Menu
in

Hình tượng ‘Bạch Hổ’ trong tâm linh và trong đời thật dưới góc nhìn khoa học

Tứ Tượng là một khái niệm trong triết học, thiên văn và phong thủy của Phương Đông bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong đó, mô tả 4 loài thần thú trấn giữ bốn phương gồm: Thanh Long ở phía Đông, Bạch Hổ ở phía Tây, Chu Tước ở phía Nam, Huyền Vũ ở phía Bắc. Đặc biệt, trong số bốn con thú này, chỉ có Bạch Hổ – tức cọp trắng là con vật có thực ngoài đời.

Vậy chúng ta hãy cùng QDC tìm hiểu về hình tượng Bạch Hổ kỳ diệu trên cả phương diện tâm linh và khoa học.

Tứ thánh thú với Bạch Hổ ở phương Tây, tượng trưng cho hành Kim trong ngũ hành.

Trong văn hóa đại chúng, tâm linh và phong thủy

Từ ngàn xưa, hổ là loài vật được con người vừa tôn sùng, vừa sợ hãi. Chúng là loài động vật to lớn nhất trong họ nhà mèo, và cũng sở hữu sức mạnh khủng khiếp nhất. Hổ nhanh nhẹn, mạnh mẽ và có năng lực chiến đấu vượt trội so với các loài thú khác. Chính vì thế chúng được xem là biểu tượng của chiến binh, của quan võ và thường được sử dụng nhiều trong quân sự.

Tính cách của hổ cũng rất đặc trưng, chúng kiên nhẫn nhưng dứt khoát, lại là loài sống cô độc tách biệt. Hổ cai trị núi rừng, ăn thịt muôn loài, còn muôn loài khác phải quy phục nó. Chính vì hổ luôn thể hiện một cá tính mạnh, cộng với ngoại hình ấn tượng, chúng trở thành chủ đề trong thi ca nhạc họa.

Tranh Ngũ Hổ, vẽ cảnh Bạch Hổ ngồi ở giữa, những con hổ khác nhỏ hơn phải chầu xung quanh.

Người Việt Nam có tập tục lập miếu thờ hổ, như là một con vật linh thiêng có khả năng trấn trạch, xua đuổi tà ma, ám khí. Trong phong thủy, khi xây dựng nhà cửa người ta thường chọn những vùng đất cao và khô ráo tương tự như thói quen mà loài hổ tìm nơi nghỉ ngơi, nằm quan sát mọi vật xung quanh.

Vùng đất cao ráo, đắc địa được gọi là thế ”rồng cuộn hổ ngồi” cũng là như vậy.

Tượng Bạch Hổ ở Hồ Hoàn Kiếm, tượng trưng cho thế đất cao, đắc địa của trung tâm thủ đô.

Kể chuyện ma hổ, lý giải nguyên do người Việt thờ Bạch Hổ

Hổ đã là vua của muôn loài, thế nhưng đặc biệt hơn cả trong loài hổ là hổ xám, hổ đen, và cuối cùng là hổ trắng – hay bạch hổ, lại là vua của cả loài hổ. Tương truyền, hắc hổ là loài thông minh điềm tĩnh, thuộc nguyên tố nước (hành Thủy), hắc hổ sống trung lập, không hại người. Còn bạch hổ rất hiếm, là con hổ tu tiên lâu năm mà thành nên chẳng những không ăn thịt người mà còn cứu độ chúng sinh. Ngược lại, hổ xám (hay còn gọi hùm xám, hoặc ”lam hổ”) là loài hổ tinh, tu theo ma đạo, chuyên ăn thịt người.

Ở An Giang, miền Tây Nam Bộ có một câu chuyện truyền kỳ về Bạch Hổ. Khi ấy, vùng đất này còn nhiều thú dữ, tương truyền có một con hổ đã thành tinh chuyên ăn thịt người được dân chúng gọi là ”con hạm” (thế nên dân gian Nam Bộ có câu cửa miệng ”ăn như hạm” để chỉ những người ăn nhiều quá cỡ). ”Con hạm” này chính là một con hổ xám.

Con hổ tinh này rất quái dị, người ta kể nó vốn sống ở vùng An Giang đã lâu năm, từ lúc miền Nam Việt Nam còn là nơi rừng rậm âm u, chưa có người khai phá. Mãi về sau này khi người ta di cư từ Bắc vào Nam để mở rộng bờ cõi (gọi là thời ”mang gươm đi mở cõi”) thì mới phát nương làm rẫy, định cư ở vùng này và chạm mặt hổ tinh.

Việc con người từ xa đến chặt cây, đốt rừng khiến hổ tinh nổi giận, đi ngược lại với hướng tu tiên của Bạch Hổ, hùm xám là loài ma thần ác độc, sau một lần được nếm thịt người, nó trở nên ngày càng thèm khát muốn ăn nhiều hơn nữa.

