Vào năm 79, núi lửa Vesuvius phun trào dung nham chôn vùi hai thành phố lớn của đế chế La Mã là Pompeii và Herculaneum (thành phố được đặt tên theo thần sức mạnh Hercules), ước tính khoảng 20.000 người đã bị thiệt mạng trong thảm họa này, tất cả đều bị chôn vùi trong nham thạch hoặc tro bụi núi lửa. Sự kiện được ghi lại bởi quản đốc kiêm nhà thơ La Mã là Pliny the Younger (Pliny trẻ).
Các nhà khoa học hiện đại ước tính vụ phun trào Vesuvius tạo ra nguồn năng lượng gấp 100.000 lần so với hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki.
Về sau, tàn tích Pompeii và Herculaneum trở thành một địa điểm thu hút du lịch thuộc nước Ý, được công nhận là di sản thế giới bởi UNESCO. Trong đống đổ nát của Herculaneum, các nhà khảo cổ tìm được các ngôi biệt thự hoặc thư viện còn nguyên vẹn lưu giữ hàng ngàn tài liệu quý bằng giấy cói, tuy nhiên những cuộn giấy này đã bị carbon hóa do nhiệt độ và thời gian. Các nhà khoa học không thể mở chúng ra vì sẽ làm tất cả vỡ vụn. Họ buộc phải dùng một cách khác để đọc.
Vào thế kỷ thứ 18, khi đoàn khảo cổ nọ được lệnh vua Charles III khám phá tàn tích Herculaneum, một trong những tài liệu quý giá nhất được tìm thấy là cuộn giấy ghi chép về vua Julius Ceasar. Cuộn giấy vốn được lưu trữ bởi Lucius Calpurnius Piso Caesoninus (được gọi ngắn gọn là Piso) – một chính khách giàu có và cùng là cha vợ của Julius Ceasar.
Khu nhà sang trọng của Piso có những khu vườn phức tạp được bao quanh bởi các lối đi được kết nối và trang trí bằng những bức tranh khảm, bích họa và điêu khắc tuyệt đẹp. Tại đây, các công nhân cũng tìm thấy khoảng 2.000 cuộn giấy cói, sự kiện này được xem là một trong những phát kiến đáng chú ý nhất trong lịch sử khảo cổ học.
Để có thể đọc xuyên thấu những tài liệu cổ này, chúng ta buộc phải chờ đợi một công nghệ hiện đại mới được phát triển trong thời gian gần đây, đó là tia X cường độ cao kết hợp với hệ thống trí tuệ thông minh nhân tạo, nhằm dựng lại hình ảnh 3D từ trong ra ngoài của cuộn giấy quý giá, từ đó chúng ta có thể bóc và đọc từng lớp của cuộn giấy với thông điệp bí ẩn bên trong.
Nơi duy nhất có thể thực thi tác vụ công nghệ cao này là phòng thí nghiệm Diamond Light Source ở Anh Quốc. Tại đây, cỗ máy Synchrotron có thể đẩy các electron bay nhanh với vận tốc ánh sáng, thứ ánh sáng mà Synchrotron tạo ra sáng gấp 10 tỷ lần ánh sáng mặt trời, nó nhanh chóng đi qua cuộn giấy và tái tạo lại chi tiết nội dung bên trong nhờ sự giúp đỡ của phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tác vụ này là vô cùng cần thiết vì chữ trong cuộn giấy cổ ở Herculaneum được viết bằng than chì hoặc bồ hóng, vì vậy rất khó phân biệt đâu là chữ, đâu là giấy bị carbon hóa vì chúng trông đen xì như nhau. Máy tính với trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chúng ta phân biệt và làm rõ các ký tự được viết sâu trong hàng trăm lớp lấy bị cuốn lại.
Dự án giải mã bí ẩn cuộn giấy cổ xưa được dẫn đầu bởi giáo sư Brent Seales thuộc đại học Kentucky, Mỹ. Ông nói về cuộn giấy:
Một trong những điều quan trọng là phải biết liên kết bản thân chúng ta với lịch sử nhân loại, dù khoảng thời gian trôi qua giữa hai thế hệ là rất lớn. Nếu ta đã bảo tồn được nó, thì ta cũng nên đọc thử nó.
Hiện tại Seales vẫn đang đàm phán với các giám sát ở bảo tàng Oxford, Naples và Paris để truy cập vào các cuộn giấy còn nguyên vẹn khác. Ông đã vượt qua những rào cản kỹ thuật to lớn, nhưng đang gặp phải thách thức chính trị phức tạp trong việc thuyết phục những nhà chức trách có thể chia sẻ nhiều hơn các tư liệu cổ.
Đọc thêm: