Menu
in

Bí ẩn ký sinh trùng được nhắc đến trong văn tự cổ đại đã xuất hiện ở Việt Nam

Đầu tháng 6 này, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương chi nhánh Đông Anh, Hà Nội đã ghi nhận một ca nhiễm giun đặc biệt chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, khiến dư luận trong nước và cả quốc tế quan tâm. Chuyên trang tin khoa học và công nghệ Gizmodo nhanh chóng đưa tin: “Ký sinh trùng hiếm gặp, gần như đã tuyệt chủng tái xuất hiện tại Việt Nam.”

Mẫu bệnh phẩm nhanh chóng được Bộ Y Tế gửi đến Tổ chức Y tế thế giới WHO, kết quả xác nhận đây là giun Guinea, tên khoa học là Dracunculus medinensis, một loài tưởng chừng như đã bị tận diệt bởi nỗ lực y tế toàn cầu vào năm 2014.

Theo các nguồn tin trong nước, bệnh nhân là thanh niên 23 tuổi ở Yên Bái gặp triệu chứng đau mỏi toàn thân, người có nổi áp xe nhỏ, thấy vết giun dưới da. Kết quả là bác sĩ gắp ra được 5 con giun, con dài nhất đến 60 cm.

Đặc biệt là loài giun này không có thuốc đặc trị, phải thăm khám từ từ, kết hợp phẫu thuật gắp giun ra khỏi cơ thể, tuyệt đối không thể dùng thuốc tẩy giun mạnh để giết chúng vì khi chết, giun Dracunculus medinensis sẽ sản sinh độc tố có thể gây nguy hiểm đến người bệnh.

Theo dự đoán ban đầu, bệnh nhân ở Việt Nam có thể đã ăn, uống phải động vật giáp xác nhỏ chứa ấu trùng giun. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, giun có thể xâm nhập vào các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, ruột và trở thành giun trưởng thành, sau đó di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Nhân viên WHO đang gắp giun khỏi chân một bệnh nhân ở Namibia.

Cái tên Dracunculus medinensis có nghĩa là “rồng nhỏ xứ Medina”, loài giun này đã tồn tại từ hàng triệu năm trước và nó vẫn không thay đổi cho đến tận ngày nay, chúng còn được gọi là “giun rồng”.

Những văn tự cổ xưa nhất nhắc đến giun Guinea xuất hiện từ thế kỷ 15 trước Công Nguyên ở Ai Cập. Medina – tên của thành phố xuất hiện trong tên khoa học của giun Guinea là trụ sở hành chính của vùng Al-Madinah tại Ả Rập Xê Út, vốn là nơi an táng Nhà tiên tri Muhammad, Medina cũng là thành phố linh thiêng thứ nhì trong Hồi giáo sau thánh địa Mecca.

Giun Guinea là một trong những loài được các nhà sử học xác định có thể là nguyên mẫu truyền cảm hứng cho câu chuyện về “con rắn bay bốc lửa” (flying fiery serpent) đã được nhắc đến trong Kinh Cựu Ước.

Bức tranh vẽ vào thế kỷ 14, cho thấy người bị nhiễm giun Guinea.

Được biết, con người là vật chủ duy nhất của giun Guinea, đây cũng là loài giun dài nhất ký sinh ở con người, con giun cái rất to, có thể dài đến hơn 1 mét. Bệnh nhân thường nhiễm giun khi uống hoặc ăn phải bọ chét nước có chứa trứng giun. Bệnh không có triệu chứng ngay mà chỉ xuất hiện sau 1 năm kể từ khi ăn phải trứng giun.

Mặc dù ít khi gây tử vong, bệnh do giun Guinea được mô tả là rất kinh tởm khi con giun cái trưởng thành có thể tạo vết loét ở tay, chân người bệnh rồi chui ra để đẻ trứng. Lúc này, có thể rút giun ra từ từ bằng cách cuộn chúng vào một cái que. Tuy nhiên, kể cả khi đã lấy giun ra thì người bệnh vẫn sẽ đau đớn nhiều tuần sau đó.

Theo số liệu của WHO, cả năm 2019 chỉ có 54 trường hợp ghi nhận nhiễm giun Guinea. Tuy nhiên, việc chúng xuất hiện ở Việt Nam sẽ khiến các cơ quan y tế phải khoanh vùng và kiểm soát nguồn lây.

Đọc thêm:

 

Leave a Reply