Menu
in

Các sản phẩm đầu tiên của 20 thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trông như thế nào? (Phần 2)

11. Cửa hàng thức ăn nhanh – McDonald’s (1955)

Vào năm 1937, Patrick McDonald mở một quầy bán thức ăn mang tên The Airdrom trên đường Huntington Drive (Tuyến 66) gần sân bay Monrovia (Los Angeles, California). Hotdog là một trong những mặt hàng đầu tiên của cửa tiệm, theo sau đó là bánh mì kẹp thịt (giá 10 cent) và nước cam (giá 5 cent).

Đến năm 1940, hai con trai của ông là Maurice và Richard đã di dời cửa hiệu đến San Bernardino, California. Nhà hàng mới được đổi tên thành McDonald’s Bar-B-Que với thực đơn gồm 25 món và chủ yếu là các món nướng.

Năm 1954, Ray Kroc, một người bán máy trộn hiệu Prince Castle đã ghé thăm nhà hàng của anh em nhà McDonald khi biết họ đang sử dụng tám chiếc máy của mình. Đi cùng ông là Charles Lewis, người đã gợi ý một số cải tiến cho công thức bánh burger của McDonald.

Vô cùng ấn tượng với nhà hàng của hai anh em, Kroc đề nghị thành lập một thương hiệu nhượng quyền quốc gia với cửa hàng đầu tiên đặt tại Des Plaines, bang Illinois (gần khu vực Chicago). Thực đơn ban đầu khá đơn giản với chín món bao gồm các loại bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, sữa lắc, nước trái cây và sữa.

12. Thẻ nhớ – Intel (1969)

Intel do nhà hóa học Gordon E. Moore (được biết đến với “Định luật Moore”) và nhà vật lý học Robert Noyce (người đồng phát minh ra mạch tích hợp) thành lập tại California vào năm 1968.

Thẻ nhớ SRAM 6401 64 bit .

Intel không bắt đầu với việc sản xuất các bộ xử lý mà là các loại thẻ nhớ như SRAM, DRAM và EPROM. Sản phẩm đầu tiên được Intel phát hành là thẻ nhớ SRAM 6401 64 bit vào tháng 04/1969.

13. Dịch vụ thanh toán trực tuyến – PayPal (1998)

Vào tháng 12/1998, công ty Confinity – tiền thân của PayPal – được thành lập và hoạt động như một công ty phát triển các phần mềm bảo mật cho thiết bị cầm tay. Các thành viên đóng vai trò chủ chốt bao gồm Max Levchin, Peter Thiel, Luke Nosek, Ken Howery, Yu Pan và Russel Simmons.

Dịch vụ chuyển tiền PayPal được phát triển và ra mắt tại Confinity vào năm 1999.

Vào tháng 03/2000, Confinity sáp nhập với ngân hàng trực tuyến do Elon Musk sáng lập X.com. Tỷ phú công nghệ cảm thấy vô cùng lạc quan về thành công trong tương lai của dịch vụ chuyển tiền mà Confinity đang phát triển.

Vào tháng 10 năm đó, Musk quyết định chấm dứt các hoạt động ngân hàng qua mạng khác của X.com và tập trung vào PayPal. Công ty X.com sau đó được đổi tên thành PayPal vào năm 2001. Đến năm 2002, các giám đốc điều hành của công ty quyết định đưa PayPal chính thức ra mắt công chúng.

14. Dịch vụ blog cá nhân – Twitter (2006)

Twitter hình thành vào năm 2006 khi công ty Odeo nhận ra rằng họ cần phải cải tiến và nảy ra những ý tưởng kinh doanh mới. Lúc bấy giờ, Jack Dorsey giới thiệu hình nhắn tin mới cho phép người dùng giao tiếp với một nhóm nhỏ các người dùng khác.

Những cái tên đầu tiên cho trang web này gồm có “status” và “twttr” cho đến khi cái tên “twitter” được tìm thấy trong từ điển.

Dự án chính thức bắt đầu vào ngày 21/03/2006 khi Dorsey công bố thông điệp Twitter đầu tiên “vừa mới thiết lập tài khoản twttr của mình“. Nguyên mẫu của dự án là dịch vụ dành riêng cho nhân viên tại Odeo và được giới thiệu rộng rãi đến công chúng vào tháng 07/2006.

