Menu
in

‘Con đường Chuột’: Cách mà hàng trăm tội phạm Đức Quốc xã chạy trốn khỏi công lý

Trong bộ phim siêu anh hùng nổi tiếng X-Men:First Class, bạn hẳn sẽ khó bỏ qua phân cảnh nhân vật Erik Lensherr (Magneto sau này) bước vào một quán bar tại Argentina và gặp lại những nhân viên quân sự cũ của SS (Schutzstaffel – tổ chức quân sự của Đảng Quốc xã của Đức thời Thế chiến II). Chi tiết Erik tiêu diệt toàn bộ những kẻ có mặt trong quán bar này để trả lại mối thù cũ được cho là một trong những diễn biến quan trọng trong quá trình phát triển nhân vật sau này.

Nhưng câu chuyện trên hoàn toàn không phải là sáng tạo của các biên kịch. Thực tế ngoài đời, còn tồn tại một hệ thống bí mật, giúp các lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã trốn thoát an toàn, nhằm xây dựng một đất nước phát xít kiểu mới trong tương lai xa.

Các bị cáo trong phiên tòa chiến tranh tại Nürnberg, với nhân vật quan trọng nhất là Hermann Göring – kẻ quyền lực thứ hai của Đức Quốc xã

Sau khi Thế chiến II kết thúc với phần bại dành cho phe Trục (Đức – Pháp – Ý), nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Quốc xã đã phải ra hầu tòa để nhận phán quyết cho các tội ác của mình. 24 nhân vật cốt cán đã bị tuyên án trong các phiên tòa chiến tranh tại Nürnberg (1945) như một minh chứng cho chiến thắng của công lý.

Muôn ngàn kiểu đào tẩu

Nhưng trong số những kẻ phải đứng ra trước vành móng ngựa, còn có nhiều thành viên chưa hề lộ diện. Bao gồm Adolf Eichmann – kiến trúc sư trưởng của Biện pháp cuối cùng – tên gọi của kế hoạch diệt chủng toàn bộ người Do Thái tại châu Âu, hay Bác sĩ Tử thần Josef Mengele, tác giả của những thí nghiệm tàn bạo lên trẻ em và sinh đôi tại trại tập trung Auschwitz.

Dù rất cố gắng, các nhà chức trách không thể tìm được tung tích của chúng tại châu Âu. Lúc này, nhiều người bắt đầu nghi ngờ về khả năng tồn tại một đường dây bí mật, giúp đưa các nhân vật này ra ngoài châu Âu và đưa đến Nam Mỹ – một nơi trú ẩn an toàn do chính sách tị nạn dẫn độ lỏng lẻo và phần lớn được lãnh đạo bởi những chính trị gia có quan điểm thân phát xít.

Những đường dây này được gọi bởi nhiều cái tên, như O.d.e.S.S.A (viết tắt cho cụm Tổ chức của những thành viên SS cũ), Die Spinnen (Những con Nhện) và phổ biến nhất Rattenlinie (Đường dây Chuột). Các con đường này chủ yếu đi qua vùng Südtirol (Ý) hay đến Tây Ban Nha (lúc này vẫn ở dưới chế độ độc tài Franco).

Cảnh trên cao của thị trấn Merano, một địa điểm trung chuyển quan trọng trong Đường dây Chuột trước khi đến đích cuối cùng…
là Argentina, một quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của tổng thống Juan Péron có tư tưởng thân Phát xít

Trên đường di chuyển, những này luôn được giúp đỡ bởi nhiều tư tế cao cấp biến chất của chính quyền Vatican, hay những quan chức quân sự Mỹ – Anh. Sau khi đến được đây, chúng sẽ được phát giấy tờ tùy thân giả, cùng toàn bộ một thân thế mới để đến Nam Mỹ, hay Trung Đông, Bắc Phi. Đích đến yêu thích của những tên này thường là Argentina, bởi Tổng thống Juan Péron là một người có cảm tình với tư tưởng Phát xít.

Giám mục Alois Hubdal, một nhân vật quan trọng của Đường dây Chuột, giúp đỡ nhiều quan chức SS chạy trốn ra nước ngoài thành công

Một số nhân vật được cho là có dính líu đến đường dây này có thể được nhắc đến như Giám mục Alois Hudal, chủ tịch Nhóm Linh mục từ các nhà thờ Đức ở Rome khi ông này đã cung cấp giấy tờ giả cho khoảng 1000 cựu nhân viên Quốc xã. Các tổ chức tình báo của Anh, Mỹ hay Nam Tư dù biết về vụ việc, những vẫn nhắm mắt làm ngơ cho phép các cuộc đào tẩu được diễn ra thành công.

Trốn thoát một cách ngoạn mục

Một số nhân vật tẩu thoát thành công có thể nhắc đến bao gồm Walter Rauff – kiến trúc sư trưởng của Khoang ngạt di động. Thứ vũ khí chết chóc này chính là tác nhân gây ra cái chết của ước tính hơn 90000 người. Đến năm 1946, Rauff trốn thoát thành công khỏi trại trung chuyển Rimini và với sự giúp đỡ của các chức sắc tôn giáo tại Vatican, tên này đến được Syria và sau đó là Ecuador, rồi Chile.

