Sinh ra vào thời Tây Hán, Quán Đào công chúa tên thật là Lưu Phiếu. Cô là con gái của Hán Văn Đế – Lưu Hằng và Hiếu Văn Đậu Hoàng Hậu. Năm 157 TCN, Hán Văn Đế băng hà, em trai của Quán Đào công chúa là Lưu Khải lên ngôi vua, hiệu là Hán Cảnh Đế. Năm 177 TCN, bà thành thân với Đường Ấp hầu Trần Ngọ, hai người có với nhau một trai, một gái.
Với thân phận là chị gái của vua và được mẹ là Đậu thái hậu yêu quý, thế lực của Quán Đào công chúa ngày càng lớn mạnh. Thậm chí, Lưu Phiếu còn được phép tham dự quyền triều chính của vua, ra vào hậu cung một cách tự do.
Bà giữ quan hệ thân thiết với Hán Cảnh Đế, thường xuyên dâng tặng nhiều mỹ nữ và vàng bạc để lấy lòng em trai mình. Hành động này của bà khiến Lịch Cơ – một trong những phi tần của Lưu Khải phẫn nộ. Sau khi Bạc hoàng hậu (chính thất của Hán Cảnh Đế) bị phế truất, con trai của Lịch Cơ là Lưu Vinh lên ngôi thái tử.
Quán Đào công chúa có ý định gả con gái của mình là Trần Kiều cho Lưu Vinh nhưng lại bị Lịch Cơ thẳng thừng từ chối. Ôm mối hận với phi tần này, Quán Đào này mưu giành ngôi cho con trai Lưu Triệt của đồng minh mới là Vương phu nhân.
Lưu Phiếu thường nói tốt Lưu Triệt trước mặt Cảnh Đế, gièm pha Lịch Cơ khiến ông không hài lòng. Vương phu nhân sau đó cùng Quán Đào công chúa ngầm sai đại thần tấu thỉnh lập Lịch Cơ làm Kế hoàng hậu. Hán Cảnh Đế đang chán ghét Lịch Cơ, cho rằng bà có mưu đồ xúi giục đại thần nên ra chiếu phế truất Thái tử Lưu Vinh, Lịch Cơ phẫn uất tự sát. Sau đó, Lưu Triệt trở thành thái tử, con gái của Lưu Phiếu trở thành thái tử phi.
Với thế lực lớn mạnh, Quán Đào công chúa còn được mọi người tôn thành Đậu Thái chủ. Sau này khi con gái bị truất ngôi hoàng hậu, thế lực của bà vẫn không hề sụp đổ. Bà còn là người đầu tiên trong lịch sử dám “vượt rào” hẹn hò với trai trẻ 18 tuổi Đồng Yển khi đã 60 tuổi. Bà qua đời năm 116 TCN và được an táng cùng người tình kém 42 tuổi tại Bá Lăng.
2. Bình Dương công chúa (thời Đường)
Lịch sử Trung Quốc có hai nàng công chúa cùng có hiệu là Bình Dương nhưng người nổi tiếng có quyền lực và được nhiều người tôn kính hơn là Lý thị sinh vào thời Đường. Bà là con gái thứ ba của Đường Cao Tổ và là chị gái của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Thông tin về tên thật và năm sinh của bà không được sử sách ghi chép lại.
Khi Lý Uyên vẫn chưa thể đạt được giang sơn của triều Tùy, nàng đã thống lĩnh đội Nương tử quân giúp cha công thành đoạt đất. Bình Dương công chúa cũng chính là vị công chúa duy nhất trợ giúp Hoàng đế kiến lập đại nghiệp thiên thu. Vì để biểu dương công lao của Bình Dương công chúa, sau khi nàng chết Lý Uyên đã phá lệ truy phong thị hiệu cho nàng.
3. Thái Bình công chúa (thời Đường)
Là con gái của Võ Tắc Thiên cùng Đường Cao Tông Lý Trị, bà thừa hưởng tính cách mạnh mẽ như chính mẫu thân của mình. Sử sách chưa rõ năm sinh của bà, tuy nhiên các nhà sử học ước tính rằng bà sinh khoảng từ năm 660 đến 665, mất năm 713.
Sau khi Võ Tắc Thiên xưng đế, Thái Bình công chúa từng nhiều lần có ý định can thiệp triều chính nhưng đều bị mẹ và các vị quan cấm cản. Không hài lòng với việc bị gạt ra rìa, Thái Bình âm thầm gây dựng thế lực cho riêng mình. Biết Võ Tắc Thiên đam mê nhục dục, bà dâng tặng hai người đàn ông cường tráng cho mẹ là Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi. Lợi dụng sự sủng ái của mẹ với hai anh em họ Trương, Thái Bình công chúa xúi giục Xương Tông và Dịch Chi làm phản.
Năm 705, Trương Giản Chi cùng tướng quân Lý Đa Tộ đứng lên khởi binh, trừng trị anh em nhà họ Trương, ép Võ Tắc Thiên phải nhường ngôi lại cho Thái tử Lý Hiển, đăng cơ với niên hiệu là Đường Trung Tông. Thái Bình công chúa góp công lớn trong việc thuyết phục mẹ mình nhường ngôi để trở thành Thái Thượng Hoàng.
Sau thắng lợi này, bà được sắc phong là Trấn Quốc Thái Bình công chúa, được lập phủ riêng, ăn lộc năm nghìn hộ. Cũng kể từ đó, Thái Bình công chúa bắt đầu nhúng tay nhiều hơn vào công việc chính sự. Bà công khai bành trướng thế lực và không ngại đối đầu với công chúa An Lạc – con gái của Đường Trung Tông với tham vọng trở thành “Võ Tắc Thiên thứ hai”. Bà bắt tay với anh trai và Lý Đán và con trai ông là Lý Long Cơ để lật đổ Vi hậu và công chúa An Lạc đang buông rèm nhiếp chính lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sau này bà phải nhận cái kết thảm vì bị đồng minh là Lý Long Cơ trở mặt và sát hại. Năm 712 TCN, Thái Bình công chúa quyết định khởi binh nhằm tiêu diệt Lý Long Cơ và tìm cách nắm giữ ngự lâm quân. Nhưng tướng chỉ huy ngự lâm quân đã bị Lý Long Cơ giết chết ngay sau khi kế hoạch trên bị bại lộ.
Do quá hoảng hốt nên bà phải chạy lên núi Nam Sơn lẩn trốn suốt ba ngày. Đồng thời, dù Lý Đán ra sức xin con trai tha chết cho em gái mình nhưng yêu cầu đó không được chấp thuận. Cuối cùng, Thái Bình công chúa phải tự tìm tới cái chết. Sự ra đi của bà chấm dứt cho việc “phụ nữ can thiệp vào triều chính” của thời nhà Đường.