Thời gian gần đây, người dùng trên Quora – một trang web hỏi đáp (Q&A) đang xôn xao tìm kiếm câu trả lời dành cho câu hỏi: Có đúng là một số người ở Nhật Bản trả tiền để được ăn phân của những người phụ nữ chỉ tiêu hóa mỗi hoa quả trong vòng một tuần, hay đó chỉ là truyền thuyết đô thị?
Thật bất ngờ và cũng thật kỳ dị, mọi câu trả lời đều đồng ý đây đúng là sự thật! Một thành viên có tài khoản ẩn danh kể rằng:
“Bạn tôi có một người bạn Nhật Bản vô cùng giàu có, ông này đã chi tiền cho một người phụ nữ để được ăn… phân cô ấy. Sau quá trình ăn theo chế độ riêng, cô ấy được đưa đến chỗ bạn bè của tôi. (Sau đây là những gì ông kia nói với tôi, không có lý do gì để lão đấy bốc phét đâu). Bọn họ thực sự thấy chúng có hương vị giống hệt như dâu tây, nhưng kết cấu tất nhiên là phân rồi.”
Một người dùng có tên George Sawyer kể câu chuyện khác:
“Bạn có thể tìm thấy thông tin trong cuốn ‘Pink Samurai’ của Nicholas Bornoff (xuất bản năm 1991). Ông ấy có trích dẫn chuyện này trong một tạp chí dành cho phái mạnh đương thời có tên là Brutus. Những người đàn ông trả rất nhiều tiền cho một bữa ăn mà người phụ nữ vô cùng xinh đẹp trèo lên giữa bàn rồi đi vệ sinh trên đĩa. Sau đó, chất thải được chia đều cho mỗi người trong bàn. Những người tham dự cho hay phân có mùi như nước hoa hay mùi hương trầm vậy.
Đây có thể là sự hồi sinh hoặc kế cận phong tục một số tu viện Phật giáo thời trung cổ, nơi những người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp được sử dụng một chế độ ăn uống đặc biệt, bao gồm những rau quả vô cùng quý hiếm để phân họ có mùi hương trầm – điều các bậc cao niên vô cùng “ưa thích”.
Ngoài đất nước Phù Tang với cách ăn uống kì dị, Trung Quốc không hề kém cạnh trong khoản chế biến thực phẩm khiến người nghe phải thảng thốt. Một trong những món ăn được chế biến theo cách vô cùng đặc sắc đó là Trảm Mã trà. Đúng như tên gọi, loại trà này dùng ngựa làm vật truyền dẫn.
Tương truyền ở núi Vu Sơn (Tứ Xuyên,Trung Quốc), những con ngựa sau khi bị bỏ đói 2 ngày sẽ được thả rông, chạy vào trong rừng trà, nơi có thật nhiều búp non hấp dẫn. Chúng sẽ ăn những búp trà ngon lành cho tới lúc bụng no căng.
Khi ngựa đã ăn no, tốp mã phu tập trung chúng lại dẫn xuống khe suối quanh núi. Nước suối ở đây do xác trà rụng xuống nát mủn, nước đặc sánh, màu đen nên được gọi là suối Ô Long. Ngựa vục đầu uống nước suối Ô Long thỏa thích. Sau đó, các mã phu cưỡi ngựa trở về điểm xuất phát. Thời gian đi đường khoảng một ngày, đủ để búp trà trong bụng ngựa thấm với nước suối Ô Long lên men. Về đến nơi đã định, mã phu lập tức giết bầy ngựa, mổ bụng moi trà từ bao tử của ngựa ra, đem đến lò sao tẩm chế biến. Trà đã được ngựa nhai kỹ khỏi phải vò nát, nước suối thấm từ trong bao tử giúp trà giảm độ chát. Trảm Mã trà vì vậy có hương vị vô cùng độc đáo, độ chát vừa phải.
Trảm Mã trà vừa được thực hiện công phu, lại vừa tàn nhẫn khi ra tay với những con ngựa vô tội. Tương truyền vào thời nhà Trần, vị vua nhân đức đã truyền lệnh đem tất cả số trà Trảm Mã nấu thành nước và đổ cả xuống sông xem như chiêu hồn cho ngựa và kể từ đó cấm ngặt trong dân gian không ai được sản xuất trà kiểu này nữa.
Như vậy, cho dù là trà hay phân, chúng ta cũng đều phải “há hốc mồm” trước sức sáng tạo vô hạn và độ dị của con người.