Ảnh chụp Walter Rauff vào thập niên 80. Sau khi trốn thoát thành công khỏi châu Âu vào sau Thế chiến II, Rauff đã đến Nam Mỹ và sống trong bóng tối trước khi được tuyển dụng bởi Cục tình báo Liên bang Đức. Đến khoảng thập niên 70, 80 tên này là một trong những trùm phát xít Đức sống bị truy nã gắt gao nhất thế giới

Năm 1958, Rauff được Bộ Tình báo Liên bang Đức liên lạc và tuyển dụng cho nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo từ Cuba. Từ một tên tội phạm, bây giờ, Walter Rauff lại trở thành anh hùng tình báo của phương Tây và chỉ chết vào năm 1984 tại Santiago de Chile như một người tự do.

Sự đào tẩu của Josef Mengele, bác sĩ tử thần tại Auschwitz cũng là một trường hợp tương tự. Trong thời gian làm bác sĩ tại trại tập trung Auschwitz, Mengele đã thực hiện nhiều lên trẻ em sinh đôi như cắt đôi cơ thể rồi nối lại, tiêm chất độc vào mống mắt,… Hơn 10000 tù nhân khác cũng bị tên này “ném” vào phòng hơi ngạt hay tra tấn đến chết. Sau Thế chiến II, Mengele cũng chạy trốn thành công khỏi các nhà điều tra thông qua Đường dây Chuột kể trên.

Ảnh chụp trên giấy tờ tùy thân của Josef Mengele tại Argentina
Giấy thông hành giả với tên gọi Gregor Helmut cho tên Josef Mengele

Mengele được cho là xuất phát từ Oberbayern, dưới cái tên giả Fritz Hollmann và chạy đến Sterzing,Südtirol, Ý. Tại đây, cựu bác sĩ SS được cấp giấy thông hành giả với tên gọi Helmut Gregor và sau đó cập bến Buenos Aires vào năm 1949. Trong bảy năm sống tại Argentina, tên này thậm chí còn nhiều lần dùng tên thật của mình để giao dịch và kết hôn với bạn gái Martha. Cuối thập niên 50, một lệnh bắt giữ với tên này được ban hành và hắn tiếp tục chạy trốn đến Brazil với tên gọi Peter Hochbichter và sau đó chết trong bình yên vào năm 1979.

Ngày đền tội

Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Ngoài những tên đã tẩu thoát thành công, vẫn có những kẻ khác đã phải đền tội sau nhiều năm lẩn trốn ở nước ngoài. Adolf Eichmann – tác giả cho Giải pháp cuối cùng đã nhiều năm tại Bắc Đức trước khi đến Südtirol và nhận được một giấy thông hành từ Hội Chữ thập đỏ với tên gọi Riccardo Klement để đến Argentina. Khi tưởng rằng, hắn có thể chạy trốn thành công thì vào năm 1960, các “thợ săn Phát xít” – tên gọi cho những nhà điều tra tìm kiếm tung tích của Israel đã tìm ra hắn và dẫn độ tên này về Israel. Eichmann đã bị Tòa án Israel tuyên án tử hình và thi hành án vào năm 1961.

Tài liệu giả có tên Ricardo Klement được tội phạm chiến tranh Adolf Eichmann sử dụng để đào thoát khỏi châu Âu và đến Buenos Aires. Tài liệu này được công bố vào tháng 5/2017 cả tổ chức Chữ Thập đỏ Quốc tế (IRCA)
Eichmann thời còn hoạt động cho Đức Quốc xã và khi ra hầu tòa tại Israel vào năm 1961

Chỉ huy lực lượng Cảnh sát mật Gestapo ở Lyon, Klaus Barbie sau nhiều năm ẩn trốn tại Bolivia thì đã bị phát hiện vào năm 1972 và sau đó dẫn độ về Pháp vào năm 1983. Năm năm sau, Barbie bị kết án chung thân do những tội ác hắn đã thực hiện trong chiến tranh, đó là chịu trách nhiệm cho cái chết của 4342 người, các vụ tra tấn và xét xử không qua tòa án.

Klaus Barbie khi bị bắt giữ tại Nam Mỹ

Nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm giải trí

Con đường Chuột, hay cái tên của những tổ chức đằng sau nó như O.d.e.S.S.A, Những con Nhện đã trở thành một nguồn tư liệu béo bở cho nhiều tác phẩm giải trí ăn khách. Bên cạnh bộ phim bom tấn Captain America: The Winter Soldier kể trên, còn có nhiều tác phẩm khác như tiểu thuyết trinh thám ăn khách The Odessa File (1972), The Memphisto’s Gold (2010) và những bộ phim Die Rattenlinie.Fluchtwege der Nazis nach 1945 (1990), Die Akte Odessa (1974).

 

Leave a Reply