Không phải chỉ trong tác phẩm nổi tiếng như Đạo Mộ Bút Ký mới nhắc tới dãy Trường Bạch, mà dân gian Trung Quốc cũng có vô vàn những tác phẩm và câu chuyện truyền miệng đầy thần bí về dãy núi này.
Nhưng các bạn có biết tại sao dù là trong văn học hay là ở ngoài đời thật, dãy Trường Bạch vẫn được khoác lên mình tấm áo huyền bí như vậy không?
Núi Trường Bạch vào thời cổ đại được xưng là núi Bất Hàm. Sách Sơn Hải Kinh – bộ sách địa lý đầu tiên ở Trung Quốc từng ghi chép về ngọn núi này như sau: “Giữa vùng hoang vu, có ngọn núi tên Bất Hàm, trên ngọn núi có quốc gia của người Túc Thận”. Bởi vì Trắng như muối lại không mặn như muối nên có tên Bất Hàm, ngoài ra từ “Hàm” còn được lấy từ quẻ Hàm trong Kinh Dịch, nên núi Bất Hàm còn có nghĩa là ngọn núi có thần linh.
Những dân tộc thiểu số cư trú ở vùng Đông Bắc như Túc Thận, Ốc Tự, Uế Mạch, Phù Dư, Tiên Bi, Cao Câu Lệ, Mông Cổ, Khiết Đan,… đều cực kì kính ngưỡng và thần hoá ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc này. Không ít truyền thuyết, thần thoại về các thiên nữ không hoài thai mà sinh con đều được ghép cho thần linh trên núi, cũng từ đó núi Trường Bạch còn được biết đến với danh xưng núi Tiên.
Từ thời Hán kéo dài đến tận thời Nguỵ Tấn, dãy Trường Bạch có rất nhiều tên gọi khác như núi Đồ Thái, núi Thái Bạch, núi Thái Hoàng,…
Mãi tới khi tộc Khiết Đan và tộc Nữ Chân đóng đô ở Trung Nguyên, thành lập vương triều nhà Liêu, vương triều nhà Kim, mới thống nhất cách gọi ngọn núi là Trường Bạch.
Núi lửa ngủ say
Xuyên suốt dòng chảy lịch sử ở Trung Quốc, dãy núi Trường Bạch từng có không ít lần phun trào. Theo tư liệu ghi lại bắt đầu từ khoảng 2500 năm trước công nguyên đến ngày nay, dãy núi đã trải qua 4 lần phun trào lớn, một lượng lớn dung nham bazan từ tận sâu trong vỏ Trái Đất trào ra ngoài; trong lần hoạt động thứ 4 của mình, những vật chất nó phun ra phải cao đến hơn 200 mét. Đồng thời quanh miệng núi lửa chính, còn có một vài miệng núi lửa nhỏ hơn.
Lần gần nhất nó phun trào là vào năm 1702 – thời trị vì của vua Khang Hi nhà Thanh.
Từ đó đến nay dãy Trường Bạch vẫn đắm mình trong giấc ngủ say. Vì từng phun trào và có lượng lớn dung nham nguội lạnh tạo thành những hình thù kỳ quái, nó đã thu hút không ít các nhà thám hiểm và những người có tinh thần mạo hiểm đến tìm hiểu.
Vương triều Nữ Chân xem núi Trường Bạch như cái nôi
Trong lịch sử Trung Quốc người Mãn là một dân tộc vô cùng đặc biệt, họ từng được biết đến với vô vàn những cái tên như: Túc Thận, Ấp Lâu, Vật Cát, Mạt, Nữ Chân, Mãn,… Dân tộc này có khởi nguồn từ vùng “bạch sơn hắc thuỷ”, cũng tức là dãy Trường Bạch ngày nay. Đây cũng chính là dân tộc từng thành lập vương triều nhà Kim và triều Thanh thống lĩnh cả Trung Nguyên.
Ngay từ khi bắt đầu dân tộc này vẫn luôn cho rằng dãy Trường Bạch là cái nôi của mình, thường xuyên quỳ bái ngọn núi, mong thần linh có thể phù hộ cho quốc thái dân an, đế quốc trường tồn, hưng thịnh mãi mãi.
