Menu
in

10 cuộc ‘cách mạng’ logo tưởng không thua mà thua không tưởng

Có nhiều lý do vì sao thương hiệu quyết định đổi logo. Vì công ty thay đổi chiến lược kinh doanh, tái định vị thương hiệu, hoặc vì logo này có tuổi đời gọi bằng “bà nội” và đã đến lúc thương hiệu cần một hình ảnh tươi trẻ hơn, hiện đại hơn.

Nhưng không phải lần thay đổi nào cũng thành công. Có những trường hợp sau khi sửa logo, khách hàng lập tức la ó phản đối, quay lưng tẩy chay, doanh số bán hàng lẹt đẹt chưa từng có.

Dưới đây là 10 trường hợp tiêu biểu nhất.

1. MasterCard

MasterCard nổi tiếng với logo hai vòng tròn lồng nhau, gam màu nổi bật, tên thương hiệu màu trắng ở chính giữa. Một thiết kế mang tính tiên phong và hiện đại vào thời điểm những năm 90.

Năm 2006, MasterCard quyết định sửa logo. Thông thường, logo mới sẽ đơn giản hơn và vẫn giữ những yếu tố cơ bản của logo cũ. Riêng MasterCard chơi trội đi ngược lại.

Nhiều người nhận xét hình ảnh mới của MasterCard trông màu mè và hỗn loạn như tình trạng suy thoái kinh tế. Sau 10 năm bị khách hàng sỉ vả, MasterCard cuối cùng cũng trở về với thiết kế ban đầu.

Logo siêu tối giản hiện nay của MasterCard.

2. NBCUniversal

Nhắc đến NBCUniversal, chúng ta sẽ nhớ ngay logo con công cực kỳ nổi bật. Năm 2011, NBCUnviersal quyết định đổi sang một thiết kế… nhàm chán hơn.

Ở logo mới, hình con công và vòng tròn bị xóa bỏ hoàn toàn. Thay vào đó là một khối chữ nhật màu tím trông gò bó, bí bức và tên thương hiệu mang phông chữ Times New Roman đơn điệu không còn gì để nói.

3. GAP

Tháng 10/2010, GAP bất ngờ thay đổi logo. Tên thương hiệu không còn viết in hoa, chữ đậm hơn và một khối vuông màu xanh khó hiểu nằm bên trên phía tay phải.

Việc thay đổi hình ảnh của GAP vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của khách hàng. Một cuộc biểu tình đòi trả lại logo cũ diễn ra mạnh mẽ trên Facebook và Twitter.

Sau vài ngày hứng chịu cơn tức giận của khách hàng và doanh thu lao dốc không phanh, GAP buộc phải trở về logo cũ. Đây quả là một bài học xương máu cho GAP.

4. MySpace

MySpace là mạng xã hội từng làm mưa làm gió trước khi Facebook và Twitter ra đời. Năm 2010, MySpace cảm thấy đã tới lúc họ cần thay đổi diện mạo của thương hiệu.

Khách quan mà nói, logo mới của MySpace độc đáo, sáng tạo và tối giản hơn. Tuy nhiên, người dùng đã gắn bó với logo cũ trong 6 năm và đặc biệt là slogana place for friends” (một nơi dành cho những người bạn). Việc đột ngột chuyển sang logo mới trừu tượng hơn khiến lượt người dùng của MySpace bỗng chốc giảm mạnh.

5. NetFlix

Năm 2011, với mục đích tách riêng hai mảng dịch vụ gồm cho thuê DVD và xem trực tuyến, CEO Reed Hastings của NetFlix quyết định thành lập thêm công ty mới mang tên Qwikster.

Logo của NetFlix từng có một người anh em mang tên rất-khó-đọc.

Thay đổi này khiến khách hàng của NetFlix hết sức bối rối, khó hiểu và cảm thấy vô nghĩa. NetFlix cũng lập tức mất đi hơn 800.000 người sử dụng chỉ vì chiến lược kinh doanh mới này. Chẳng còn cách nào khác, Reed Hastings buộc phải hủy bỏ Qwikster chỉ sau một tháng ra mắt.

6. Capital One

Năm 2008, tập đoàn tài chính Capital One muốn thay đổi logo sao cho trẻ trung, năng động và hiện đại hơn.

