Trung Quốc là một đất nước có lịch sử lâu đời. Trong suốt hơn 5000 năm, rất nhiều sự kiện bí ẩn đã xảy ra, đặc biệt là sự biến mất kì lạ của các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Không ai biết họ đã đi đâu, về đâu!
1. Lão Tử
Theo truyền thuyết Trung Quốc, Lão Tử sống ở thế kỷ VI TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỉ IV TCN, thời Bách Gia Chư Tử và thời Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh – cuốn sách của Đạo giáo, ông còn được công nhận là người khai tổ của Đạo giáo.
Truyền thuyết cho rằng ông sinh ra ở huyện Khổ nước Sở, hiện nay là Lộc Ấp thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Lão Tử được coi là một trong những vị thánh, được người dân Trung Quốc tôn sùng. Sử sách ghi lại, trước đây ông đã từng làm việc như một thủ thư dưới triều nhà Chu và Lão Tử cũng là thầy giáo của Khổng Tử. Tuy nhiên có một điều bí ẩn ở Lão Tử, đó chính là cho đến tận ngày nay không ai biết được rốt cuộc ông đã đi đâu về đâu!
Chỉ được nghe người đời kể lại rằng, vì quá chán chường với thế sự nên Lão Tử muốn quy về ở ẩn. Nhân vật được cho là người cuối cùng gặp và nói chuyện cùng Lão Tử chính là Doãn Hỷ – một vị quan giữ ải ở Hàm Cốc Quan. Doãn Hỷ đã cố gắng níu giữ Lão Tử ở lại nhưng không thành. Sau đó Doãn Hỷ nói với ông rằng: “Nếu ngài quyết đi ẩn cư xin vì tôi để lại một bộ sách!”, cho nên Lão Tử bèn ở lại cửa ải Hàm Cốc viết bộ Đạo Đức Kinh rồi dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc đạo. Do đó, Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.
Sau khi viết xong cuốn sách Đạo Đức Kinh ở Hàm Cốc Quan, Lão Tử đã cưỡi trâu xanh đi ở ẩn. Đến tận ngày nay vẫn không ai biết được tung tích của Lão Tử sau khi cưỡi trâu xanh ra khỏi Hàm Cốc Quan. Đây được coi là một câu đố không có lời giải đối với hậu thế.
2. Tây Thi
Tây Thi hay còn gọi là Tây Tử – là một đại mỹ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, Tây Thi có nhan sắc chim sa cá lặn.
Tây Thi có tên thật là Thi Di Quang, là con gái của một người thôn nữ họ Thi thuộc nước Việt thời Xuân Thu. Tây Thi là mỹ nhân có ngũ quan xinh đẹp, tướng mạo hơn người ngay cả khi không trang điểm. Vì gia cảnh khó khăn, quanh năm suốt tháng nàng phải mặc xiêm y bằng vải bố, nhưng vẫn không thể che lấp được vẻ đẹp tuyệt vời, tự nhiên của mình.
Câu chuyện về Tây Thi rất phổ biến ở các nước văn hóa Á Đông. Nàng đã theo kế của Phạm Lãi, từ nước Việt đến nước Ngô để mê hoặc Ngô vương là Ngô Phù Sai, giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, khiến nước Ngô hùng mạnh bị diệt vong. Câu chuyện đã trở thành huyền thoại, được nhắc đến nhiều trong các điển tích Trung Hoa.
Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, Tây Thi được coi như là một công thần, nàng trở về nước Việt. Tuy nhiên khi Tây Thi trở về nước nhà, số phận của nàng ra sao, hiện vẫn chưa có lời giải đáp.
Có một số giả thuyết cho rằng, Tây Thi và Phạm Lãi vốn là một đôi, vì sự nghiệp cứu nước nên cả hai phải hy sinh tình yêu của mình. Vì vậy sau khi Tây Thi về nước cả hai đã quyết định về quê ở ẩn, sống bên nhau để bù đắp cho tình yêu mà trước đó hai người bỏ lỡ. Nhưng lại có một số ý kiến cho rằng Tây Thi hồi hương liền bị thủ tiêu để diệt trừ mọi hậu họa sau này.
Có rất nhiều giả thiết khác nhau xung quanh sự mất tích bí ẩn của Tây Thi khiến người đời không biết nên tin tưởng vào đâu. Câu chuyện về số phận và sự mất tích đầy bí ẩn của nàng luôn khiến hậu thế phải tò mò.
3. Từ Phúc
Từ Phúc tức Từ Thị hay còn được gọi là Từ Phất, tự Quân Phòng, người đất Tề thời nhà Tần. Ông là một phương sĩ từng làm ngự y cho Tần Thủy Hoàng.
Được biết do Tần Thủy Hoàng luôn lo sợ cái chết nên đã tìm mọi cách để trường sinh bất tử. Ông giao phó cho Từ Phúc nhiệm vụ tìm kiếm phương thuốc giúp trường sinh.
Năm 219 TCN, Từ Phúc cùng 1.000 đồng nam và đồng nữ với lương thực dự phòng đủ ăn trong vòng 3 năm đi tìm kiếm thuốc trường sinh bất lão ngoài biển Đông. Tuy nhiên lần ra đi này lại là một đi không trở lại, không ai biết được rằng Từ Phúc có thực sự tìm phương thuốc trường sinh cho Tần Thủy Hoàng hay không, chỉ biết rằng ông ta mãi mãi không trở về Trung Quốc nữa.
Có một số giả thuyết cho rằng, Từ Phúc đưa theo nhóm người này lên một hòn đảo sinh sống và được coi là tổ tiên của người Nhật Bản. Một số khác lại cho rằng, ông đưa nhóm người này đến Đài Loan sinh sống.
4. Minh Huệ Đế
Minh Huệ Đế là vị hoàng đế thứ hai của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Tên húy của ông là Chu Doãn Văn thụy hiệu là Huệ Hoàng Đế hay còn gọi là Kiến Văn Đế. Kiến Văn Đế kế vị vua Minh Thái Tổ (Hồng Vũ Đế) và cai trị từ năm 1398–1402.
Minh Huệ Đế được coi là vi vua có sự biến mất bí ẩn nhất trong lịch sử các vị vua của Trung Quốc. Sử sách ghi lại rằng, năm đó Chu Nguyên Chương không truyền ngôi vị hoàng đế cho Chu Lệ mà truyền lại cho Chu Doãn Văn (Minh Huệ Đế), nên khiến cho Chu Lệ nảy sinh ý định tạo phản.
Mấy năm sau, Chu Lệ liền tạo phản đưa quân tới đánh Nam Kinh, tấn công hoàng cung nhằm cướp ngôi vị. Nhưng cũng vào lúc đó hoàng cung đột nhiên cháy lớn, mọi người không tìm thấy thi thể của vị hoàng đế này. Không ai biết được Chu Doãn Văn đã chết hay chưa! Đến nay đây vẫn là một bí ẩn đối với hậu thế.