Hoa Mộc Lan là một cái tên nổi tiếng trong các tác phẩm văn học, điện ảnh. Nhân vật này xuất hiện lần đầu tiên trong một truyện thơ mô tả nàng vào thời Bắc Ngụy, khoảng năm 386 đến năm 534.
Kể từ đó, câu chuyện về nàng Mộc Lan thay cha đi đánh giặc được lan truyền trong dân gian; có rất nhiều phiên bản về nàng và những truyện kể đó không lãng mạn hay có một cái kết đẹp như phim ảnh. Dưới đây là một số giai thoại có phần bi kịch về Mộc Lan, nữ chiến binh huyền thoại của đất nước Trung Hoa.
Mộc Lan đã là một chiến binh trước khi thay cha ra trận
Trong những chuyện phổ biến về Mộc Lan được ghi chép bởi một người có tên là Xu Wei có viết rằng: Mộc Lan đã biết võ thuật và luyện tập như một chiến binh trong nhiều năm trước khi nàng tòng quân.
Khi còn nhỏ cha Mộc Lan đã dạy võ thuật cho nàng cho nên nàng có ý chí và sức mạnh kiên cường như một trang nam nhi, uy dũng, không hề sợ hãi trước quân thù. Vì biết đánh võ nên Mộc Lan đã tự tin thay cha mình lên đường tiến quân vào doanh trại quốc gia và trở thành một người lính. Khi ra đi, nàng đã thề rằng: Con ngựa của ta sẽ phi như gió để giành chiến thắng trong chiến trận.
Có phiên bản khác thì miêu tả rằng Mộc Lan còn có một người em trai nhưng nó còn quá nhỏ để đi lính còn cha nàng thì đã già yếu. Trước tình cảnh đó, Mộc Lan đã thay những người đàn ông trong gia đình ra chiến trường, thực hiện nghĩa vụ đi lính.
Theo phim ảnh, sách truyện thì hầu hết đều đề cập đến tình tiết là Mộc Lan lén lút, giấu gia đình để đi tòng quân nhưng trong bài thơ xưa về nàng thì lại khác. Tác phẩm mô tả rằng Mộc Lan đi mua sắm đồ vật để đi lính và cha mẹ nàng biết điều đó. Nội dung của bài thơ như sau:
Ở chợ Đông, nàng mua một con chiến mã
Ở chợ Tây, nàng mua một cái yên ngựa
Ở chợ Nam, nàng mua dây cương
Ở chợ Bắc nàng mua một cây roi da.
Lúc cải trang thành nam nhi Mộc Lan đối mặt với rất nhiều khó khăn khi sinh hoạt trong quân đội như việc đi vệ sinh, tắm rửa…Nàng còn phải che giấu bàn chân của mình, được biết người Trung Quốc xưa có tục lệ bó chân khiến bàn chân bị biến dạng, co quắp lại để trông nhỏ hơn.
Có phiên bản kể rằng để vào trại lính, Mộc Lan đã tháo những lớp vải bó chân, điều đó được cho là cấm kỵ với nữ giới. Việc nàng đi lính đã phá vỡ rất nhiều quy tắc phong kiến xưa với phụ nữ và khi bị lộ tẩy thân phận Mộc Lan sẽ bị xử tội chết.
Mộc Lan không phải là nữ chiến binh duy nhất trong câu chuyện kể về nàng
Trong một truyền thuyết được kể vào thế kỷ 17 có kể lại việc Mộc Lan kết bạn với một công chúa chiến binh có tên Dou Xianniang. Xianniang được miêu tả là nữ tướng dũng mãnh, người đã đánh bại và bắt sống Mộc Lan về doanh trại của cô. Xianniang đã đối xử với Mộc Lan như một nô lệ, sỉ nhục và hành hạ nàng nhưng sau đó tấm lòng hiếu thảo của Mộc Lan đã khiến Xianniang cảm động.
Khi bị bắt xử tử, Mộc Lan đã van xin Xianniang cho phép nàng về thăm nhà, tiễn biệt người thân sau đó Xianniang có thể mặc sức chém giết, tra tấn nàng. Sự cầu xin táo bạo và tấm lòng hiếu thảo của Mộc Lan khi nghĩ về gia đình khiến Xianniang suy nghĩ khác, nữ tướng nhận thấy sự dũng cảm, chân thành nơi người con gái của miền đất Bắc này và đã tha mạng cho nàng rồi kết làm bằng hữu với Mộc Lan.
Sau khi trở về từ chiến trận, Mộc Lan đã đối mặt với bi kịch và kết thúc cuộc đời trong đau thương
Trong cuốn tiểu thuyết ở thế kỷ 17 có tựa đề là Sui Tang Yanyi đã kể rằng sau khi trải qua những năm tháng trên chiến trường Mộc Lan đã trở về nhà nhưng gia đình không còn như xưa. Cha nàng đã qua đời và mẹ nàng thì tái hôn với người khác.
Bản thân Mộc Lan bị ép gả làm vợ lẽ cho một người Thổ Nhĩ Kỳ, điều này khiến Mộc Lan cảm thấy xấu hổ nên nàng đã tự kết liễu đời mình.
Trong một số phiên bản khác viết rằng khi Mộc Lan trở về từ trận chiến nàng đã bị ám ảnh bởi những gì đã chứng kiến trên chiến trường, nàng gặp ác mộng thường xuyên và bị trầm cảm nặng. Cuối cùng để giải thoát cho chính mình nàng đã tử tự.