Kim Thế Tông Hoàn Nhan Ung sau khi đăng cơ không lâu đã hạ chiếu sắc phong núi Trường Bạch là Hưng Quốc Linh Ứng Vương, cũng lệnh cho các văn nhân ở Hàn Lâm Viện biên soạn một bài chiếu sắc phong, cả bài chiếu đều là khen ngợi và thần hoá ngọn núi.
Đến năm 1172 sau công nguyên, ông hạ lệnh xây thần miếu Linh Ứng Vương ở phía sườn phía bắc ngọn núi, dẫn theo thần dân và lễ vật cũng như phần chiếu sắc phong đến làm lễ tế.
Những năm sau đó ông càng thêm kính ngưỡng ngọn núi, cho rằng thần tiên trên ngọn núi đã hạ phàm để trợ giúp dân tộc Nữ Chân tấn công nước Liêu, bình định Bắc Tống, đánh vào kinh thành Nam Tống.
Đến thời Kim Chương Tông Hoàn Nhan Cảnh, ông tấn phong núi Trường Bạch là Khai Thiên Hoành Thánh Đế, đưa ngọn núi thần hoá lên ngang tầm Ngọc Đế trên trời và Hoàng Đế Hoa Vi dưới đất, ngang hàng với Hoằng Trị Thánh Đế – hoàng đế khai quốc của triều nhà Kim.
Triều Thanh tôn sùng dãy Trường Bạch là vùng núi tiên
Vương triều phong kiến gần sát thời hiện đại nhất là triều Thanh. Vào thời kì này, các hoàng đế cúng bái núi Trường Bạch như thần tiên, xem nó như nơi mang đến điềm lành cho Thánh Tổ, tôn núi Trường Bạch thành thần núi Trường Bạch.
Thậm chí trong hầu hết các điển tích quan trọng ở triều Thành đều ghi chép lại rằng: tiên nữ đã ăn nhầm quả chu trên núi Trường Bạch rồi sinh ra tổ tiên dòng họ Ái Tân Giác La.
Họ cho xây dựng hệ thống kênh đào bằng liễu và đóng cửa dãy Trường Bạch, xưng nơi này là thánh địa, cấm người dân vào núi chăn thả, săn bắn và hái sâm. Các hoàng đế triều Thanh như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, đều từng tự mình đến núi Trường Bạch hiến tế tổ tiên, thậm chí còn xây vọng thành gần đó để tế điện sơn thần trong núi.
Năm Càn Long thứ 19 (công nguyên năm 1754), Càn Long đi tuần Cát Lâm, từng tự mình đến vọng thành ở Ôn Đức Hanh tổ chức lễ tế sơn thần núi Trường Bạch. Ông cũng từng sáng tác rất nhiều bài thơ về ngọn núi này như Vọng Trường Bạch Sơn, Tế Cáo Trường Bạch Sơn Văn,…
Thuỷ quái trong Thiên Trì ở núi Trường Bạch
Khắp nơi trên thế giới đều có truyền thuyết về những con thuỷ quái, truyền thuyết về thuỷ quái ở Thiên Trì trên núi Trường Bạch thuộc loại khá ly kì. Bắt đầu từ năm 1702 đến nay này ngày càng nhiều, có vô số báo cáo cho rằng thuỷ quái từng xuất hiện, nhưng chưa một ai tận mắt nhìn thấy nó.
Tháng 8 năm 1976, một nhóm du khách đang cắm trại bên Thiên Trì đột nhiên nhìn thấy có thứ gì đó trong như gấu ngựa với bộ lông màu đen và thân thể kì quái. Con quái vật nằm sấp trên một tảng đá lởm chởm, hai mắt sáng quắc nhìn về phía nhóm du khách. Khi nghe tiếng kêu la hoảng sợ, nó lập tức nhảy xuống nước biến mất.
Đây cũng là lần đầu tiên có người nhìn thấy ở Thiên Trì, từ đó về sau lần lượt những bức ảnh chụp được cho là thuỷ quái được công bố rộng rãi.
Tuy vậy sự tồn tại của thuỷ quái Thiên Trì đến nay vẫn là bí ẩn với các nhà khoa học.
Nhưng sau một thời gian dài bị chính sách phong toả, sự thần hoá và tôn sùng của các hoàng đế dưới thời đại cộng thêm những câu chuyện đầy mơ hồ về thuỷ quái ở Thiên Trì đã khoác lên dãy Trường Bạch chiếc áo huyền bí trường tồn với thời gian.