Kamikaze (Thần Phong) là thuật ngữ dùng để chỉ những phi công cảm tử của Nhật Bản trong Thế chiến II. Họ sẽ đổ đầy xăng hoặc thuốc nổ lên máy bay rồi lao vào tàu chiến địch. Qua đó, những người lính này đóng vai trò như một quả tên lửa sống, giúp tăng tối đa độ chính xác và sát thương nhằm khỏa lấp sự thua thiệt về khí tài quân sự. Tinh thần võ sĩ đạo quyết tử này đã dẫn đến nhiều bi kịch cho người dân Nhật Bản.
Hajime Fujii sinh ngày 30/08/1915 tại tỉnh Ibaraki và là trưởng nam trong một gia đình có 7 người con. Năm 1931, Nhật Bản tiến hành xâm lược Mãn Châu. Hajime gia nhập quân đội và trở thành một tay súng máy lão luyện khi được gửi đến chiến trường Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó anh bị một mảnh đạn găm vào tay trái và được chuyển vào bệnh viện quân y. Tại đây, chàng lính phải lòng nữ y tá Fukuko tới từ thành phố Takasaki, tỉnh Gunma.
Cả hai trở về Nhật Bản để kết hôn và sinh hai cô con gái dễ thương là Kazuko và Chieko không lâu sau đó. Thay vì quay lại Trung Quốc, Hajime được đưa đến Học viện Không quân và tốt nghiệp vào năm 1943. Anh trở thành chỉ huy đại đội tại trường Không quân Kumagaya ở Kaitama và được giao nhiệm vụ dạy cho học sinh kỷ luật, sự trung thành và tinh thần yêu nước sâu sắc.
Ở thời điểm đầu Thế chiến II, Nhật không hề có ý định xây dựng lực lượng cảm tử. Tuy nhiên, đất nước này lại nghèo nàn tài nguyên và buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, cụ thể là Mỹ, trong việc phát triển công nghiệp. Nền tư bản non trẻ từ cuộc Duy tân Minh Trị không đủ để gồng gánh bộ máy chiến tranh khổng lồ. Cuối năm 1938, Mỹ cung cấp cho xứ sở Hoa anh đào đến 74,1% tổng sản lượng sắt, 93% đồng và 80% dầu. Song mọi thứ biến mất hoàn toàn sau trận Trân Châu Cảng nổi tiếng.
Nhật chẳng thể đua với tay đại gia vung tiền qua cửa sổ trong một cuộc chiến ăn miếng trả miếng. Họ dần cạn kiệt khí tài quân sự lẫn nhân sự. Điều này dẫn đến sự ra đời của lực lượng Thần Phong vào năm 1944 để giảm tối thiểu thiệt hại phe ta và tăng tối đa sát thương phe địch. Là người giảng dạy trực tiếp, tư tưởng này được Hajime thấm nhuần một cách rõ ràng. Theo những học trò còn sống, anh nhiều lần bày tỏ mong muốn được chết cùng họ.
Tuy nhiên, vết thương trên bàn tay trái khiến chàng sĩ quan khó lòng kéo cần điều khiển máy bay và buộc phải gắn với công việc dưới mặt đất. Không những vậy, số giáo viên có kinh nghiệm như Hajime chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Quân đội từ chối yêu cầu và chỉ ra rằng anh đã có gia đình. Trong khi đó, hầu hết những cảm tử quân đều độc thân. Fukuko và hai cô con gái sẽ ra sao nếu chồng và cha mình tử trận?
Chứng kiến những người học trò ra đi mà không trở về, Hajime mang mặc cảm tội lỗi và cho rằng mình đang phản bội lại lý tưởng và Tổ quốc. Anh cảm thấy bị sỉ nhục một cách sâu sắc. Ở một đất nước coi trong danh dự và tinh thần như , viên sĩ quan sẽ sống không bằng chết. Tệ hơn, Hajime có thể đổ lỗi cho gia đình mình vì họ trở thành gánh nặng không cho anh hoàn thành nghĩa vụ.
Biết được điều này, vào ngày 14/12/1944, Fukuko nhân lúc chồng đang ở Kumagaya đã khoác lên mình và các con những bộ Kimono đẹp nhất. Cô viết cho anh lá thư hối thúc lên đường ra trận và đừng lo lắng gì về gia đình vì họ sẽ đợi anh ở nơi chín suối. Sau đó, nữ y tá đưa hai cô con gái ra bờ sông Arakawa. Fukuko cột tay Kazuko 3 tuổi vào tay mình, địu Chieko 1 tuổi lên lưng rồi nhảy xuống dòng nước lạnh giá.
Xác của họ được cảnh sát tìm thấy và báo cho Hajime vào trưa hôm đó. Sáng hôm sau, anh đốt một lá thư xuống cho cô con gái, dặn bé hãy chăm sóc mẹ và em gái thật tốt và chờ mình. Sau đó, chàng sĩ quan viết một bức huyết thư xin ra trận gửi cho quân đội. Ngày 08/02/1945, Hajime trở thành tư lệnh thứ 45 của . Sớm ngày 28/05, anh chỉ huy 9 chiếc máy bay tiến đến Okinawa để chạm trán hai chiến hạm USS Drexler và USS Lowry.