Truyện kinh dị – sản phẩm tinh thần do con người sáng tác để khiến cuộc sống thêm phần thú vị, kịch tính; ma quỷ khiến mỗi người trở nên sợ hãi và cảnh giác, cẩn thận không phạm phải những sai lầm, tội lỗi để rồi bị trừng phạt một cách thê thảm. Truyện ma không chỉ để dọa mà còn truyền tải những thông điệp nhân sinh ý nghĩa, Tam Đại Quái Đàm – 3 tác phẩm kinh dị bất hủ của Nhật Bản là ví dụ điển hình cho điều đó.
Với ba câu chuyện: Dinh Thự Của Những Chiếc Đĩa Vùng Bancho (Bancho Sarayashiki), Truyện Kinh Dị Ở Nhà Yotsuya Vùng Tokaido (Tokaido Yotsuya Kaidan) và Lồng Đèn Mẫu Đơn (Botan Doro), dân gian xứ Nhật đã khắc họa nên sự ma mị, ám ảnh về đời sống tình cảm con người trong chế độ phong kiến hà khắc.
Dưới đây là 3 câu chuyện nổi tiếng nhất vừa rùng rợn vừa đậm tính triết lý của ở xứ sở hoa anh đào.
Dinh Thự Của Những Chiếc Đĩa Vùng Bancho
Đây là tác phẩm ra đời vào năm 1741, dựa trên sự kiện có thật xảy ra vào hồi thế kỷ 17, truyện là dị bản của tác phẩm Sarayashiki (Dinh thự của những chiếc đĩa) với nội dung được kể lại như sau:
Vào đầu năm 1653, tại dinh thự của vị samurai quyền quý Tessan Aoyama ở khu Gobancho có cô hầu gái Kiku trong khi làm việc đã vô tình làm vỡ một trong mười chiếc đĩa báu vật của chủ nhân. Aoyama thấy vậy liền tức giận sai người chặt đứt ngón tay của Kiku rồi bắt trói giam cô trong phòng để trừng phạt. Kiku buồn khổ, uất ức trong lòng và cô gái đã trốn khỏi phòng biệt giam rồi gieo mình xuống giếng nước tử tự.
Kể từ ngày đó, tại dinh thự của Tessan Aoyama cứ mỗi đêm về từ giếng nước lại vọng lên giọng nữ thì thầm đếm từng chiếc đĩa “1 chiếc, 2 chiếc”, ai oán không dứt trong bóng tối mịt mờ. Sự việc càng kinh hoàng hơn khi phu nhân của Aoyama lúc sinh nở, đẻ ra đứa trẻ không có ngón tay.
Những gì khủng khiếp diễn ra ở gia đình Tessan đã truyền đến quan thần Mạc Phủ, chính quyền đã tịch thu toàn bộ tài sản và đất đai của Aoyama để dẹp yên lòng dân. Tuy nhiên, tiếng đếm của ma nữ vẫn không dừng lại vì vậy hòa thượng có pháp lực cao cường đã được mời đến tụng kinh cầu siêu. Vào một đêm nọ, khi đang tụng kinh thì hòa thượng nghe thấy tiếng đếm “8 chiếc, 9 chiếc” rồi dừng lại. Vị hòa thượng liền hiểu ra vấn đề và hô lên “mười” và từ đó linh hồn Kiku siêu thoát vì cô nhận ra chiếc đĩa thứ 10 đã được tìm thấy. Tòa dinh thự lại trở về sự bình yên.
Chuyện tiếng đếm đĩa của hồn ma Kiku đã phản ánh thực trạng của những thân phận nô tỳ thấp cổ bé họng, sinh mạng của họ còn không quý giá bằng đồ vật vô tri vô giác. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp giai cấp phong kiến, sự tàn bạo, bất công của giới quý tộc và xã hội nô dịch đã tạo ra tấn bi kịch rùng rợn với những cái chết oan uổng.
