Những câu chuyện về buổi đầu kinh doanh của các cửa hàng thức ăn nhanh có thể bị cho là viển vông song lại hoàn toàn là sự thật. Từ việc sáng tạo ra hình thức drive-thru, một dịch vụ cho phép thực khách mua hàng ngay trên xe ô tô, đến việc “đánh cược” cả quỹ đại học để bắt đầu kinh doanh,… chắc chắn sẽ khiến bạn có một cái nhìn hoàn toàn mới về những chuỗi nhà hàng này.
1. McDonald’s khởi đầu là một nhà hàng BBQ
Hiện nay, khi nhắc đến cái tên McDonald’s, người ta sẽ liên tưởng ngay đến món hamburger ngon miệng. Trên thực tế, vào năm 1940, nhà hàng McDonald’s đầu tiên được thành lập tại San Bernardino, California đã phục vụ món thịt nướng đút lò. Hình thức kinh doanh ấy chỉ kéo dài đến sau thế chiến thứ II, khi anh em nhà Donald là Dick và Mac Donald nhận ra rằng 80% doanh thu của họ đến từ những chiếc burger. Nhà hàng đã dần đổi hướng hoạt động và thay thế bằng những menu ít sự lựa chọn hơn song lại mang hiệu quả cao.
Khi thương nhân Ray Kroc đến thăm chi nhánh gốc của McDonald’s vào năm 1954, ông đã thích thú và hào hứng đến mức mua lại quyền sở hữu thương hiệu này. Không lâu sau đó, vào năm 1961 Kroc quyết định đẩy mạnh đầu tư cho chuỗi nhà hàng trên, lột xác từ một thương hiệu gia đình trở thành một hiện tượng toàn cầu.
2. Burger King được thành lập nhằm cạnh tranh McDonald’s ngay từ những ngày đầu
Ngôi nhà của Whopper – nơi ra đời những chiếc bánh burger khổng lồ, được biết đến với tên gọi Insta-Burger King. Keith Kramer và Matthew Burns của vùng Jacksonville, Florida sau khi bị choáng ngợp bởi hình thức kinh doanh của nhà hàng anh em McDonald’s tại San Bernardino, đã quyết định mua một cái máy nướng thịt tên là Insta-Broiler và đặt tên nhà hàng của họ theo tên của thiết bị ấy.
Cách vài trăm dặm về phía nam, James McLamore và David Edgerton sau khi mua lại quyền sở hữu thương hiệu đã cố gắng cải thiện “chiếc máy nướng” ấy cho đến khi nó phát triển thành một nhãn hiệu phủ sóng cả vùng Miami. Về sau họ quyết định mua lại toàn bộ công ty và xóa đi chữ “Insta” khỏi tên nhà hàng từ năm 1961.
3. Carl Juniors hóa ra không phải là “thiếu niên”
Vào năm 1941, Carl và Margaret Karcher hợp tác với nhau, cùng dành dụm tiền để chi trả cho một xe đẩy hotdog tại LA. Chỉ trong vòng 5 năm, cặp đôi này đã mở được một nhà hàng gọi là Carl’s Drive-In Barbecue, nơi nổi tiếng với những chiếc hamburger ẩm mượt. Mặc dù cái tên nhà hàng có phần gây hoang mang song Carl’s vẫn luôn kinh doanh bánh burger cũng như hotdog chứ không phải là mô hình thịt nướng hun khói như McDonald’s đã từng phục vụ.
Vào những năm 1950, nhãn hiệu đã khai trương địa điểm phục vụ nhanh đầu tiên với cái tên “Juniors” chỉ vì quy mô của chúng không lớn bằng chuỗi nhà hàng gốc là Carl’s Drive-In Barbecue. Ngày nay, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Carl Juniors đã có hơn 1200 chi nhánh.
