Tờ Smithsonian Magazine thuộc Viện Smithsonian Hoa Kỳ cùng nhiều báo uy tín khác cùng đăng tải thông tin từ nghiên cứu mới nhất của Viện động lực học vũ trụ Colorado, vén bức màn bí mật về một trong những bí ẩn chưa có lời giải đáp trong Chiến tranh Việt Nam.
Năm 1972, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam bắt đầu đi vào giai đoạn ác liệt ”Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ bắt đầu có các động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam.
Từ ngày 16 tháng 4 năm 1972, quân đội Mỹ liên tục rải thủy lôi ở Vịnh Bắc Bộ trải dài từ Hải Phòng đến đảo Hòn La thuộc Quảng Bình nhằm ngăn chặn những ”chuyến tàu không số” chở vũ khí và đạn dược vào miền Nam.
Thế nhưng, không rõ vì sao mà đầu tháng 8, 4000 thủy lôi chìm sâu dưới mặt biển của quân đội Mỹ lại đột ngột kích nổ dù không có bất cứ tàu nào của Bắc Việt đi vào khu vực đó. Sự việc diễn ra cứ như có một thế lực hùng mạnh siêu nhiên nào đó đã hậu thuẫn cho Việt Nam vậy.
Hóa ra điều đó lại là sự thật, sức mạnh bí ẩn đã hủy diệt 4000 thủy lôi kia xuất phát từ Mặt Trời, cách Trái Đất 150 triệu km. Một cơn bão Mặt Trời khủng khiếp mạnh gấp 4 lần bình thường xuất hiện từ đầu tháng đã tạo ra những luồng bức xạ điện từ cực mạnh quét qua Trái Đất một cách dữ dội.
Những quả thủy lôi của quân đội Mỹ vốn được kích nổ bằng cảm ứng điện từ, chúng cảm nhận và phát nổ khi những con tàu sắt chạy ngang bên trên nó. Trong trường hợp này, bức xạ từ trường từ cơn bão Mặt Trời đã đủ sức đánh lừa cảm biến của những quả thủy lôi và kích hoạt chúng dẫn đến gây nổ hàng loạt như hiệu ứng domino.
Giáo sư Delores Knipp ở Đại học Colorado Hoa Kỳ, người đã theo dõi sự kiện từ những năm 1972 tới nay cho biết:
Sự kiện năm 1972 ghi nhận siêu bão Mặt Trời thứ hai trong lịch sử, tương đương với lần đầu xảy ra năm 1859.
Theo giáo sư Knipp, bức xạ từ Mặt Trời phóng thẳng tới Trái Đất sau 15 giờ. Tại thời điểm đó, nước Mỹ đang nằm ở nửa kia của Trái Đất và chìm trong màn đêm, trong khi nửa còn lại của Trái Đất được chiếu sáng đã nhận hoàn các bức xạ này. Ở Nhật Bản, các kết quả X quang ở bệnh viện đã bị sai lệch bởi bức xạ từ trường, ở Việt Nam, các thủy lôi phát nổ là bằng chứng cụ thể nhất.
Tiến hành điều tra kỹ hơn và thu thập các tài liệu làm bằng chứng, giáo sư Knipp tìm thấy ghi chép của một sĩ quan chỉ huy hải quân Mỹ hiện đã về hưu về sự kiện trên. Giáo sư Knipp gửi mail để hỏi chi tiết về vụ việc và được sĩ quan kia (lúc ấy là một sĩ quan trực radio trên tàu chiến) giải thích:
Lúc đó tàu của chúng tôi đang ở Vịnh Bắc Bộ, trong ca trực của tôi. Và tất cả mọi thiết bị bỗng nhiên bị vô hiệu. Chúng tôi phải mất đến 18 giờ tiếp theo để phục hồi các phương tiện truyền thông và liên lạc được với sở chỉ huy tại Nhật Bản rồi đánh giá thiệt hại.
Như vậy, không chỉ kích nổ thủy lôi, xung điện từ của bão Mặt trời còn ảnh hưởng đến những thiết bị điện khác của con người. Giáo sư Knipp nhấn mạnh rằng nghiên cứu này có giá trị không chỉ giải thích được các sự kiện trong quá khứ mà còn giúp chúng ta có nhiều biện pháp để phát triển công nghệ trong tương lai.
Hiện tại, nếu con người muốn đi xa hơn để khám phá không gian, chúng ta phải chế tạo được những con tàu có khả năng chịu được bức xạ bão Mặt Trời. Vì chúng hoàn toàn có khả năng hủy diện các thiết bị và giết chết những phi hành gia.