Truyện Kinh Dị Ở Nhà Yotsuya Vùng Tokaido
Tác phẩm ban đầu là một vở kịch Kabuki do Nanboku Tsuruya IV sáng tác vào năm 1825, dựa theo truyện kinh dị của Oiwa và Tamiya Iemon ra đời vào thời Edo (1603 – 1868). Ma nữ trong truyện được xây dựng theo Iwa Tamiya, nhân vật lịch sử có thật là con gái quan thần sống tại vùng Yotsuya, Iwa đã bị chồng mình phản bội, bị đầu độc và sát hại.
Câu chuyện kinh điển về ma nữ báo thù được kể lại rằng:
Ông Samon Yotsuya, cha của nàng Iwa đã phẫn nộ trước hành vi biển thủ công quỹ và thói ăn chơi trác táng của Iemon Tamiya, chồng của Iwa. Vì vậy mà ngài Yotsuya đã dẫn con gái về, quyết đoạn tuyệt quan hệ với chàng rể hư hỏng. Dù hết lời cầu xin nhưng Iemon vẫn không thể giữ Iwa ở lại nên hắn căm phẫn bày kế hãm hại bố vợ. Hắn cấu kết với Naosuke, gã bán thuốc dạo đem lòng yêu Sode, em gái đã có chồng của Iwa. Iemon và Naosuke lên kế hoạch giết chết ông Yotsuya và chồng của Sode. Sau đó, hai tên sát nhân đã dàn dựng hiện trường giả, báo tin rằng chính hai gã là người đầu tiên phát hiện ra xác của nạn nhân rồi thề thốt với Iwa và Sode là sẽ truy tìm hung thủ báo thù cho hai nàng.
Kể từ đó, Iemon tái hợp với Iwa và Sode đồng ý cưới Naosuke. Thời gian trôi đi, nàng Iwa hạ sinh đứa con đầu lòng thì gã Iemon lại chán ghét vì nhan sắc nàng dần phai tàn do bệnh tật. Hắn gian díu với Ume, tiểu thư của gia tộc Ito và tìm cách từ hôn Iwa. Đôi gian phu dâm phụ đã bỏ độc trong thuốc chữa bệnh của Iwa và khiến gương mặt nàng bị hủy hoại, biến dạng. Sau đó, Iemon uy hiếp, sai khiến Takuetsu, một kẻ xoa bóp dạo vào phòng cưỡng ép Iwa để lấy cơ bắt gian ruồng bỏ người vợ. Tuy nhiên khi Takuetsu trông thấy Iwa, gã đã khiếp đảm trước dung nhan của nàng và do quá sợ hãi mà vô tình tiết lộ âm mưu của Iemon.
Nghe rõ sự tình, Iwa quá căm phẫn mà hóa điên tự vẫn, dùng dao cắt cổ mình. Iwa đã chết khiến Iemon rất vui mừng, hắn vu khống Kohei Kobotoke tội lấy cắp thuốc và gian díu với Iwa rồi giết chết anh ta, đưa xác Iwa và Kohei thả trôi sông. Sau đó, hắn liền cưới Ume nhưng ác giả ác báo, vào đúng đêm hôn lễ của hắn hồn ma của Iwa đã quay trở về trả thù. Nàng hiện lên với bộ kimono, mái tóc dài đen phủ xuống và khuôn mặt trắng toát khiến Iemon kinh hãi tột độ, trong lúc hoảng sợ hắn đã phát điên, giết chết Ume rồi bỏ chạy.
Về phần Naosuke, trong lúc chuẩn bị hôn lễ với Sode thì bất ngờ Yomoshichi, người chồng đã chết của Sode xuất hiện. Yomoshichi kể rằng anh chưa chết, người bị sát hại là một kẻ thế thân và khi hay tin Sode lấy người khác, anh trở về buộc tội vợ không chung thủy. Vì vậy mà Sode đã tự sát để chuộc lỗi, còn Naosuke sau khi đọc được thư Sode để lại thì biết được sự thật động trời rằng gã là anh trai ruột của nàng, quá đau đớn Naosuke cũng tự sát theo Sode.
