Menu
in

Sự thật đầy ám ảnh về Aokigahara – Khu rừng tự sát ở Nhật Bản

Rừng Aokigahara được mệnh danh là Khu rừng tự sát của người Nhật, đó là một địa điểm rùng rợn, bí ẩn và được biết đến như là nơi hoàn hảo để chết. Có vô số người đã tử tự ở khu rừng này và những câu chuyện ma quái về Aokigahara khiến bất cứ ai cũng sợ hãi. Nhiều người tin rằng hồn ma của người tự sát vẫn còn vất vưởng, lang thang trong rừng.

Vậy vùng đất của những người tìm đến cái chết ẩn chứa bí mật gì? Dưới đây là một số sự thật về Aokigahara để bạn hiểu rõ hơn về Khu rừng tự sát.

Một khu rừng kỳ dị dưới chân núi Phú Sĩ

Rừng Aokigahara hay còn gọi là Jukai (biển cây) nằm ở phía Tây Bắc núi Phú Sĩ có đặc điểm địa hình rất đặc biệt.

Bao quanh khu rừng là những thân cây gỗ rất dày, cây cao với tán cây rậm rạp, che phủ cả mặt đất. Dáng cây thì xoắn vặn với phần rễ nổi lên mọc ngang dọc trên nền đất trông rất kỳ dị. Những ai vào trong khu rừng để tìm kiếm thi thể người chết thường phải đánh dấu đường đi bằng băng dính quấn ở cây vì vào nơi kỳ bí này rất dễ bị lạc. Các hàng cây quanh co tạo nên một mê cung khiến người đi rừng dễ bị mất phương hướng và nếu không cẩn thận sẽ bị lạc rồi chết thảm trong rừng.

Mặt đất của rừng chứa lượng quặng sắt mang từ trường, gây nhiễu sóng điện thoại di động và các thiết bị định vị GPS, thậm chí cả la bàn cũng bị tác động gây mất phương hướng. Việc liên lạc và xác định vị trí bằng thiết bị điện tử trong rừng Aokigahara đều bị vô hiệu hóa. 

Cây cối trong rừng mọc san sát nhau nên động vật tồn tại ở Aokigahara rất ít, dường như không thấy sự xuất hiện của sự sống. Aokigahara có hàng trăm hang động lớn nhỏ như Hang gió Fugaku, Hang hồ Sai Bat, Hang băng Narusawa… đều tạo cảm giác trống trải, lạnh lẽo; cây cối thì bao phủ dày đặc khiến gió khó len qua, bao trùm là một sự yên lặng đến đáng sợ. 

Truyền thuyết rùng rợn về những hồn ma

Khu rừng tự sát xuất hiện những xác chết đầu tiên được cho là bắt nguồn từ tục lệ ubasute ở thế kỷ 19. Tục lệ này sau đổi thành oyasute, một hủ tục độc ác đem những người cao tuổi đã già yếu (chủ yếu là phụ nữ) hoặc người bệnh ốm nặng đến vùng núi hoang vắng và để mặc họ ở đó cho đến chết.

Aokigahara trở thành nơi lý tưởng để thực hiện hủ tục này vì khu rừng một khi đã vào rất khó để thoát ra nếu không có dấu hiệu chỉ đường, những người bị bỏ lại và chết dần trong rừng, linh hồn của họ ám vào những cái cây.

Dân gian lưu truyền rằng Yurei – bóng ma của cái chết tàn bạo, không diễn ra tự nhiên do bệnh tật hay già yếu sẽ hóa thành những oan hồn báo thù, rên rỉ, quẩn quanh bên những cành cây cong trong rừng Aokigahara, dẫn dắt người sống tìm đến cái chết. Một sinh vật trong truyền thuyết khác là Tengu, quái vật có ngoại hình giống chim cũng được cho là “ám” Khu rừng tự sát. Có một số du khách kể rằng họ đã nhìn thấy bóng ma trắng, có dáng hình như Tengu lượn lờ giữa lùm cây.

Hồn ma khu rừng chứa đầy oán khí đã tra tấn tinh thần những ai đến viếng thăm, lạc bước vào Aokigahara; khiến con người chìm dần trong u uất, trầm cảm cùng đau thương rồi tìm đến cái chết bằng cách tự tử.

Địa điểm tìm đến cái chết của người Nhật

Nhật Bản là một trong những đất nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trên thế giới và rừng Aokigahara là nơi lý tưởng để họ tìm đến các chết. Theo thống kê hàng năm, có khoảng hơn 100 trường hợp tự sát thành công trong rừng, nhiều người tin rằng con số này còn nhiều hơn nữa nhưng chính quyền Nhật Bản đã không công bố số vụ tự tử chính xác để ngăn chặn các sự kiện đau lòng sẽ xảy ra khi người dân muốn tìm đến cái chết.

Trong khu rừng có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh rùng rợn khi xương người, xác chết nằm rải rác khắp nơi, hình thức tự sát phổ biến nhất tại Aokigahara được cho là treo cổ. Cảnh vật trong rừng khiến ai cũng khiếp đảm và ám ảnh sau khi rời khỏi đó.

Những nhân viên kiểm lâm làm nhiệm vụ tìm kiếm thi thể trong rừng thường làm việc trong nỗi sợ hãi, hàng năm họ truy tìm xác chết và thực hiện các thủ tục để cất giữ thi thể rồi trao trả lại cho thân nhân người chết. Có một “nghi thức” nhằm thử lòng dũng cảm của nhân viên lâm nghiệp rừng Aokigahara là họ sẽ chơi trò oẳn tù tì, chọn ra ai là người sẽ phải ngủ lại qua đêm trong rừng. Nếu người đó tỉnh dậy an toàn vào sáng sớm hôm sau thì đủ dũng cảm để thực hiện tốt nhiệm vụ nhặt xác chết ở Aokigahara. 

Những tác phẩm khiến Aokigahara trở nên nổi tiếng

Năm 1960, cuốn tiểu thuyết Kuroi Jukai của nhà văn Seicho Matsumoto ra mắt và ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng về Aokigahara. Câu chuyện kể về nhân vật chính đã trải qua một cuộc tình lâm ly bi đát và sau đó quyết định kết liễu đời mình tại rừng Aokigahara. 

Cuốn sách bán chạy năm 1993 của Wataru Tsurumui là Sổ Tay Tự Tử Toàn Tập với sự xuất hiện của khu rừng Aokigahara được miêu tả là “nơi thích hợp nhất để chết” cũng gây tranh cãi và ảnh hưởng đến vấn nạn tự tử tại Nhật.  Quyển sách này được tìm thấy trong đồ đạc của những người đã chết nơi rừng Aokigahara.

Ngoài tiểu thuyết, sách truyện, khu rừng còn xuất hiện trong các bộ phim kinh dị như The Forest (2016), Sea of ​​Plants (2015)… Sự nổi tiếng của Aokigahara khiến mọi người tò mò, muốn tìm hiểu về nó, thậm chí là tới quay vlog như năm 2018 – khi anh ta quay video tại khu rừng và xa xa sau ống kính là một xác chết trong tư thế treo cổ.

Để ngăn ngừa vấn nạn tự sát và xóa bỏ sự âm u của khu rừng, chính phủ Nhật đã đưa ra nhiều giải pháp như lắp đặt hệ thống bảng chỉ dẫn cùng những câu khẩu hiệu về cách sống tích cực trong rừng Aokigahara. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có nhiều người tìm đến cái chết trong khu rừng này và lời đồn thổi ma quái về Aokigahara, về mảnh đất của Tử thần chưa bao giờ biến mất.

Đọc thêm:

 

Leave a Reply