Thí nghiệm trên được đăng trên Tạp Chí Nhi Khoa và Sức Khỏe Trẻ Em Wiley thuộc Đại học y khoa Hoàng gia Úc. 6 bác sĩ khoa nhi từ Úc và Anh quốc đã tình nguyện nuốt một mảnh ghép vốn là đầu của các nhân vật Lego sau đó tìm trong phân của chính mình để thu hồi lại mảnh ghép đó.
Mục đích của thí nghiệm mang tính trực quan này giúp các bác sĩ đánh giá lại lý thuyết về tác động của dị vật lên khả năng nhu động ruột, cũng như chứng minh rằng đồ chơi như Lego có an toàn cho trẻ em hay không nếu lỡ như chúng nuốt phải.
Bên cạnh đồng xu, các mảnh đồ chơi đứng thứ hai trong số những dị vật mà con trẻ hay nuốt phải. Đa số phụ huynh không có đầy đủ kiến thức về vấn đề này, họ rất lo lắng mỗi khi con mình nuốt phải vật lạ và trở nên lúng túng không biết xử lý ra sao.
Trên thực tế, khi thiết kế ra đồ chơi Lego thì nhà sản xuất đã tính toán để đảm bảo là chúng an toàn, mặc dù vậy nếu có những chuyên gia ở một bên thứ 3 xác nhận khách quan thì phụ huynh sẽ an tâm hơn. Các bác sĩ ở Đại học y khoa Hoàng gia Úc nói:
Chúng tôi sẽ không thể khẳng định bất cứ điều gì chắc chắn về thí nghiệm nếu không trực tiếp thử nó lên chính bản thân mình.
Thế là họ đồng loạt nuốt một mảnh Lego có kích thước 10×10 mm và ghi lại qua một video thú vị.
Sau đó, họ cẩn thận kiểm tra phân của chính mình mỗi ngày để tìm và ghi nhận thời gian mà mảnh Lego được thải ra khỏi cơ thể. Kết quả tương đối cho thấy chúng sẽ được thải ra cùng với phân sau khoảng 1,71 ngày, tức 41 giờ.
Một trong số 6 bác sĩ thực hiện thí nghiệm này là Grace Leo, cô cho biết:
Tôi không nhớ là đã nuốt phần Lego của mình trước hay sau khi ăn sáng nhưng chúng tôi đều thống nhất sẽ nuốt nó cùng một cốc nước trong khoảng 7 đến 9 giờ sáng theo múi giờ nơi mỗi người đang ở.
Theo ghi nhận, không có người nào tham gia thí nghiệm gặp phải các vấn đề về tiêu hóa hay bị đau bụng. Grace cho biết thêm:
Mảnh Lego được thải ra sau 1 hoặc 3 lần đi ”nặng”. Chỉ riêng có một trường hợp là nhà nghiên cứu Damien Roland đã không tìm được mảnh ghép trong phân của anh.
Báo cáo của thí nghiệm cũng phỏng đoán rằng trong trường hợp một đứa trẻ nuốt phải mảnh ghép, chúng sẽ thải ra trong thời gian sớm hơn người lớn vì ruột của trẻ cũng ngắn hơn và hoạt động tiêu hóa diễn ra nhanh hơn.
Trên trang Twitter cá nhân, bác sĩ Tessa Davis – Cố vấn cấp cứu nhi khoa tại Bệnh viện Hoàng Gia Luân Đôn đăng link về thí nghiệm kèm hình ảnh có caption như sau:
Chúng tôi đã mò mẫm trong đống phân của chính mình rồi, các bạn không cần phải làm như thế nữa.
We’ve finally answered the burning question – how long does it take for an ingested lego head to pass?
THIS is dedication to paediatrics – but it was worth it to advance science and paediatric emergency care.
— Tessa Davis (@TessaRDavis)
Bác sĩ Damian Roland chia sẻ rằng thí nghiệm dí dỏm này ngoài việc chứng minh những lý thuyết chuyên môn để làm yên lòng các phụ huynh có con em nhỏ tuổi thì cũng hiệu quả khi nhắc nhở và phổ cập kiến thức cho họ.
Chúng ta cần biết rằng thứ gì thì nguy hiểm cho trẻ, thứ gì thì không để có thái độ phản ứng phù hợp.
Roland không quên dặn dò:
Hãy tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia y tế nếu con bạn nuốt thứ gì đó sắc cạnh, dài hơn 5cm và rộng hơn 2,5cm, có từ tính, hình dạng đồng xu, pin cúc áo hoặc cảm thấy đau…
Ngoài ra, những mảnh nhựa trơn, nhỏ như Lego thì an toàn.