Đặc biệt, con hùm xám ma quỷ này có đôi tai rất thính, nó nấp trong rừng rậm, ngóng tai nghe được hết những gì người ta nói trong làng. Ai dám báng bổ, nói xấu sau lưng nó đều bị nó tìm giết trước. Đáng sợ hơn, những người bị hùm xám ăn thịt đều không thể siêu thoát, linh hồn của họ cũng biến thành ma, gọi là ”ma trành”. Số phận của ma trành bị ác thú bắt làm nô lệ, bị nó sai khiến để đi nghe ngóng, thu thập tin tức về thưa lại giúp cho hùm xám ngày càng tinh quái hơn.

Có một điều đặc biệt là, các địa phương như An Giang, bản Mường Tây Nguyên và cả tỉnh Thanh Hóa ở miền Bắc dù cách xa nhau về mặt địa lý nhưng đều lưu truyền một câu chuyện tương tự về việc người bị hùm xám thành tinh vồ sẽ biến thành ma dưới trướng của con thú dữ ấy.

Thương người dân bị cọp dữ quấy phá, một vị tu hành tên là ông Tăng Chủ – đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An đã lên núi Bà Đội Om làm lễ cầu cứu Bạch Hổ là con hổ tu đắc đạo thành tiên. Bạch Hổ đã tu luyện trăm năm, làm sơn thần cai quản vùng núi này, nghe có biến, nó quyết định rời khỏi hang xuống núi giúp dân.

Bạch Hổ giao chiến với hùm xám suốt nhiều trận liền. Hai con thú thần đánh nhau làm đồi núi sụt lở, tan hoang một mảng rừng. Chúng giằng co, ngày này qua tháng nọ, người ta thấy vết máu chảy lênh láng làm sông suối đổi màu, nhiều mảng lông đen, trắng của hai con thú rơi ra, vương trên cây cỏ trong vùng.

Người An Giang thường cúng Miếu Ông Hổ vào tháng 2 hàng năm.

Cuối cùng, Bạch Hổ đánh thắng hùm xám. Con hổ tinh thua trận, buồn bã bỏ chạy về phía cù lao xã Mỹ Hòa Hưng thuộc Long Xuyên để trốn, từ đó không dám giết người nữa, chỉ lâu lâu mới trở lại thăm quê cũ.

Để cảm ơn Bạch Hổ, người An Giang liền lập miếu ở huyện Chợ Mới để thờ phượng, đến ngày nay người ta vẫn cúng kiến nhang đèn cho Bạch Hổ để cầu an cư lạc nghiệp. Còn về phần hùm xám, mỗi lần thấy nó trở về, dân chúng làm thịt một con lợn sống để cống cho nó nguôi giận, không phá người nữa.

Hùm ám, hắc hổ, bạch hổ trong tự nhiên

Trên thực tế những câu chuyện vừa kể ở An Giang không hẳn không có cơ sở. Trong tự nhiên, sự tồn tại của hùm xám (hay còn gọi là ”lam hổ”) và hắc hổ đều có bằng chứng. Nhiều ghi nhận về hùm xám ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc lẫn ở Hàn Quốc, Việt Nam đều rất chi tiết. Vả lại, trên phương diện di truyền học màu lông xám xanh của hùm xám hoàn toàn có thể được tái hiện dưới dạng thể hiện tính trạng lặn của loài động vật thuộc họ nhà mèo này, mặc dù rất hiếm, hùm xám trong tiếng anh còn được gọi là Maltese Tiger, tương tự như Maltese Cat chỉ loài mèo xám.

Mèo Maltese có lông xám xanh. Tương tự, hổ cũng có thể xuất hiện màu lông này mặc dù xác suất là rất thấp. Có thể chúng đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Năm 1910, Harry Caldwell – một nhà truyền giáo người Mỹ ghi nhận ông đã thấy một con hùm xám ở tỉnh Phúc Châu, Trung Quốc. Nhà sinh vật học Karl Shuker thì đã mô tả về hùm xám trong tác phẩm xuất bản năm 1989 mang tên Mystery Cats of the World của ông.

Tương tự, hắc hổ cũng hoàn toàn có thể tồn tại vì đơn giản chúng chỉ là sự biến đổi của các tính trạng biểu hiện ra kiểu hình mà thôi, tương tự như mèo mun vậy. Năm 1773, họa sĩ người Anh James Forbes cũng đã ghi chép về một con hắc hổ ở Kerala, Ấn Độ. Nó có màu đen tuyền, lông ánh xanh ánh tím.

Có thể do số lượng của loài hổ trong tự nhiên đã quá ít để có thể nâng cao xác suất xuất hiện những màu này. Những cá thể hiếm hoi từng mang màu lông đặc biệt ấy thì có lẽ đều đã chết trước khi công nghệ hiện đại xuất hiện để ghi hình được chúng.

