Mười tháng trước, cô con gái 10 tuổi của tôi, Paulina nói với tôi rằng nó bị đau đầu mỗi khi đi ngủ. Con bé không ngừng bóp đầu và nói “Mọi thứ trong phòng con rất nhỏ”. Câu nói của con bé bất ngờ làm tôi nhớ lại về ngày xưa: Khi tôi còn nhỏ, tôi đã từng nhìn thấy các món đồ trong phòng mình bỗng như cách xa tay mình cả trăm dặm. Cảm giác đó thường kéo dài trong vài phút đến 1 giờ. Thật may mắn, tôi đã không còn phải chịu tình cảnh đó khi lớn lên nữa.
Thế rồi, tôi hỏi Paulina về lần đầu tiên con bé thấy vậy. Nó lắc đầu, nói rằng hiện tượng ấy đang xảy ra càng ngày càng nhiều hơn. Tôi an ủi con bé, nói rằng những điều tồi tệ đó sẽ tự biến mất khi nó trưởng thành. Lời nói của tôi khiến cô bé an tâm hơn một chút và dần dần, nó chìm vào giấc ngủ.
Trong giấc ngủ của Paulina, tôi đã lên mạng và tìm hiểu, liệu thực sự có một căn bệnh như vậy hay không. Hóa ra, thực sự có một tên gọi cho những trải nghiệm trên: Chúng là triệu chứng của một hội chứng thần kinh hiếm gặp có tên Alice ở Xứ sở Thần tiên (Alice in Wonderland).
Đó là chia sẻ của một độc giả trên chuyên mục sức khỏe của tờ báo danh tiếng The New York Times cách đây không lâu. Bài đăng đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của các chuyên gia thần kinh và cộng đồng bạn đọc, những người quan tâm đến các vấn đề sức khỏe. Đa phần đều không khỏi bất ngờ trước sự tồn tại của căn bệnh này và đồng thời bộc lộ sự thông cảm cho các bệnh nhân đang phải chịu đựng các bất tiện mà nó mang lại.
Hội chứng (AIWS) được mô tả lần đầu tiên bởi tiến sĩ thần kinh học người Anh John Todd vào năm 1955. Căn bệnh được đặt theo tên tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lewis Carroll. Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu kì ảo của nhân vật chính Alice tại một chốn thần tiên với những hiện tượng kỳ quái. Trong phần đầu câu truyện, Alice đã ăn một loại bánh kỳ lạ, khiến cô bé to lên một cách bất thường. Tương tự, khi uống một ly sữa tại đây, cô bé bỗng dưng nhỏ đi.
Trong mắt Alice lúc này, đồ vật cứ như nhỏ hơn, hay lớn hơn cô bé rất nhiều, dù cô bé vẫn ở đúng vị trí đó. Giống như nhận vật chính của chúng ta, bệnh nhân của hội chứng AIW cũng được báo cáo là có xuất hiện nhữngthị giác khi thấy các vật thể nhỏ lại hay to lên bất thường. Các ảo giác nói trên còn được các bác sĩ thần kinh ghi lại với tên gọi Ảo giác người Lilliputian (Lilliputian halluciantions – đặt theo tên vương quốc người tí hon Lilliput trong tác phẩm Gulliver’s Travel của nhà văn Jonnathan Swift)
Một số bất thường về nhận thức khác của người mắc chứng AIWS được trang web chuyên về sức khỏe WebMD ghi lại bao gồm
- Nhìn đường thẳng mà nghĩ là cong
- “Phẳng hóa” các vật thể ba chiều trước mắt
- Thấy khuôn mặt của người đối diện bị méo mó
- Khó chịu với các màu sáng
Bên cạnh các dấu hiệu kể trên, các bệnh nhân của AIWS còn đôi khi bị ảo giác zoopsia. Ghép từ chữ zoo (động vật) và opsia, zoopsia là dạng ảo giác mà người bệnh đồng nhất hình ảnh động vật với các vật không liên quan. Ví dụ, khi nhìn thấy một bụi cây, người bệnh lập tức liên tưởng và nhìn ra đó là hình một con thỏ, bởi kích thước và hình dạng tương đương giữa hai vật này.
Không chỉ vậy, hiện tượng mất nhận thức thời gian cũng được ghi nhận ở nhiều trường hợp khi không ít người trong số họ luôn cảm thấy thời gian và chuyển động diễn ra rất chậm. Điều này có thể rất nguy hiểm, đặc biệt là khi tham gia giao thông, bệnh nhân AIWS không biết chính xác tốc độ của các phương tiện đi cùng mình, gây ra những tai nạn thảm khốc.
Đa phần người mắc Alice ở Xứ sở Thần tiên đều không biết mình bị bệnh, mà vẫn nghĩ đó là các ảo giác nhất thời. Các ảo giác trên thường xuyên xuất hiện khi họ bị sốt, đau nửa đầu hay dùng một số loại chất hướng thần như LSD. Điều này là rất nguy hiểm, bởi AIWS là một hội chứng thần kinh, liên quan đến các bất thường trong não bộ, như chứng động kinh, hay nhiễm virus Epstein – Barr (một chủng virus gây bệnh herpes sinh dục).
Để nhận biết một người có thực sự bị AIWS hay không, bác sĩ thường sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm như chụp cộng hưởng từ MRI, chiếu điện não đồ hay thử máu (kiểm tra xem có xuất hiện virus Epstein – Barr hay không). Trong trường hợp là bị AIWS thật, bệnh nhân sẽ được kê dùng thuốc chống trầm cảm, chống co giật. Ngoài ra, lối sống lành mạnh, tránh dùng các chất kích thích cũng được các bác sĩ khuyến khích để giữ cho bộ óc khỏe mạnh.
Để kết bài, người viết xin khẳng định, Alice ở Xứ sở Thần tiên là một căn bệnh có thật và nó có thể là dấu hiệu cho những bất thường nguy hiểm trong não bộ của chúng ta. Nếu bạn thực sự nghĩ mình đang là một “Alice” như vậy, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế để nhận được sự giúp đỡ và cố vấn từ những chuyên gia.