4. Nhà sáng lập của Moe’s không phải tên Moe
Một trong những chi nhánh đầu tiên của Moe’s Southwest Grill nằm tại Atlanta, Georgia. Một sự thật thú vị là chẳng có ai tên là Moe đằng sau bàn nướng. Cái tên “Moe” thật ra là viết tắt của nhạc sĩ (musicians), người lánh nạn (outlaws) và nghệ sĩ (entertainers).
Nhà sáng lập muốn nhà hàng của họ trở nên càng vui nhộn càng tốt và điều này cũng chính là lời giải thích cho những tên món ăn đầy thú vị được đặt theo phong cách pop đa văn hóa. Nhà hàng Moe’s đã có hơn 700 chi nhánh trên khắp đất Mĩ.
5. Nhưng mà người tên Glen “Taco” Bell thật sự có tồn tại
Taco Bell được thành lập bởi Glen Bell, là người đồng sở hữu của nhà hàng Bell’s Hamburgers và cả Taco Tia tại California. Vào năm 1962, Bell nảy ra một ý định sáng suốt: kết hợp cả hai cái tên của hai nhà hàng và Taco Bell ra đời, tọa lạc tại vùng Downey, California.
Năm 1967, Taco Bells chỉ có khoảng 100 chi nhánh nhưng ngày nay nó phủ sóng trên khắp thế giới với hơn 7000 nhà hàng.
6. Chick-fil-A từng được gọi là the Dwarf Grill
Chick-fil-A hoạt động lúc đầu với cái tên Dwarf Grill ở Hapeville, Georgia. Vào năm 1964 Truett Cathy đã hoàn hảo hóa bữa ăn với một chiếc bánh mì kẹp thịt gà rán bằng tay, một chiếc bánh bơ ăn kèm hai món dưa chua. Bánh sandwich phổ biến đến nỗi cuối cùng họ đã thay tên nhà hàng theo món ăn thay cho tên cũ.
Trước khi Chick-fil-A ra mắt bánh sandwich gà nướng, hơn 1.200 công thức nấu ăn đã được thử nghiệm để đảm bảo sự hoàn hảo tuyệt đối của bữa ăn.
7. In-N-Out Burger đã sáng tạo ra hình thức “drive-thru” nổi tiếng hiện nay
Harry và Esther Snyder đã khai trương cửa hàng Burger In-N-Out đầu tiên ở Công viên Baldwin, California vào năm 1945. Cặp đôi này tham gia sát sao vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của cửa hàng, cụ thể: Harry mua nguyên liệu vào mỗi buổi sáng còn Esther đọc sách để nghiên cứu.
Harry dành hàng giờ trong nhà để xe của mình để chế biến món ăn. Vào năm 1948, ông đã thành công giới thiệu một hộp loa hai chiều đặt tại nhà hàng, giúp khách hàng dễ dàng đặt thức ăn mà không cần rời khỏi xe. Có thể nói rằng tên của nhà hàng được đặt khá chuẩn.
8. Popeyes thật chất được đặt tên theo một bộ phim hình sự gai góc thay vì phim hoạt hình thủy thủ như lầm tưởng
Popeyes Chicken & Biscuits hoạt động vào năm 1972 với tên gọi “Chicken on the Run” ở Arabi, Louisiana, ngoại ô New Orleans. Vì công việc kinh doanh khá “chậm chạp”, chủ nhà hàng Alvin C. Copeland, Sr. đã đặt tên mới cho nhà hàng là “Popeyes” theo tên của một bộ phim bom tấn năm 1971. Trong phim, nhân vật người cảnh sát Pháp cộc cằn “Popeye” Doyle được Gene Hackman thủ vai.
Copeland cũng chuyển từ phục vụ gà rán kiểu miền Nam sang gà cay kiểu New Orleans. Chuỗi thức ăn này đã khai trương nhà hàng thứ 500 vào năm 1985 và thứ 2.000 vào năm 2011.
