Menu
in

Tỉnh dậy sau cú ngã, bé gái 3 tuổi hồi phục những ký ức về tiền kiếp của mình thời Ai Cập cổ đại

Năm 1904 Dorothy Louise Eady ra đời tại London, Anh Quốc; vào năm 1907 bà đã gặp một tai nạn nghiêm trọng khi bị ngã cầu thang và bất tỉnh. Nhiều người sau cú ngã gây tổn thương não bộ nghiêm trọng đó thì phải nằm điều trị dài ngày nhưng quái lạ là cô bé ba tuổi Dorothy lại tỉnh dậy sau một giờ nằm bất động và chạy nhảy, hoạt động bình thường. Điều khiến mọi người kinh ngạc hơn hết đó là kể từ đó Dorothy bắt đầu có những biểu hiện kỳ dị, cô bé nói mình ở thời Ai Cập cổ đại và muốn được “trở về nhà”.

Dorothy Louise Eady

Câu chuyện trở về từ cõi chết và sống lại với những ký ức về Ai Cập cổ đại của Dorothy đã khiến thiên hạ tò mò, bàn tán và giới khoa học đau đầu nghiên cứu, tìm hiểu. Hồi ức của bà đã mở ra những điều huyền bí, huyễn hoặc về lịch sử Ai Cập và vị vua Seti I.

Dưới đây là những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn về cuộc đời của Dorothy Louise Eady.

Tuổi
thơ với những biểu hiện lập dị, khác biệt

Từ sau cú ngã cầu thang, tuổi thơ của Dorothy gặp rất nhiều phiền toái vì tính cách và lối cư xử lạ lùng của bà. Ở trường học Dorothy có hành động khiến bạn bè và thầy cô khó chịu khi bà ủng hộ tôn giáo của Ai Cập cổ đại, phản đối việc mọi người nguyền rủa và từ chối hát những bài thánh ca chỉ trích người Ai Cập. Vì vậy mà Dorothy đã từng bị đuổi khỏi trường nữ sinh ở Dulwich và bị cấm đến dự các buổi Thánh lễ ở nhà thờ.

Khu cổ vật về Ai Cập cổ đại ở Bảo tàng Anh Quốc

Năm lên 4 tuổi khi được cha mẹ đưa đến Bảo tàng Anh, nơi nổi tiếng với bộ sưu tập cổ vật Ai Cập thì Dorothy đã vô cùng sung sướng, lúc ấy bà đã khóc và hét lên đây là nhà của mình rồi hôn lên chân các bức tượng. Khi bị bắt rời đi, Dorothy đã la hét, gào khóc và không chịu rời khỏi khu trưng bày về Ai Cập cổ đại.

E.A Wallis Budge

Đến năm 12 tuổi, Dorothy dường như dành hết thời gian của mình trong bảo tàng. Tại đây bà gặp gỡ với ông E.A Wallis Budge, người quản lý cổ vật Ai Cập; ông Budge rất ấn tượng và ngạc nhiên trước kiến thức uyên thâm của một cô bé người Anh về Ai Cập cổ đại và khuyến khích Dorothy học chữ tượng hình.

Từ đó, Dorothy tham gia các tiết học về chữ tượng hình, chữ viết cổ của người Ai Cập, một ngôn ngữ đặc biệt và phải mất nhiều thời gian học hỏi nghiên cứu nhưng với Dorothy thì khác, bà nhanh chóng tiếp thu và hiểu tường tận ý nghĩa, cách viết và ký hiệu về chữ tượng hình.

Năm 15 tuổi, Dorothy bắt đầu gặp phải những giấc mơ kỳ lạ và thường mộng du đi lang thang trong đêm. Bà đã viết nhật ký về kiếp trước của mình bằng chữ Ai Cập cổ.

Pharaoh Seti I

Nội dung của cuốn nhật ký như sau: Dorothy đã gặp gỡ với vị thần Horus và được nghe kể về nữ tu sĩ Bentreshyt ở đền Seti I tại thành phố Abydos, Thượng Ai Cập. Bentreshyt chính là kiếp trước của Dorothy, có xuất thân bình dân với mẹ là người bán rau còn cha làm lính cho nhà vua. Năm Bentreshyt lên ba tuổi, nàng được đưa vào đền Kom-el-Sultancha để trở thành một nữ tu sĩ.

Khi trưởng thành, Bentreshyt đã thề nguyện làm trinh nữ thánh hiến để thờ phụng thần Osiris, tuy nhiên khi vua Seti I đến ngôi đền và gặp gỡ, nàng đã phản bội lời thề khi yêu rồi hiến dâng thân xác của mình cho nhà vua. Bentreshyt đã khai điều này với Quan tư tế và để bảo vệ danh tính, tránh tai tiếng cho Seti I, nàng đã chọn cách hy sinh là tự sát, kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 15.

