Bạn sẽ phải bất ngờ bởi những điều vốn tin là đúng lại hoàn toàn không phải như vậy trong bài viết dưới đây.
1. Chiều cao của hoàng đế Napoléon
Hầu hết mọi người đều cho rằng hoàng đế Napoléon có chiều cao rất hạn chế, nhưng chúng ta đã lầm to vì sự thật hoàn toàn không phải như vậy!
Hoàng đế Napoléon của Pháp không chỉ nổi tiếng với những chiến tích hào hùng trong lĩnh vực quân sự mà còn vì thân hình thấp bé, nhỏ con của mình. Trong các tác phẩm, những bức vẽ hay trong những câu chuyện mà mọi người thường kể lại thì hầu hết tất cả đều cho rằng Napoléon là một người đàn ông rất thấp và chỉ cao chưa đến 1m5.
Tất nhiên điều này là hoàn toàn trái với sự thật vì theo nhiều tài liệu của Pháp ghi chép, chiều cao thật sự của Napoléon là khoảng từ 1m68 đến 1m7. Chiều cao của nhà cầm quân danh tiếng này được cho là còn cao hơn cả chiều cao trung bình của những người đàn ông Pháp lúc bấy giờ.
Chính vì bởi có quá nhiều lời đồn về chiều cao “nấm lùn” của Napoléon nên rất nhiều người thậm chí cả các thế hệ sau này đều lầm tưởng Napoléon là một người đàn ông hết sức thấp bé.
Nguyên nhân của những lời đồn thất thiệt này được cho là do những kẻ có thù hằn với Napoléon bịa ra và lan truyền để nói xấu vị hoàng đế này. Một số khác thì cho rằng do Napoléon thường xuyên đứng chỉ huy bên cạnh những binh lính cao to, vạm vỡ nên mọi người nghĩ rằng ông rất thấp và nhỏ bé.
2. Kim cương là thứ quý hiếm nhất trên thế giới
Trên thực tế, đây là một câu nói đã lừa dối hàng triệu triệu con người trên toàn thế giới, bởi vì kim cương không hiếm và quý giá như chúng ta thường nghĩ.
Kim cương là một trong những dạng vật chất tự nhiên cứng nhất được tìm thấy trên trái đất. Nó được sử dụng cho hai mục đích chính là để chế tác trang sức và sử dụng trong công nghiệp.
Trước hết, nếu kim cương được sử dụng vào mục đích công nghiệp thì giá trị của nó là không quá cao, nhưng nếu là dùng kim cương để làm trang sức thì giá trị của nó cao hơn rất nhiều so với giá trị thực sự của một viên kim cương. Dù hai loại kim cương cương được sử dụng trong công nghiệp và làm trang sức không có khác biệt nhiều về giá cả.
Tất nhiên trong tự nhiên trữ lượng kim cương cũng không phải là quá khan hiếm để những viên kim cương có giá cả đắt đến như vậy. Kim cương cũng giống như những món đồ hàng hiệu. Người dùng sẽ phải tiêu tốn một số tiền vượt xa giá trị thực để có được nó, đơn giản bởi sự đẳng cấp mà nó mang lại. Giá của những viên kim cương thường bị đẩy cao cũng là do lượng cầu vượt xa lượng cung.
Nguyên nhân góp phần tạo nên sự đắt đỏ, có giá trị cao cho những viên kim cương đó là vì sự kiểm soát gắt gao trong khâu khai thác của những ông trùm kim cương, vì những người này biết rằng một khi khai thác quá nhiều thì giá của những viên kim cương sẽ rơi xuống một mức thấp không tưởng được.
Những nhà buôn cố gắng kiểm soát việc khai thác kim cương và làm cho nó trở thành một một thứ đồ quý hiếm và xa xỉ. Về cơ bản, những nhà buôn này thành lập một tập đoàn có tên gọi là De Beers nắm toàn quyền sở hữu và kiểm soát thương mại kim cương trên thế giới và bán kim cương theo chiến lược kiểm soát giá, họ sẽ chỉ đưa ra thị trường một số lượng kim cương hạn chế mỗi năm.
Chính vì sử dụng hiệu quả chiến lược này mà kim cương đã trở thành một thứ xa xỉ phẩm và là một biểu tượng vĩnh cửu trong lòng phái nữ về tình yêu đích thực. Các nhà buôn cũng thu lại được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc bán kim cương hàng năm.
3. Truyền thuyết ngựa gỗ thành Troia
Con ngựa gỗ thành Troia hay còn được nhắc đến là ngựa Tơ-roa là một điển tích văn học nổi tiếng, có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp.
Con ngựa thành Troia là con ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã sử dụng để chiến thắng quân Troia. Sau 10 năm chiến đấu ở thành Troia, quân Hy Lạp biết không thể chiến thắng quân địch bằng sức mạnh quân đội nên đã buộc phải làm theo kế của Odyssey là dỡ tàu ra và lấy gỗ để làm thành một con ngựa, sau đó giả vờ rút khỏi và chỉ để lại một người.
Người này có nhiệm vụ đánh lừa quân Troia, khiến họ tưởng rằng ngựa gỗ là món quà của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy. Nhưng thực chất bên trong con ngựa chứa đầy quân lính. Một khi quân Troia no say sau bữa tiệc chiến thắng, quân Hy Lạp sẽ từ trong bụng ngựa xông ra đánh và mở cổng thành cho quân bên ngoài vào. Nhờ có ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã chiến thắng và hoàn toàn đánh bại quân địch.
Rất nhiều người lầm tưởng đây là một câu chuyện có thật, nhưng trên thực tế đây chỉ là thần thoại mà thôi. Nếu ai đó tinh ý sẽ có thể đoán ngay ra rằng nó là một điều phi lí, ví dụ như tại sao có quá nhiều binh lính bên trong ngựa gỗ nhưng lại không bị quân Troia phát hiện, hay làm sao để người dân thành Troia tin rằng con ngựa gỗ chỉ là một món quà đền bù của quân Hy Lạp,…