Yomoshichi sau khi biết rõ chân tướng sự việc thì truy bắt và giết chết Iemon. Tấn bi kịch của nhà Yotsuya vùng Tokaido chấm dứt trong tang thương, chết chóc, hận thù.
Chuyện kể về nàng Iwa hay Oiwa được coi là truyện ma nổi tiếng nhất mọi thời đại tại Nhật Bản, tác phẩm văn học này đã được chuyển thể thành kịch, phim ảnh và có ảnh hưởng sâu sắc đến dòng phim kinh dị của xứ Phù Tang. Nàng Iwa Tamiya đã được dân gian thờ phụng tại ngôi đền Oiwa Inari Tamiya Jinja thuộc khu vực Shinjuku, thành phố Tokyo. Đây là di tích lịch sử bí ẩn thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm và lắng nghe truyện kể ma ám rùng rợn nhất ở đất nước mặt trời mọc.
Lồng Đèn Mẫu Đơn
Năm 1884, Encho Sanyutei đã biên soạn vở Rakugo có tựa đề Lồng Đèn Mẫu Đơn, dựa theo tiểu thuyết Mẫu Đơn Đăng Ký ở thời nhà Minh, Trung Quốc. Tác phẩm là một câu chuyện vừa kinh dị vừa lãng mạn khi kể về mối tình bi thương của nàng Otsuyu và chàng Shinzaburo.
Otsuyu là tiểu thư cành vàng lá ngọc, con gái của một samurai dòng dõi Hatamoto cao quý, nàng đem lòng yêu chàng trai trẻ Shinzaburo Hagiwara. Họ yêu nhau say đắm nhưng ít khi được gặp mặt vì bị cấm đoán. Thế rồi, Shinzaburo gặp biến cố nên không hẹn gặp được nàng Otsuyu. Ngày tháng qua đi nỗi nhớ cứ vậy đong đầy khiến Otsuyu vì tương tư, mong mỏi được gặp mặt chàng Shinzaburo mà dần ngã bệnh rồi qua đời. Shinzaburo đau buồn ở lại, ngày đêm cầu nguyện cho người con gái mình yêu đã ra đi mãi mãi.
Một chuyện kỳ lạ đã xảy ra vào đêm 13 của kỳ lễ Obon, khi chàng Shinzaburo tụng kinh cầu siêu cho nàng Otsuyu thì nghe tiếng guốc vang lên, chàng liền bước ra thì gặp Otsuyu đứng đó trước cửa nhà. Kể từ đó, cứ đêm xuống Otsuyu lại cầm chiếc lồng đèn hoa mẫu đơn cùng người hầu của nàng đến tìm Shinzaburo.
Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi Tomozo, người hầu của Shinzaburo vô tình trông thấy chủ nhân của mình ôm ấp một bộ xương. Quá kinh hãi anh ta liền bẩm báo chuyện này với vị nhà sư sống kế bên. Đêm sau như thường lệ nàng Otsuyu lại đến và bị bùa chú của nhà sư phong tỏa không thể lại gần chàng Shinzaburo. Đôi tình nhân bị chia cắt, chìm đắm trong đau khổ, vì thương nhớ Otsuyu mà sức khỏe Shinzaburo dần suy yếu. Thấy vậy, người hầu gái của Otsuyu liền tìm đến vợ chồng nhà Tomozo, hứa cho họ một trăm lượng vàng để nhờ vả việc gỡ bỏ bùa chú trên cửa. Hai vợ chồng Tomozo khi nhận được vàng thì lén đến gỡ bùa niêm phong.
Đêm đó, Otsuyu đã tìm đến gặp Shinzaburo, hai người hạnh phúc đoàn tụ cùng nhau. Sáng hôm sau, Tomozo đến tìm chủ nhân thì phát hiện Shinzaburo đã chết, trong tay chàng là bộ xương của Otsuyu và gương mặt chàng rạng rỡ, miệng nở nụ cười mãn nguyện cứ như một người đang ngủ gặp một giấc mộng đẹp.