Tật mộng du và sự la hét trong đêm tối
khi gặp ác mộng của Dorothy đã khiến bà bị đưa vào viện điều dưỡng, điều trị tâm thần nhưng
tình hình không khả quan. Dorothy vẫn chìm đắm trong thế giới về Ai Cập cổ đại
của bà.

Gắn kết cuộc đời với Ai Cập và ngành khảo cổ học mãi mãi

Năm 1931, Dorothy chuyển đến Ai Cập sau khi kết hôn với Emam Abdel Meguid, một giáo viên người Anh. Hai người sống ở Cairo và có với nhau một đứa con trai, cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài được 5 năm thì chia tay, người chồng Meguid phải chuyển công tác, giảng dạy tại Iraq trong khi đó Dorothy không muốn rời xa Ai Cập nên họ ly hôn, đứa con trai có tên Seti (đặt tên theo Pharaoh Seti I) ở lại cùng với bà.

Năm 1937, Dorothy chuyển đến sống ở làng Nazlat el-Samman bên cạnh kim tự tháp Giza. Kể từ bà bắt đầu dấn thân vào công việc làm phụ tá cho công trình khảo cổ học, khai quật những hầm mộ, di tích lịch sử quan trọng liên quan đến Pharaoh Seti I.

Bà đã có công lớn trong việc giúp nhà khảo cổ học Selim Hassan trong việc khai quật, kiểm tra và dịch thuật các văn bản cổ sang tiếng Anh. Mặc dù có học thức hạn chế và chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ nhưng với những ký ức về tiền kiếp của mình mà Dorothy dễ dàng phác họa, viết nên những tài liệu bao quát, chính xác về Ai cập cổ đại.

Đền Seti I

Năm 1956, khi đã 52 tuổi Dorothy chuyển đến Abydos, gần Đền thờ Seti I để tiếp tục công việc phác thảo cổ vật. Bà đã chỉ ra những vị trí, hình ảnh các bức tranh được vẽ tại căn phòng tối trong đền Seti I một cách chuẩn xác trước sự kinh ngạc của đoàn khảo cổ. Ở thời điểm đó các bức tranh và vị trí cổ vật trong đền chưa từng được công bố trong bất kỳ tài liệu nào nhưng Dorothy đã chỉ ra chính xác đúng như nghiên cứu mặc dù đó là lần đầu tiên bà bước vào căn phòng.

Từ đó, Dorothy đã dùng hồi ức tiền kiếp của mình để giúp giới khảo cổ tìm ra những di tích lịch sử quan trọng như khu vườn nằm bên cạnh ngôi đền Seti I, vị trí đền Osirion phía sau đền Seti I. Những ký hiệu, hình ảnh cổ đều được bà giải mã, Dorothy biết trước nội dung trên các văn tự cổ dù chưa nhìn qua chúng hay những địa điểm, cổ vật bị thất lạc đều được bà xác định địa điểm khai quật một cách chính xác đến từng chi tiết. Dorothy được xem người dẫn đường, giúp giới khảo cổ học khám phá về nền văn minh cổ đại của Ai Cập.

Đền Osireion

Bà rất nổi tiếng trong ngành khảo cổ, khiến mọi người tôn trọng lẫn kinh sợ với như: trò chuyện, yểm bùa và điều khiển rắn hổ mang, ngâm mình trong làn nước ở đền Osireion để chữa bệnh vì bà cho biết làn nước thần thánh ở điện thờ sẽ chữa được bệnh viêm khớp và bệnh viêm ruột thừa, bà còn tự chữa bệnh nhiễm trùng mắt khi đứng trước các bức tường của ngôi đền Osireion và đọc những dòng chữ được cho là câu thần chú khắc trên đó.

Mộ phần của Dorothy Louise Eady

Vào ngày 21 tháng 4 năm 1981, Dorothy người được biết đến với cái tên Om Seti đã qua đời ở tuổi 77, mộ phần của bà chôn cất tại nghĩa trang Coptic, Abydos, Ai Cập.

Câu chuyện của Dorothy vẫn là một nghi vấn có phải kiếp trước của bà chính là Bentreshyt, người tình của Pharaoh Seti I và kiếp này bà được thần linh gửi đến để dẫn dắt nhân loại khai phá ra nền văn minh Ai Cập cổ? Hay Dorothy chỉ là một kẻ lừa đảo, vận dụng các kiến thức khảo cổ một cách tài tình để đóng kịch thu hút sự chú ý của thiên hạ? Dù sự thật là gì thì có một điều không thể phủ nhận Dorothy Louise Eady là người đàn bà kỳ lạ đã góp phần giúp thế giới Ai Cập cổ đại.

Đọc thêm:

 

Leave a Reply