Tại nhà tù Abashiri vào năm 1943, cai ngục đã biết tất cả mọi thứ về Yoshie, cách ông chọc khóa, khả năng leo tường như thằn lằn, và cả sức khỏe đáng nể của ông. Nhưng như đã nói ở phần trước, Abashiri không chỉ là một nhà tù bình thường, đây là nhà tù dành riêng cho những ở Nhật Bản, và chưa một người nào có thể trốn thoát khỏi Abashiri mà còn lành lặn. Cai ngục khi biết những khả năng của Yoshie đã bắt đầu cải cách lại một buồng giam dành riêng để Yoshie không tài nào thoát được.
Buồng giam mới này có móng bằng thép với
khả năng mục nát cực kỳ thấp. Bất kỳ khe hở nào dẫn ra ngoài, ngay cả nếu như
các thanh chắn bị gỡ ra, đều được làm nhỏ hơn cơ thể Yoshie, nghĩa là không có
cách nào Yoshie có thể chui ra ngoài. Những chiếc còng sắt được làm đặc biệt,
trói hai tay Yoshie ra sau lưng ông, và còng chân khiến cho ông hầu như không
thể đứng vững lên. Những chiếc còng này mỗi cái nặng gần 20kg và không có lỗ
khóa, nghĩa là Yoshie không thể chọc lỗ khóa. Và cách duy nhất những cai ngục
có thể gỡ được là mời hai chuyên gia rèn sắt đến để gỡ, và quá trình này thường
tốn hơn hai tiếng mỗi lần gỡ. Và Yoshie không được phép đi tắm.
Cái giá lạnh của mùa đông chuẩn bị ập đến,
và với sức lực đang dần cạn mòn của mình, Yoshie có thể làm gì? Liệu Abashiri
có phải là cái kết cho nghệ sĩ phá khóa của chúng ta?
Không. Tuy không có sức lực, nhưng Yoshie có thời gian và sự kiên trì. Mỗi ngày khi đồ ăn tới, Yoshie sẽ để dành một chút phần súp miso để đổ lên những khung thép, và một chút lên còng tay, còng chân của ông. Ý định ở đây là Yoshie muốn oxy hóa những chiếc bu lông và ốc vít, lâu dần sẽ làm lỏng còng chân và khung thép của buồng giam. Điều này xảy ra trong suốt sáu tháng, khi thời khắc cuối cùng của mùa xuân đã điểm, chiếc ốc cuối cùng cũng lỏng ra. Nhưng vấn đề vẫn còn đó, khung cửa đó quá nhỏ để Yoshie có thể chui lọt, Yoshie vẫn không nản lòng, vì ông còn một khả năng bí mật nữa mà cai ngục ở đây không biết. Đối mặt với khung cửa bé tí này, Yoshie tự bẻ lệch khớp vai mình để nhích người qua, và trèo ra ngoài.
Yoshie Shiratori tới giờ đã khỏi ba nhà tù, và là người đầu tiên trốn thoát khỏi nhà tù Abashiri, nhưng đây vẫn là phía Bắc Hokkaido, và lối đi duy nhất cho Yoshie là về phía những ngọn núi giá lạnh. Những cai ngục cảm thấy họ vẫn là người chiến thắng, vì nếu Yoshie không gục ngã trước cái lạnh, thì bọn gấu núi cũng sẽ kết liễu ông.
Yoshie leo lên núi, và ông may mắn tìm được
một mỏ hầm ở một cạnh núi và đã sống tại đó trong suốt hơn hai năm. Ngày qua
ngày, ông ăn hạt và dâu rừng, săn bắt thỏ hoang và gấu mèo. Tình hình có vẻ khá
khó khăn, nhưng Yoshie vẫn còn hy vọng. Nếu Mỹ thắng chiến tranh và đánh chiếm
Nhật, có thể mọi người sẽ quên ông, và ông đã đúng.
Vào tháng Tám năm 1945, hai năm sau khi
Yoshie bắt đầu ở ẩn, Mỹ thành công chiếm Nhật Bản, và cuộc săn lùng Yoshie cũng
dần chìm vào quên lãng.
