Mới đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một con tàu đắm có từ thời của Christopher Columbus được bảo quản cực kỳ hoàn hảo trong một khu vực của Biển Baltic, nơi được gọi là “bảo tàng dưới nước lớn nhất thế giới”.
Con tàu được tìm thấy ở vùng biển giữa Thuỵ Điển và Estonia, khoảng 100 dặm về phía Đông Nam của Stockholm.
Điều ngạc nhiên nhất về vùng biển này chính là có khoảng 99% con tàu vẫn còn nguyên vẹn. Các cột buồm vẫn sừng sững và 2 khẩu súng xoay được tìm thấy ở vị trí sẵn sàng khai hoả. Con tàu có lẽ đã bị chìm tại thời điểm nào đó trong một trận hải chiến khốc liệt thời xưa.
Nhiều chi tiết trên tàu vẫn còn tồn tại sau nhiều thế kỷ, bao gồm chiếc thuyền nhỏ được sử dụng để chở thuỷ thủ đoàn đến và đi, được neo trên boong tàu. Máy bơm đáy tàu và một số bộ phận của giàn khoan cũng có thể dễ dàng được tìm thấy.
Tuy nhiên, phần đuôi tàu đã bị phá huỷ, càng tăng thêm giả thuyết con tàu này bị chìm khi đang giao chiến.
Con tàu được cho là còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay trong quá trình khám phá những tàn tích trong thời kì này. Các nhà khảo cổ khẳng định con tàu có thiết kế Bắc Âu chứ không phải là thiết kế Nam Âu.
Theo The Independent, nhà khảo cổ học biển, Tiến sĩ Rodrigo Pacheco-Ruiz khẳng định :
Con tàu này có niên đại từ Thời đại Khám phá của Châu Âu, nhưng nó được bảo quản đáng nể sau hơn 500 năm dưới đáy biển. Nó gần giống như mới bị chìm vào ngày hôm qua. Đó là một cảnh tượng thực sự đáng kinh ngạc.
Đây hoàn toàn không phải là con tàu duy nhất được phát hiện ở Biển Baltic, khu vực được mô tả như “thiên đường khảo cổ”. Nhà nghiên cứu Vello Mass trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với CBS News, đã chia sẻ:
Có hàng trăm tàu thời Viking ngoài kia, hàng trăm tàu buôn bán cũ, hàng trăm tàu chiến.
Biển Baltic được nhiều người coi là “bảo tàng dưới nước lớn nhất thế giới”, chứa hàng nghìn xác tàu từ nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử.
Những phát hiện xác tàu biển xa xưa nhất là xác tàu gỗ từ thời Trung Cổ, bên cạnh đó còn có những xác tàu hiện đại hơn bao gồm các tàu vỏ kim loại có từ hai thế chiến của thế kỷ 20.
Một phát hiện quan trọng khác ở Biển Baltic là vào năm 1961, khi tàu Vasa, một tàu chiến của Thụy Điển, được phát hiện gần cảng Stockholm. Con tàu xa xưa này đã thực hiện chuyến đi đầu tiên vào năm 1628 và cũng được bảo quản rất tốt dù nằm sâu dưới đáy biển. Nhờ đó mà nơi này trở thành một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Thụy Điển.
Một phát hiện thú vị khác là xác tàu “Champagne galeas”, một con tàu hai cột buồm nằm dưới đáy biển phía nam Đảo Föglö ở độ sâu khoảng 20 đến 48 mét. Xác tàu này được cho là có từ đầu thế kỷ 19, tuy nhiên nguyên nhân đắm tàu vẫn chưa được làm rõ.
Kể từ ngày 19/7/2010, các quy định giới hạn lặn đã được áp dụng tại vùng biển này để giảm nguy cơ cướp và bảo vệ thông tin khảo cổ.
Có rất ít nơi trên Trái Đất mà những con tàu đắm bằng gỗ có thể tồn tại hàng trăm năm nhưng không bị bào mòn bởi các quá trình phân hủy hóa học và sinh học.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Badewanne, nơi chuyên cung cấp tài liệu về xác tàu đắm, ngay cả khi bị chìm ở vùng biển ôn đới, xác tàu gỗ thường sẽ biến mất trong vài thập kỷ trừ khi chúng bị chôn vùi dưới lớp trầm tích.
Biển Baltic cung cấp điều kiện lý tưởng để bảo quản xác tàu đắm vì độ mặn thấp, đáy biển không có ánh sáng và nhiệt độ thấp quanh năm, có nghĩa là quá trình phân hủy diễn ra chậm hơn nhiều. Hơn nữa, các sinh vật ăn gỗ như giun thuyền cũng không thể tồn tại trong điều kiện như vậy.
Con tàu mới được phát hiện ở trên được bảo quản đặc biệt tốt vì lượng oxy gần đáy biển ở khu vực cụ thể của biển Baltic rất thấp. Điều này làm giảm đáng kể số lượng vi sinh vật và các sinh vật khác có thể phá hủy gỗ của tàu.