Đặc điểm nổi bật nhất của thiết kế mới là hình “bán nguyệt” đỏ chói. Nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh này y chang logo Nike. Dù có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, logo của Capital One vẫn bị khách hàng chê là bắt chước Nike.

Hình ảnh logo “Swoosh” đặc trưng của Nike.

7. Best Buy

Best Buy nổi tiếng với logo hình tag quần áo đơn giản, độc đáo, dễ nhớ, cùng hai tông màu vàng và đen rõ ràng, tươi sáng. Năm 2008, Best Buy cho ra mắt mẫu logo mới thay thế cái cũ.

Hậu quả của hành động “vui tính” này là khách hàng quay lưng và giá trị thương hiệu sụt giảm. Vài tháng sau, Best Buy đành ngậm ngùi đổi về mẫu thiết kế cũ.

8. Kraft Foods

Tuy logo của Kraft Foods không nằm trong nhóm những thiết kế đẹp nhất, nó vẫn là một logo dễ nhận biết, nổi bật và in sâu vào trí nhớ của người tiêu dùng. Nhưng thương hiệu này có lẽ bị ám ảnh về chuyện không được xếp vào hàng ngũ những logo đẹp nhất nên họ đã quyết định phải thay đổi.

Trái với dự đoán, thiết kế mới của Kraft Foods bị đánh giá là màu mè và lộn xộn. Quá nhiều màu sắc và phông chữ chen chúc trong một cái logo bé nhỏ. Sau vài tháng bị khách hàng sỉ vả, Kraft Foods buộc phải quay về logo cũ trước khi họ thật sự có một thiết kế mới khả thi hơn.

9. Animal Planet

Animal Planet là một kênh phát sóng về thế giới động vật rất nổi tiếng. Logo cũ của Animal Planet là một thiết kế điển hình gắn liền với thương hiệu: chú voi, trái đất và màu sắc phù hợp.

Năm 2008, Animal Planet thiết kế lại logo hoàn toàn. Hai hình ảnh biểu tượng biến mất, phông chữ bị chê xấu hơn và chữ “M” nằm ngang khó hiểu. Năm 2018, rốt cuộc Animal Planet cũng đổi sang logo mới đẹp đẽ và liên quan hơn.

3 logo của Animal Planet.

10. Pepsi

Pepsi là một trong những thương hiệu có sở thích thay đổi logo. Năm 2008, “vị đại gia” này tiếp tục làm một cuộc “cách mạng” trị giá 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng). Và đây là kết quả:

Logo mới của Pepsi vấp phải nhiều sự chỉ trích từ người tiêu dùng và các chuyên gia kinh tế. Họ cho rằng logo này không đáng với số tiền khổng lồ Pepsi bỏ ra. Phải chăng đây chính là “khoái cảm” tiêu tiền của một thương hiệu triệu đô mà người bình thường không thể lý giải nổi?

Pepsi loay hoay đi tìm hình ảnh thương hiệu trong suốt hơn 100 năm qua.

Chỉ là một logo nhỏ nhưng quyền năng của nó vô cùng to lớn. Không phải thương hiệu nào cũng thành công trong công cuộc “biến hình” này.

Năm 2018, Dunkin’US Open là hai trong số ít logo nhận được nhiều lời khen.

Logo mới của Dunkin’ vẫn mang màu sắc cũ nhưng nổi bật và bớt rối mắt, trẻ con hơn. Cái tên rút ngắn cũng là một điểm cộng cho Dunkin’.

Còn logo của US Open được đánh giá là có thần thái và tràn ngập năng lượng hơn so với thiết kế cũ.

Từ giờ khách hàng có thể gọi tên thương hiệu này là Dunkin’.
Rõ ràng logo mới của US Open đẹp và mạnh mẽ hơn nhiều.

Đổi mới logo là một ý tưởng không tồi, nhưng cách thực hiện dở tệ sẽ đem lại nhiều phiền toái cho thương hiệu. Không muốn tự biến mình thành thảm họa, thương hiệu có lẽ nên suy nghĩ chín chắn hơn trước khi bắt tay vào thực hiện, hoặc chí ít cũng có đủ can đảm để sống với logo phiên bản lỗi trong vài năm.

 

Leave a Reply