Cảm thấy tự tin, Yoshie quay lại với cuộc sống thành thị, hướng về Sapporo. Tại đây, ông đói gần xỉu thì tìm thấy một cây cà chua. Sau khi bẻ một trái để ăn thì người trồng cây nhầm Yoshie với một kẻ trộm trái có tiếng trong khu vực đó, hai người gây gổ với nhau và Yoshie dùng một lưỡi dao gần đó đâm chết người trồng cây. Cảnh sát quận Sapporo bắt giữ hung thủ thì mới nhận ra đây chính là Yoshie Shiratori khét tiếng.
Tòa án quận Sapporo chọn cho Yoshie bản án tử hình, và trong thời gian bị giam chờ thi hành bản án, cai ngục ở nhà tù Sapporo cũng đã học được khá nhiều điều từ sai lầm ở Abashiri. Yoshie được chỉ định sáu vệ sĩ có vũ trang giám sát ông 24/24, không ngoại lệ. Mọi lỗ thông hơi trong buồng giam đều được thiết kế để nhỏ hơn đầu của ông để ngăn ngừa mọi trường hợp như lần bẻ khớp vai ở Abashiri. Trần nhà của buồng giam thì cũng quá cao để trèo với tuổi của Yoshie. Vì những cai ngục ở Sapporo rất tự hào về buồng giam được chế tác đặc biệt này nên họ thậm chí còn không thèm còng tay Yoshie. Hy vọng trốn thoát có vẻ mỏng manh.
Mỗi ngày, Yoshie đều nhìn lên trần nhà, nghĩ về kế hoạch trốn thoát, các cai ngục có thể thấy được sự thất vọng cũng như nản lòng trên gương mặt của ông. Có những ngày, Yoshie nản lòng đến mức ông không thèm dậy. Cho đến một ngày, cai ngục điên tiết bước vào, lật chăn của ông lên.
Yoshie không có ở đấy, chỉ là gối được xếp lại để nhìn như có người nằm dưới lớp chăn.
Hóa ra, tất cả chỉ là một kế hoạch đã được tính toán cẩn thận, Yoshie nhìn lên trần nhà mỗi ngày để đánh lạc hướng những người cai ngục nhìn lên trên, mà không nhìn xuống sàn buồng giam, nơi thực hiện kế hoạch trốn thoát lần cuối của Yoshie. Vì những người cai ngục quá bận tâm với trần nhà và những bức tường, họ đã vô tình để hở điểm yếu là sàn buồng giam. Chỉ sau vài lần mày mò, Yoshie đã có thể gỡ được ốc vít giữ những tấm sàn gỗ lại với nhau. Và bằng một chiếc bát đựng thức ăn, ông đã bí mật đào một đường hầm đến tự do ngay dưới lớp nệm của mình. Cai ngục không thể nào biết được vì họ thậm chí còn không ngờ tới nước đi này, và Yoshie thực hiện kế hoạch này quá kỹ càng.
Bốn lần trốn thoát thành công, Yoshie đã thấm mệt, ông bây giờ đã bước sang lứa 40, và cơ thể ông đã bắt đầu từ chối những trò mạo hiểm như vậy. Sau một năm tự do, người ta kể lại rằng Yoshie được một sĩ quan cảnh sát mời điếu thuốc, thuốc lá lúc này vẫn còn là một thứ được xem là sang trọng ở Nhật Bản. Cảm động trước lòng tốt của viên cảnh sát, Yoshie thừa nhận rằng ông là một kẻ bị kết án đã vượt ngục. Và một lần nữa, Yoshie lại bị giao nộp cho tòa án nhân dân Sapporo.
Tòa án nhận thấy rằng, trong cả bốn lần trốn thoát của Yoshie, đã không có hành vi gây tổn thương cơ thể cho bất cứ viên cảnh sát hay cai ngục nào, chỉ có áp đặt lên Yoshie. Vì thế, tòa án quyết định thu hồi án tử hình. Thay vào đó, ông bị kết án 20 năm tù. Yoshie yêu cầu rằng ông được thi hành bản án ở Tokyo. Ông ngồi tù qua năm tháng ở nhà tù Fuchu cho đến năm 1961, đến đây, ông được tạm tha. Sau hơn một thập kỷ xa cách gia đình, Yoshie quay về Aomori để được đoàn tụ với con gái, kể cho cô bé nghe câu chuyện đời hùng vĩ của mình. Ông sống tiếp thêm một thập kỷ nữa, làm những công việc lặt vặt để sống qua ngày, cuối cùng khuất phục trước một cơn đột quỵ vào năm 1979.