nó đi vào cơ thể vật chủ. Một khi đã tiếp xúc với mạch máu, con virus sẽ nhanh chóng tạo ra hàng ngàn bản sao và chiếm lấy tế bào cơ thể. Thành trì cuối cùng bọn chúng muốn chiếm lấy tất nhiên là hệ thống thần kinh trung ương.

Sự sinh sản tột độ của virus dại khi vào cơ thể vật chủ

Điều đặc
biệt là virus dại đặc biệt ưa thích vị trí đồi hải
mã, amygdala và vùng dưới đồi, cấu trúc não đóng vai
trò trung tâm trong trí nhớ, sợ hãi và cảm xúc. Tại đây
chúng sẽ thay đổi cách các tế bào hoạt động và giải
phóng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, GABA và
opioids nội sinh. Nói đơn giản, tất cả những nỗi sợ
hãi và kích động đều sẽ được bộc phát ra.

Động vật bị nhiễm dại thường có các hành vi hung hăng, tấn công tất cả các sinh vật sống gần mình. Chúng thật ra đang trải qua nỗi sợ hãi cực độ. Và những người bị dại cũng sẽ trải qua tình trạng tương tự tuy nhiên, họ sợ hãi cả nước và không khí vốn là những thứ bình thường và căn bản cho sự sống.

Những người bị dại sẽ chết trong tình trạng hoảng sợ cực độ

Nếu không được
điều trị, bệnh nhân dại sẽ rơi vào tình trạng hoang
mang, ảo giác bị hại, suy nghĩ đến các mối đe dọa
tưởng tượng. Họ không thể ngủ, mồ hôi đổ ra đầm
đìa và cuối cùng rơi vào trạng thái tê liệt khi chức
năng não bộ rơi vào hỗn loạn. Vài ngày sau, tim và phổi
bị virus xâm chiếm và cuối cùng toàn bộ cơ thể sẽ
dừng hoạt động.

Trong lịch sử y học thì số người vượt qua được bệnh dại ở giai đoạn lâm sàng ít hơn 10. Do đó đa số các bác sĩ coi dại là bệnh không thể chữa được. Điều đáng mừng là nó khá dễ dàng phòng ngừa bằng vắc-xin.


Giấc ngủ của tử thần

Tại các ngôi
làng thuộc vùng hạ Sahara, Châu Phi và vùng Amazon hoang dã,
loài côn trùng nhỏ nhất có thể mang lại giấc mộng
ngàn thu theo đúng nghĩa đen. Ruồi tsetse rất thích mùi
máu người và chúng thường mang theo loại ký sinh
Trypanosoma. Bọn này thì khoái phá lấu hơn, đặc biệt là
khu vực não người.

Ký sinh trùng thuộc chi Trypanosoma này sẽ có tuổi trẻ sống trong ruột của các động vật không xương sống. Nhưng kể từ lúc bước vào cơ thể của động vật có vú, chúng sẽ biến hình sang thể khác phức tạp và nguy hiểm hơn. Trong giai đoạn đầu tiên của nhiễm trùng, được gọi là giai đoạn tan máu, ký sinh trùng sống trong các tế bào máu và hạch bạch huyết của vật chủ.

Bạn sẽ ngủ tới chết chỉ vì mấy con này đây

Khi trưởng thành, ký sinh sẽ vượt qua hàng rào máu não và bước vào giai đoạn tổng tấn công lên não bộ. Trypanosoma sẽ đặc biệt chú trọng đến vùng dưới đồi, khu vực điều chỉnh tâm trạng và chu kỳ ngủ/thức của con người. Nạn nhân ban đầu sẽ bị đau đầu, khó ngủ hoặc ngủ và thức dậy vào những giờ quái đản. Đi kèm đó là một loạt các triệu chứng tâm lý như thay đổi khẩu vị đồ ăn, trầm cảm, nói năng thất thường, ngứa ngáy khó chịu và run không thể kiểm soát.

Trong vài năm tới thì vật chủ trở nên cực kỳ lười biếng, không muốn làm gì cũng không phản ứng lại với bất kỳ việc gì. Và mức độ cuối cùng là một giấc ngủ kéo dài dẫn đến hôn mê và tử vong.

Mặc dù loại
ký sinh này đã có cách chữa nhưng dấu hiệu nhận biết
bị mắc bệnh lại quá ít. Thường thì người ta chỉ
khuyên là nên tập thể dục, ngủ nghỉ, ăn uống điều
độ lại. Đâu có ai nghĩ đến việc tâm lý bạn thất
thường và mất ngủ lại do một con ký sinh trùng gây
nên?

 

Leave a Reply