Thời Trung Cổ, bệnh tật là mối đe dọa thường trực đối với sức khỏe của người dân do thiếu vệ sinh và kém hiểu biết về bản chất của bệnh. Vô số chứng bệnh từng khiến các bác sĩ thời Trung Cổ đau đầu thì ngày nay đã được hiểu rõ. Nhưng có một căn bệnh luôn là bí ẩn của y học và lịch sử, đó là bệnh đổ mồ hôi Anh.
Vào thế kỷ 15 và 16, một dịch bệnh bí ẩn đã quét qua châu Âu. Những bệnh nhân ban đầu sẽ có triệu chứng sốt và rét run, đau đầu, đau cổ, vai và tay chân dữ dội, thể trạng cực kỳ yếu. Giai đoạn lạnh kéo dài từ 30 phút cho đến 3 tiếng. Sau đó giai đoạn nóng bắt đầu với các hiện tượng mồ hôi túa ra đầm đìa, vô cùng khát nước, kèm theo mê sảng, mạch đập nhanh, đánh trống ngực và đau ngực. Ở những giai đoạn cuối, nạn nhân sẽ ngã gục và thiếp đi, không bao giờ tỉnh lại nữa. Điều đáng sợ nhất của căn bệnh đổ mồ hôi là tốc độ giết người của nó. Hầu hết bệnh nhân đều tử vong trong vòng 18 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Chỉ những người sống sót sau 24 giờ đầu mới có thể hồi phục hoàn toàn.
Bệnh đổ mồ hôi xuất hiện trong 5 đợt bùng phát lớn từ năm
1485 đến đợt bùng phát được ghi nhận cuối cùng vào năm 1551. Sau này, một biến
thể lành tính hơn của căn bệnh này, được gọi là Picardy Sweat, bùng phát ở miền Bắc nước Pháp từ năm 1718 đến 1874.
Trong khoảng thời gian này, có khoảng gần 200 ổ dịch, nhưng tỷ lệ tử vong thấp
hơn căn bệnh gốc trước đây nhiều.
Căn bệnh được phát hiện lần đầu tiên dưới triều đại Henry VII, vào năm 1485, ngay sau Trận chiến Bosworth; khiến hơn 10.000 người tử vong chỉ trong vòng một tháng. Một đợt bùng dịch nhỏ hơn xảy ra vào năm 1507, và sau đó là đợt bùng dịch thứ ba, nghiêm trọng hơn xảy ra vào cuối năm đó. Đợt dịch thứ tư bùng phát ở London vào năm 1528 và nhanh chóng lan rộng ra toàn nước Anh.
Henry VIII đã chạy trốn khỏi London, di chuyển hết từ nơi này sang nơi khác, mỗi đêm ngủ trên một chiếc giường khác nhau hòng thoát khỏi sự càn quét của dịch. Căn bệnh sau đó xuất hiện ở Hamburg đột ngột như ở London và lây lan nhanh đến mức cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người trong vòng vài tuần. Nó quét qua khắp châu Âu, đến Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Litva, Ba Lan và thậm chí đến nước Nga ở phía đông xa xôi. Dịch bệnh xuất hiện lần cuối vào năm 1551 rồi biến mất.
Trong những thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh, người ta đã chứng
kiến một điều kỳ lạ rằng căn bệnh này chủ yếu tấn công những người giàu có hoặc
giới thượng lưu. Công tước, giám mục và thị trưởng, tất cả đều là nạn nhân của
nó. Tu viện là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất và số ca giáo sĩ tử vong là cực kỳ
cao. Dịch bệnh thậm chí còn đe dọa đến mạng sống của các gia đình hoàng gia.
Anne Boleyn, vợ của Vua Henry VIII, được cho là đã mắc bệnh và sống sót qua căn
bệnh này. Cái chết bí ẩn của Arthur Tudor, con trai cả của Henry VII của Anh,
cũng được cho là do bệnh đổ mồ hôi. Căn bệnh khi xuất hiện ở tầng lớp thượng
lưu lại có biệt danh là Stop Gallant
vì nó dường như đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người trẻ tuổi hào hiệp.
Các học giả hiện đại cho rằng căn bệnh này có thể là do một loại hantavirus (virus Hanta) chưa được biết đến mà loài gặm nhấm mang trong cơ thể nhưng lại không nhiễm bệnh gây ra. Ở người, virus hanta gây nhiễm trùng phổi chết người có các triệu chứng giống cúm như sốt, ho, đau cơ, đau đầu và hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao tới 36%.
Một nguyên nhân gây bệnh được nghi ngờ khác là arbovirus
(virus Arbo), lây lan qua ve và muỗi. Bệnh đổ mồ hôi dường như xuất hiện sau thời
gian mưa kéo dài và lũ lụt trên diện rộng ở một số khu vực. Do vậy, một số học
giả đương đại cho rằng thời tiết ẩm ướt ở Anh chính là nguồn cơn của căn bệnh
oái oăm này. Nếu arbovirus đúng là nguyên nhân, ta có thể hiểu tại sao các khu
vực cao hơn, lạnh hơn của Quần đảo Anh là Scotland và Xứ Wales không bị ảnh hưởng
bởi dịch bệnh.
Những giả thiết về nguyên nhân khác là ngộ độc thực phẩm hay bệnh than. Rút cục, thật khó để kết luận chính xác bệnh đổ mồ hôi là gì. Giống như hầu hết các dịch bệnh, nó biến mất đột ngột như khi xuất hiện, ngoại trừ một vài vụ hiếm hoi như tại Tiverton vào năm 1644, đã cướp đi sinh mạng của 443 người. Căn bệnh duy nhất có liên quan đến bệnh đổ mồ hôi là Picardy Sweat, hay “bệnh sốt quân sự”, đã bùng lên nhiều đợt dịch ở Đức, Bỉ, Áo, Thụy Sĩ và Ý trong thế kỷ 18 và 19.
Tỷ lệ bùng phát hantavirus trong thời hiện đại là tương đối hiếm. Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), bệnh sốt quét qua quân đội Hàn Quốc là do hantavirus gây ra. Cứ mười người thì có một người ngã bệnh và chết. Đó là lần đầu tiên loại virus này được phát hiện. Tên của nó xuất phát từ sông Hantan ở Hàn Quốc. Và kể từ đó, chỉ có một số ít trường hợp về hantavirus được phát hiện trên toàn thế giới.