Từ thời Trung Cổ,
thung lũng Isdalen gần thành phố Bergen đã là nơi tập kết của rất rất nhiều vụ
tự sát. Vài thế kỷ sau, những người leo núi, đi bộ đến nơi đây cũng cứ thể mà
biến mất vào hư vô. Từ đó, thung lũng Isdalen còn được biết đến với tên gọi
thân thương là thung lũng tử thần. Nhưng vào ngày 29/11/1970, một gia đình leo
núi đã phát hiện ra một cảnh tượng mà sẽ làm cho mọi người mãi mãi nhớ về mảnh
đất lạ kì này.
Những sĩ quan đầu tiên đến hiện trường để ý thấy có một mùi gì đó rất nặng bao quanh toàn bộ khu vực này, điều tra kĩ hơn cho thấy đó là mùi thịt người đang bốc cháy. Và nguồn phát ra cái mùi hôi hám đó nằm ở đâu? Một người phụ nữ nằm kẹt cứng giữa vài tảng đá lớn. Nạn nhân đã cháy rụi đến mức hoàn toàn không thể nhận diện được khuôn mặt, nhưng một điểm đáng lưu ý là phần lưng của nạn nhân không hề bị cháy như những bộ phận cơ thể khác.
Kết quả khám nghiệp pháp y sau đó cho thấy nạn nhân vẫn còn sống khi cơ thể bà bắt đầu cháy, họ cũng tìm thấy hơn 50 viên thuốc ngủ đã được tiêu hóa trong dạ dày của nạn nhân, điều này đặt lên câu hỏi làm sao mà nạn nhân có thể còn sống được khi cơ thể bắt đầu cháy, đồng thời đã tiêu hóa hơn 50 viên thuốc ngủ? Một vài điểm khác thường cũng có thể được tìm thấy ở hiện trường: Mặc dù quần áo nạn nhân đã cháy gần hết, nhưng cảnh sát vẫn nhận thấy rằng nhãn mác quần áo đã được cắt đi một cách rất cẩn thận. Đồ trang sức của nạn nhân, bao gồm một chiếc đồng hồ đã được tháo ra và sắp xếp xung quanh nạn nhân, theo một điều tra viên thì đây có thể là một hình thức “tưởng nhớ, kỷ niệm nạn nhân.”
Bước đầu điều tra cho thấy rằng đây có thể là một vụ tự sát. Từ những viên thuốc ngủ cho đến việc cảnh sát tìm thấy một bình xăng gần thi thể, cảnh sát giả thuyết rằng, có thể nạn nhân đã nuốt đống thuốc ngủ trước, nhưng trong thời gian những viên thuốc ngủ còn chưa ngấm, nạn nhân tiếp tục đổ xăng lên cơ thể rồi phóng hỏa. Tuy nhiên, giả thuyết này không thể giải thích cho việc tại sao ở phía cổ bên phải của nạn nhân lại có một vết bầm lớn.
Không một manh mối nào có thể giúp cảnh sát nhận diện được nạn nhân, bà được gọi là The Isdal Woman, theo tên của thung lũng nơi họ đã phát hiện ra bà. Vụ án có một bước ngoặt mới khi vân tay của The Isdal Woman khớp với hành lý trên một chuyến tàu ở trạm Bergen. Tìm thấy được hành lý của nạn nhân nghĩa là cảnh sát đã có thể đi sâu hơn vào hành trình khám phá danh tính của nạn nhân, nhưng thay vào đó, những gì có bên trong chiếc hai chiếc vali chỉ làm những bí ẩn này càng thêm ngổn ngang.
Quần áo, một cặp kính không độ, kem dưỡng da, một cuốn nhật ký, và một tấm bưu thiếp là những gì có trong cả hai chiếc vali. Nhưng một lần nữa, nhãn mác của mọi thứ đều đã được cắt ra một cách cẩn thận để không ai có thể lần ra được thương hiệu và ngày giờ mua hàng, từ đó lại đưa bên điều tra vào ngõ cụt.
Tấm bưu thiếp có vẻ là đầu mối khả quan duy nhất, cảnh sát theo dấu tấm bưu thiếp và tìm thấy một anh chàng nhiếp ảnh gia. Chàng trai nói rằng anh đã dùng bữa tối với người phụ nữ bí ẩn này đúng một lần, và không biết nhiều thông tin gì về bà. Cuộc thẩm vấn kết thúc và cảnh sát vẫn không có thêm thông tin gì hữu dụng để tiếp tục điều tra.
