Menu
in

Truyền thuyết về Grim Reaper, thực thể thần bí dẫn lối con người đến địa ngục

Chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy hình dáng của các vị Thần Chết trên sách báo hoặc phim ảnh. Đó là nhân vật có ngoại hình đáng sợ với bộ xương người trắng bệch, khoác chiếc áo choàng đen u ám, tay cầm lưỡi hái. Khi loài người nhìn thấy hốc mắt trống rỗng của sinh vật đó hiện lên trong bóng tối cũng chính là lúc họ phải từ giã cõi trần.

Trong truyền thuyết phương Tây, Tử thần chính là Grim Reaper, một sinh vật huyền bí tồn tại và gây ám ảnh kinh hoàng cho con người.

Sứ giả của cái chết, kẻ mà nhân loại không muốn đối mặt nhất trong cuộc đời

Grim Reaper xuất hiện trong các câu chuyện cổ từ thế kỷ 14. Lúc bấy giờ tại châu Âu, “Cái chết đen” với dịch hạch hoành hành đã làm hàng triệu người thiệt mạng, xóa sổ gần 1/3 dân số lục địa già. Thi thể, xác chết có mặt khắp mọi nơi, cái chết len lỏi vào trong suy nghĩ của mỗi người từ đó họ bắt đầu tạo ra hình ảnh về Tử thần.

Thuở ban đầu, trong văn hóa dân gian, Thần Chết được miêu tả là linh hồn độc ác sinh tồn bằng cách hút dương khí của con người. Tuy nhiên theo dòng chảy của thời gian, chúng sinh dần hiểu rõ quy luật của tự nhiên về sinh lão bệnh tử nên cái chết được cho là một phần cơ bản của cuộc sống và nhiệm vụ của Thần Chết là đến để tiễn con người rời khỏi dương gian. 

Không giống như các vị thần khác sở hữu vẻ đẹp lộng lẫy, Grim Reaper có một ngoại hình nhìn thôi đã đủ hãi hùng.

Đặc điểm trên cơ thể của Thần Chết rất đơn giản nhưng lại chứa đựng ý nghĩa sâu sắc liên quan đến vòng luân hồi sinh tử của loài người. Trong truyền thuyết, Grim Reaper được cho là nam giới nhưng nhiều dị bản khác nhau tại châu Âu thì miêu tả Thần Chết mang giới tính nữ.

Grim Reaper có thân hình là bộ xương người với cái đầu lâu có hai hốc mắt đen ngòm. Đó là hình ảnh phản ánh thực trạng chết chóc trong thời kỳ “Cái chết đen”. Chiếc áo choàng đen biểu tượng cho bóng tối, cái chết. Khi con người không còn sống nữa, đôi mắt sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng, mọi thứ sẽ chìm trong màn đêm đen sâu thẳm của cõi vĩnh hằng.

Thần Chết luôn mang theo cây lưỡi hái trên tay. Lúc đầu thần cầm theo các loại vũ khí như giáo, mũi tên, phi tiêu… để tấn công, cướp lấy sinh mạng của nạn nhân. Nhưng sau này chiếc lưỡi hái đã thay thế để biểu tượng cho sự úa tàn, chấm dứt sự sống. Lưỡi hái giúp Thần Chết “thu hoạch” linh hồn, cắt đứt sợi dây gắn kết vô hình giữa con người với trần thế để ra đi, siêu thoát.

Bên cạnh đó, đôi khi Tử thần còn mang theo chiếc đồng hồ cát để nhắc nhở thời hạn sống của phàm nhân. Ai sinh ra trong đời cũng có thời hạn sống tương ứng với lượng cát chảy trong chiếc đồng hồ của Thần Chết. Khi cát chảy hết cũng là lúc một ai đó phải nói lời tạm biệt với cuộc sống.

Vị thần có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của nhân loại 

Từ xa xưa có rất nhiều câu chuyện cổ kể về việc con người gặp gỡ, chạm trán với Grim Reaper. Tất cả đều phải nhận lấy cái kết bi thảm. Trong truyện cổ nước Nga, có tác phẩm Death and the Soldier thuật lại diễn biến cuộc chiến của loài người và Tử thần.

Chuyện bắt đầu khi một người lính già cả gan bắt nhốt Thần Chết trong một chiếc bao ma thuật. Khi vị thần thoát khỏi cái bao đã giận dữ và trừng phạt bằng cách không bao giờ ghé đến gặp người lính để ông ta có một cuộc sống bất tử, sống trong đau khổ tuyệt vọng với cơ thể già nua mà không thể chết đi.

Còn trong truyện dân gian Godfather Death, Grim Reaper là một người cha. Chuyện kể rằng Thần Chết đã nhận nuôi một đứa trẻ sơ sinh mồ côi và khi lớn lên nó trở thành thầy thuốc. Cứ mỗi lần thăm khám bệnh nhân, Thần Chết ban cho con trai một chiếc cốc chứa nước phép thuật có thể nhìn thấy ông ở trước đầu và cuối giường của bệnh nhân.

Nếu Thần Chết xuất hiện cuối giường, bên chân bệnh nhân thì người con sẽ vẩy nước từ chiếc cốc và quá trình chữa trị thành công, còn nếu đứng đầu giường thì đó là dấu hiệu cái chết đã đến, cứu chữa cũng vô ích.

Một ngày nọ vị thầy thuốc đã làm trái ý Thần Chết khi vẩy nước vào cô công chúa sắp chết của nhà vua. Tử thần đã rất tức giận và đưa đứa con trai đến vùng đất chứa những ngọn nến sinh mệnh, chỉ cho anh ta thấy ánh sáng sự sống của con người. Lửa nơi ngọn nến là tượng trưng cho tuổi thọ của mỗi người, nếu như nến cháy hết kẻ đó phải chết.

Thế rồi anh thầy thuốc thấy ngọn nến của chính mình sắp sửa cháy hết, vì vậy mà sợ hãi cầu xin cha chuyển nến của bản thân sang nến của người khác, nhằm kéo dài tuổi thọ.  Quá thất vọng vì đứa con, Thần Chết đã làm rơi ngọn nến khiến nó vụt tắt và người con trai đã trút hơi thở cuối cùng.

Một mô-típ nổi tiếng và phổ biến là lãng mạn hóa Grim Reaper như tác phẩm Death and the Maiden, trong đó Thần Chết là người tình của một thiếu nữ xinh đẹp. Chủ đề này rất được ưa chuộng trong văn hóa nghệ thuật thời Phục Hưng và sau đó hồi sinh, phát triển vào thế kỷ 19.

Hình ảnh đáng sợ của Grim Reaper có mặt khắp mọi nơi, từ tiểu thuyết, phim ảnh đến thời trang, trò chơi điện tử. Thần Chết dần trở thành một biểu tượng bất hủ, liên quan đến những thứ kinh dị và thể hiện phong cách cá tính khác lạ của giới trẻ hiện đại.

Đọc thêm:

 

Leave a Reply