Cao Dương công chúa là con gái thứ 17 của vị vua nhà Đường nổi tiếng Đường Thái Tông – Lý Thế Dân. Vì tính tình nhanh nhạy và thông minh, cô rất được lòng của cha. Đến tuổi trưởng thành, Cao Dương được Đường Thái Tông ban hôn cho con trai thứ hai của Tể tướng Phòng Huyền Linh – Phòng Di Ái.
Mối hôn nhân này được coi như là một sự ưu ái của Lý Thế Dân dành cho con gái cưng vì Phòng Huyền Linh đang là Tể tướng có gia thế lớn mạnh tại đương triều. Tuy nhiên sau khi thành thân, sự vô dụng, thô lỗ của Di Ái dần lộ rõ khiến Cao Dương ngày một chán ghét phu quân của mình. Lý Thế Dân vì muốn con gái có cuộc sống tốt hơn nên đã phong cho Di Ái chức Hữu Vệ tướng quân nhưng điều này chỉ càng tăng thêm bản tính “thùng rỗng kêu to” của con rể.
Trong một lần đi săn ở ngoại thành Trường An, vào giữa trưa công chúa thấm mệt và quyết định dừng chân tại một ngôi chùa. Biện Cơ chính là người ra mở cửa và đón tiếp nàng. Ngay từ khoảnh khắc nhìn thấy hòa thượng này, công chúa đã hồn xiêu phách lạc và trúng tiếng sét ái tình với chàng. Đứng trước một mỹ nhân sắc nước hương trời như Cao Dương, Biện Cơ cũng cảm nhận được tình cảm đặc biệt cô dành cho mình và động lòng phàm.
Theo Tân Đường thư, sau khi được người hầu sắp xếp nơi ở, Cao Dương công chúa đã cho gọi Biện Cơ vào và cho tất cả người khác ra ngoài. Sau đó, chuyện gì đến cũng sẽ đến, mối tình của hai người nhanh chóng bùng cháy. Di Ái biết vợ mình có tình nhân bên ngoài nhưng vì không muốn mất đi sự ưu ái của nhà vợ nên đành ngậm ngùi nhắm mắt cho qua.
Một thời gian sau, Đường Huyền Trang (Đường Tăng) từ Tây Thiên thỉnh kinh trở về, Biện Cơ cùng 8 người khác được ông lựa chọn để dịch các bộ kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Đối mặt với sứ mệnh cao cả, Biện Cơ không thể từ chối nên đành nói lời tạm biệt với Cao Dương dù cả hai vẫn yêu nhau say đắm. Trước giây phút chia xa, Cao Dương đã đưa chiếc gối ngọc dát vàng của mình như vật minh chứng cho tình yêu của hai người.
Tuy nhiên, cặp đôi không thể ngờ rằng, chính chiếc gối này đã khiến cả hai phải chịu một cái kết thê thảm, đẫm máu. Năm 649, quan tuần tra thành Trường An bắt được một tên trộm đang giấu chiếc gối này trong người. Với độ nhạy bén, những vị quan này biết rõ lai lịch của chiếc gối dát vàng này không hề tầm thường nên liên tục tra khảo tên trộm. Người này sau đó đã khai rằng chiếc gối được ăn trộm từ cao tăng Biện Cơ.
Sau khi suy nghĩ kỹ, viên quan này quyết định trực tiếp nói bẩm báo chuyện này với Đường Thái Tông vì suy cho cùng đây là chuyện gia đình ông. Nhận được tin động trời này, Lý Thế Dân nổi cơn thịnh nộ và lập tức ra lệnh bắt Biện Cơ về xử trảm. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu chém cổ thì vẫn là quá dễ dàng cho người tình của con gái nên Đường Thái tông quyết định sẽ dùng hình thức chém ngang lưng để thêm phần đau đớn.
Những nô tì hầu hạ cho Cao Dương cũng bị giết sạch vì tội bao che, đồng lõa. Bản thân công chúa cũng bị cấm không được đặt chân vào cung. Tai họa bất ngờ ập đến khiến bốn năm xa cách tương tư đợi chờ của Cao Dương giờ trở thành âm dương cách biệt. Cô trở nên phát điên, tuyệt thực, đập phá đồ đạc và đem lòng hận cha mình. Để trả thù Lý Thế Dân, Cao Dương mặc sức tư thông với nhiều quan sĩ trong triều.
Cũng năm 649, Đường Thái Tông băng hà, Cao Dương hay tin không mảy may đau lòng hay rơi nước mắt, cô nhất quyết không nhìn mặt cha lần cuối. Sau khi Đường Cao Tông – Lý Trị lên ngôi, công chúa Cao Dương từng âm mưu tạo phản để trả mối thù với vua cha. Tuy nhiên, hành động của cô đã bị phát hiện khiến cả Cao Dương lẫn Di Ái đều bị xử tử.