Cái tên “cá mặt thỏ” khá xa lạ với người dân vùng cao hoặc đồng bằng, tuy nhiên ngư dân vùng ven biển từ Đà Nẵng với Bà Rịa – Vũng Tàu thì không lạ gì với loài cá này. Mới đây một bệnh nhân nam giới, 36 tuổi ở Quận 2 Tp. Hồ Chí Minh đã bị liệt tứ chi sau khi ăn bao tử cá mặt thỏ, may mắn được các y bác sĩ ở Tp. HCM kịp thời cứu sống.
Vụ việc khiến từ khóa “cá mặt thỏ” nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người hiếu kỳ đặt câu hỏi cá mặt thỏ là cá gì và nó độc như thế nào. Thực ra, cá mặt thỏ chính là cá nóc thuộc họ Lagocephalus, họ này bao gồm 8 loài. Đặc trưng là có phần đầu, mặt và bộ răng như răng cửa của loài thỏ, răng này rất sắc bén và có thể cắn đứt lưới của ngư dân.
Bệnh nhân ở Quận 2 có lẽ đã ăn phải loài Lagocephalus sceleratus – một loài khá to thường được ngư dân khai thác để lấy phần da có giá trị kinh tế cao (sử dụng để bào chế thuốc collagen), còn phần thịt bán với giá dao động từ 200.000 – 300.000 VNĐ/kg. Ở các địa phương vùng duyên hải Việt Nam, đôi khi cá mặt thỏ được gọi là cá nóc mú.
Cá mặt thỏ là loài cá phổ biến, dễ đánh bắt khi kéo lưới, đôi khi vô tình câu phải. Thịt cá mặt thỏ rất ngon, chắc và ngọt, có thể nấu nhiều món nướng, cà ri, hấp… Tuy nhiên, món ăn từ cá mặt thỏ đòi hỏi tay nghề chế biến rất công phu thì mới an toàn, bởi hầu hết các bộ phận của cá mặt thỏ đều có độc.
Thông thường cường độ của nọc độc giảm dần theo thứ tự: trứng, tinh hoàn, nội tạng, da cho đến thịt. Mặc dù thịt có ít chất độc nhất, nhưng vẫn đủ mạnh để gây nguy hiểm tính mạng nếu không được chế biến đúng cách. Trong trường hợp của bệnh nhân ở Quận 2, người này đã ăn phải nội tạng, dẫn đến bị trúng độc độ 4, co giật, tím tái, suy hô hấp, suýt mất mạng.
Theo các chuyên gia hải dương học, nọc độc trong cá mặt thỏ là Tetrodotoxin (còn gọi là TTX) – một loại độc thần kinh mà khoa học chưa tìm ra thuốc giải. Trong trường hợp của bệnh nhân ở Quận 2, bác sĩ chỉ định lọc máu khẩn cấp và cho thở máy, hy vọng nạn nhân sẽ hồi phục nếu chất độc được loại bỏ khỏi máu, tuy nhiên biến chứng là rất khó lường.
Cần lưu ý là Tetrodotoxin là một loại độc rất bền, nấu chín cá thì độc vẫn còn tồn tại một phần trong các cơ quan, ăn phải thì chỉ 5 – 15 phút là trúng độc, trong vòng 4 – 6 giờ nếu nạn nhân không được cấp cứu thì chắc chắn tử vong. Tiên lượng một ca ngộ độc cá mặt thỏ phụ thuộc vào thời gian, càng được chữa trị sớm thì khả năng hồi phục càng cao.