Trong trường hợp của hổ trắng, chúng may mắn được loài người bảo vệ và lai tạo thành công. Hiện nay, có khoảng 200 cá thể hổ trắng sinh sống trong môi trường nuôi nhốt, hoàn toàn không có con nào được nhìn thấy trong tự nhiên kể từ cuối những năm 90.

Bạch hổ con được sinh ra nhờ việc lai giống có chọn lọc.

Đặc điểm di truyền học của hổ trắng

Trước hết, chúng ta cần phân biệt rằng hùm xám, hắc hổ, bạch hổ không phải là một loài riêng biệt, chúng vẫn là những cá thể thuộc loài hổ có danh pháp hai phần là Panthera Tigris. Điều khác biệt ở đây là sự khác biệt ở màu lông do biểu hiện tính trạng. Những màu lông đặc trưng ấy thường là sự biểu hiện ra kiểu hình trong trường hợp tính trạng lông trắng trội hơn khiến chúng mất hai sắc tố đỏ và vàng vốn tạo nên màu cam ở một con hổ thông thường.

Cụ thể, nếu có 2 con hổ thường cùng mang 1 gen lông thường và một gen lông trắng kết hợp với nhau sẽ có 75% cho ra hổ thường và 25% cho ra một con hổ trắng với hai gen lông trắng thể hiện ra kiểu hình. Đây là cách mà loài bạch hổ xuất hiện trong tự nhiên.

Bảng mô tả xác suất mà một con hổ trắng có thể được sinh ra.

Trường hợp hy hữu này xảy ra trong tự nhiên hoàn toàn tương tự như việc loài mèo có nhiều kiểu lông, không phải là bệnh bạch tạng, một con hổ trắng vẫn có thể giao phối và sinh sản bình thường (khác với trường hợp hổ trắng bị bệnh down do con người cố ý bắt chúng lai cận huyết).

Khả năng để một con bạch hổ được sinh ra trong tự nhiên là 1/10000, trong khi đó chỉ có 3890 con hổ còn sót lại trong tự nhiên, tức là khả năng để bạch hổ xuất hiện lại trong tự nhiên là zero. Rất may, có khoảng 7000 con hổ được nuôi nhốt trên thế giới, chính chúng tạo nên cơ hội để xuất hiện bạch hổ mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng như bây giờ.

Tùy theo mức độ thể hiện của tính trạng mà bạch hổ có thể vẫn có sọc đen rõ rệt, hoặc gần như trắng hoàn toàn như trong ảnh sau:

Vậy tại sao bạch hổ mạnh hơn hắc hổ và hùm xám để trở thành một trong tứ thánh thú?

Chuyện kể lại ở An Giang có thể được thêu dệt thêm màu sắc thần thánh, nhưng trong thực tế rất có thể ngày xưa người dân ở vùng đó đã từng bị hoành hành bởi một con hùm xám, cho đến khi một con bạch hổ từ nơi khác đến và đuổi con hùm xám ấy đi.

Bạch hổ to, nặng, và mạnh hơn hổ thường rất nhiều là do đặc điểm di truyền học của chúng.

Hổ là loài thú có tập tính tranh giành lãnh thổ, chúng cần một khu vực rộng lớn có đủ thức ăn và con cái để giao phối. Có câu: một núi không thể có hai hổ. Trong tự nhiên, cuộc chiến tranh giành địa bàn và nguồn thức ăn vẫn thường xuyên diễn ra, và con nào thua trận phải bỏ đi tìm nơi ở khác sinh sống. Nếu trùng hợp hơn, khi con bạch hổ thắng trận ấy lại có phần sống xa lánh, không xuất hiện tấn công loài người thì nó hiển nhiên trở thành anh hùng, thần thánh được người dân tôn sùng.

Trong dân gian, hổ trắng cũng được miêu tả to hơn những con hổ khác rất nhiều.

Việc bạch hổ mạnh nhất một lần nữa được các nhà khoa học chứng minh. Một con hổ đực thông thường nặng từ 90 đến trên dưới 300 kg và dài khoảng 3 mét. Trong khi đó, một con bạch hổ từ lúc sinh ra đã to hơn hổ thường, và khi trưởng thành hoàn toàn, nó cũng nặng và dài hơn khi có thể đạt cân nặng đến 460 kg và dài đến 3,8 m chưa tính đuôi.

Chính vì thế, nếu phải đánh nhau, các loài hổ có lông khác sẽ yếu và nhỏ con hơn nên không thể đánh lại bạch hổ. Vậy bây giờ hãy nhìn lại bức ảnh ngũ hổ ở trên. Bạn hoàn toàn có thể lý giải được vì sao bạch hổ ”khủng nhất” rồi đúng không?

 

Leave a Reply