Về phần cuốn nhật ký, cảnh sát tìm thấy một số đoạn ghi bằng mật mã. Những đoạn mật mã khi mới được tìm thấy đã làm khó cảnh sát vì không ai có cách nào để giải những đoạn mật mã này. Nhưng khi cảnh sát công khai những đặc điểm nhận dạng của The Isdal Woman, họ đã tìm thấy một số đầu mối mới tại khách sạn St. Svithun. Tại đây, nhân viên khách sạn kể lại rằng The Isdal Woman đã từng ở đây dưới cái tên Fenella Lorch. Đối chiếu chữ viết tay trong cuốn nhật ký với sổ đăng ký của khách sạn, cảnh sát nhận thấy ngày mà The Isdal Woman check-in ở khách sạn cũng giống với những con số trong đoạn mật mã.
Ví dụ: 030 BN5 trong đoạn mật mã nghĩa là bà đã ở Bergen từ 30/10 đến 5/11.
Dùng đầu mối này, cảnh sát đã lùng sục khắp các khách sạn quanh khu vực đó và tìm thấy rằng The Isdal Woman có ít nhất 8 bí danh cùng nhiều hộ chiếu khác nhau.
Trong khoảng thời gian này, một số báo cáo nổi lên cho rằng người phụ nữ bí ẩn này là một người lính của lực lượng không quân Na Uy. Nhưng những báo cáo này cuối cùng cũng chẳng dẫn đến đâu cả, không có bằng chứng dáng tin nào cho thấy chuyện này là sự thật.
Bên cạnh những thứ mà một người du lịch sẽ mang theo, hai chiếc vali còn chứa vài bộ tóc giả cùng với tiền tệ của nhiều nước khác nhau. Cảnh sát tìm được nơi xuất xứ của vài thứ, sau đó nói chuyện với những người đã từng tiếp xúc với The Isdal Woman và cho ra bản vẽ này:
Đa số những người được thẩm vấn đều miêu tả lại rằng The Isdal Woman là một người phụ nữ thanh lịch, biết ăn mặc, tóc màu nâu tối, nói chuyện bằng giọng Anh chuẩn. Nhưng manh mối lại tiếp tục biến mất khi cảnh sát dừng chân tại một khách sạn The Isdal Woman đã từng check-in với một bí danh của bà.
Cảnh sát rút ra kết
luận là người phụ nữ bí ẩn đã ngao du khắp Na Uy và toàn châu Âu dưới nhiều bí
danh và hộ chiếu giả khác nhau. Những đoạn mật thư trong nhật kí được dùng để
ghi lại những nơi và một số lưu ý khác về những nơi người phụ nữ này đã đi qua.
Và chỉ như vậy thôi, cuộc điều tra hoàn toàn phải dừng lại vì không còn manh mối
nào để tiếp tục nữa.
Cuối cùng, nguyên nhân tử vong chính thức của The Isdal Woman vẫn là tự sát, nhưng kết luận này không giải đáp được những uẩn khúc còn lại về thi thể đã bị cháy rụi ngoài phần lưng. Một tang lễ đã được tổ chức vào năm 1971, và vụ án được khép lại, mặc dù còn nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Vài thập kỉ sau, vụ
án này được mở lại, nhờ vào những tiến bộ vượt bậc trong khoa học pháp y, bao gồm
xét nghiệm DNA và phân tích đồng vị. Khi tang lễ được tổ chức vào năm 1971, cảnh
sát đã quyết định giữ lại hàm của The Isdal Woman vì mục đích điều tra. Sau
này, nhờ vào những phương pháp xét nghiệm mới, họ rút ra một kết luận mới rằng
The Isdal Woman có xuất thân từ Trung Âu và đã bắt đầu di chuyển ngay trước hoặc
trong thời Thế Chiến thứ hai.
Phát hiện này kết hợp với việc The Isdal Woman có thể nói được nhiều thứ tiếng đề ra khả năng người phụ nữ bí ẩn này có thể là một gián điệp. Na Uy thời đó là một trong những cái nôi phát triển gián điệp tốt nhất. Việc The Isdal Woman là một gián điệp cũng giải thích được việc khi bà qua đời, không một dấu vết nào có thể lần ra được danh tính của bà.
Nhiều giả thuyết đã nổi lên kể từ khi cái chết của The Isdal Woman được công khai, một trong số đó là bà đã bị sát hại bởi cuộc sống gián điệp của mình. Việc có tóc giả, hộ chiếu, viết nhật ký bằng mật mã, thường xuyên thay đổi khách sạn đều được quy lại thành những hành vi có tổ chức và thường để hạn chế những người theo dấu chân bà. Tuy nhiên, với việc danh tính của nạn nhân còn chưa được làm rõ, không ai có bất cứ dấu vết gì về hung thủ của vụ án này.
Cho tới bây giờ, chiếc quan tài của The Isdal Woman vẫn còn được cảnh sát giữ lại, với hy vọng rằng một ngày nào đó, họ sẽ có thể đưa chiếc quan tài đó về nơi yên nghỉ thích hợp, nếu như có ai đó đến làm sáng tỏ bí ẩn về người phụ nữ lạ lùng này. Nhưng ngày đó có vẻ như vẫn còn quá xa.