9. Chủ sở hữu Five Guys bắt đầu kinh doanh nhà hàng vì con của ông ấy không muốn học đại học
Jerry Murrell, người sáng lập Five Guys Burgers and Fries chia sẻ rằng số tiền ông dùng để thành lập nhà hàng “burger mang đi” đầu tiên ở Arlington, Virginia vào năm 1986 ban đầu là khoản đầu tư cho giáo dục của hai con ông.
“Hai con trai lớn của tôi, Matt và Jim, nói rằng chúng không muốn học đại học. Tôi đã ủng hộ chúng 100%. Thay vào đó, chúng tôi sử dụng học phí đại học của chúng để mở một cửa hàng burger”, Murrell trả lời tạp chí.
Và đối với những ai thắc mắc “Five guys” – năm người đàn ông này là ai, chủ nhà hàng chia sẻ đó chính là ông cùng bốn người con trai đầu. Sau khi đứa con trai thứ năm của ông ra đời, ông thường hay đùa rằng ông phải rút khỏi “bộ ngũ” ban đầu để nhường chỗ cho con.
10. Wendy’s được đặt theo tên cô con gái của chủ nhà hàng, tên là… Melinda
Từ lúc 8 tuổi, Dave Thomas đã khao khát được điều hành một nhà hàng trong tương lai và bắt đầu kinh doanh tại Knoxville, Tennessee khi ông chỉ mới 12 tuổi. Thomas tiếp tục sự nghiệp nhà hàng của mình tại Hobby House. Tại đây ông gặp Colonel Harland Sanders, nhà sáng lập của KFC và đồng thời cũng là người cố vấn của ông.
Vào năm 1962, Thomas mua lại quyền sở hữu thương hiệu của KFC tại bốn chi nhánh ở Ohio và cắt giảm menu nhầm thúc đẩy hoạt động của cửa hàng. Bảy năm sau đó, ông thành lập cửa hàng burger đầu tiên của riêng mình. Thomas đã cân nhắc tên của cả năm đứa con ông để đặt cho nhà hàng và chốt với cái tên “Wendy”- tên thân mật của đứa con gái Melinda. Cuối năm 1973, gần một thập kỷ sau, chuỗi nhà hàng đã phủ sóng trên toàn nước Mỹ với hơn 1000 chi nhánh.
11. Chủ của KFC, Colonel Sanders đã khắc tất cả công thức vào… cánh cửa bếp
KFC – hay Kentucky Fried Chicken – được thành lập bởi Harland Sanders. Ông đã sáng chế những công thức làm gà rán hoàn hảo trong suốt thời gian làm phụ bếp tại một trạm xăng năm 1930. Ông thậm chí còn khắc 11 loại thảo mộc và gia vị bí mật vào mặt sau của cánh cửa bếp.
Năm 1952, Sanders tự thân mở cửa hàng gà rán Kentucky đầu tiên. Thời điểm ông bán hết tất cả cổ phần của mình vào 12 năm sau, trên thị trường đã có hơn 600 cửa hàng nhượng quyền. Ngày nay, trên thế giới có hơn 21000 cửa hàng KFC.
12. Subway được thành lập bởi… một thiếu niên
Giám đốc điều hành của Subway – Fred DeLuca đã kinh doanh cửa hàng đầu tiên tại Bridgeport, Connecticut khi ông chỉ mới 17 tuổi. Hầu hết mọi người đều nghĩ “Subway” được lấy cảm hứng từ một phương tiện công cộng phổ biến ở New York, song trên thực tế đó chính là một “phiên bản” ngắn gọn hơn của “Pete’s Submarines” (tạm dịch: Tàu ngầm của Pete).
DeLuca đặt tên cửa hàng như một cách tri ân Peter Buck, một người bạn đã cho anh vay tiền vốn để có thể khởi nghiệp. Vào năm 1968, đôi bạn này đã quyết định rút ngắn tên nhà hàng thành Subway để có thể phù hợp hơn với quảng cáo trên radio. Ngày nay, trên khắp thế giới có khoảng hơn 40000 cửa hàng Subway.