Vào tháng 10/2006, Jack Dorsey, Biz Stone và Evan Williams thành lập tập đoàn Obvious với một số thành viên khác từ Odeo. Sau đó, họ mua lại Odeo từ các nhà đầu tư và các cổ đông khác. Vào tháng 04/2007, Twitter chính thức trở thành một công ty riêng lẻ.

15. Phim hoạt hình Alice Comedies – Disney (1923)

Alice Comedies là một loạt phim hoạt hình được Walt Disney tạo ra vào những năm 1920. Nhân vật chính của truyện là cô bé Alice (Virginia Davis) và chú mèo Julius.

Disney, Ub Iwerks và đội ngũ nhân viên đã thực hiện tập đầu tiên (kéo dài mười phút) của Alice Comedies mang tên Alice’s Wonderland tại xưởng phim Laugh-O-Gram (Kansas, Missouri). Sau khi hoàn thành bộ phim, hãng phim bị phá sản và buộc phải đóng cửa.

Sau đó, với số tiền dành dụm từ việc làm nhiếp ảnh gia tự do, Disney đã mua vé tàu một chiều đến Los Angeles, California để sống với chú Robert và anh trai Roy của mình. Tại đây, ông tiếp tục giới thiệu loạt phim Alice đi khắp nơi với hy vọng đạt được thỏa thuận phân phối. Cuối cùng, loạt phim của ông được ký hợp đồng với hãng phim Winkler Pictures do Margaret J. Winkler và vị hôn thê của bà Charles Mintz điều hành.

16. Nhà phân phối giày Nhật Bản – Nike (1964)

Nguồn gốc của Nike bắt đầu từ một bài tập môn kinh doanh tại đại học Stanford. Lúc bấy giờ, nhà sáng lập Phil Knight nảy ra ý tưởng kinh doanh giày Nhật Bản chất lượng cao với chi phí sản xuất thấp hơn so với các thương hiệu Đức đang thống trị thị trường vào thời điểm đó.

Chân dung cha để của Nike – Phil Knight.

Bài tiểu luận với tiêu đề “Nhìn vào những gì mà máy ảnh Nhật Bản đã làm với máy ảnh Đức, liệu giày thể thao Nhật Bản có thể làm điều tương tự với giày thể thao Đức hay không?” đã truyền cảm hứng cho sự thành lập một doanh nghiệp thực tế vào năm 1964. Công ty Blue Ribbon Sports ra đời và trở thành nhà phân phối cho giày chạy bộ Onitsuka Tiger sản xuất tại Nhật Bản.

17. Quán cà phê – Starbucks (1971)

Cửa hàng Starbucks đầu tiên được khai trương tại Seattle, Washington vào ngày 31/03/1971. Ba nhà sáng lập Jerry Baldwin, Zev Siegl và Gordon Bowker đã được truyền cảm hứng từ nhà kinh doanh cà phê rang Alfred Peet trong lúc ông chia sẻ phong cách rang hạt của mình.

Terry Heckler (đồng sở hữu công ty quảng cáo với Gordon Bowker) cho rằng những từ bắt đầu bằng “st” thường có tác động mạnh mẽ hơn những từ khác. Vì vậy, ba nhà sáng lập đã nghĩ ra một danh sách các từ bắt đầu bằng “st” và cuối cùng lựa chọn cái tên “Starbo” (một thị trấn mỏ trong dãy Cascade). Từ đó, cả nhóm nhớ đến “Starbuck”, một anh thuyền viên trong cuốn sách Moby-Dick và quyết định lấy tên này cho cửa hàng cà phê của mình.

Ông Bowker từng nói, “Moby-Dick không liên quan trực tiếp gì đến Starbucks, chỉ là cái tên này có vẻ có ý nghĩa.”

Cửa hàng Starbucks đầu tiên tọa lạc tại số 2000 Western Avenue (Seatle) từ năm 1971 – 1976. Sau đó, quán này được chuyển đến số 1912 Pike Place. Lúc bấy giờ, cửa hàng chỉ bán hạt cà phê rang xay mà không hề có các thức uống như hiện nay.

18. Mạng xã hội của trường đại học – Facebook (2004)

Facebook lần đầu tiên được biết đến với tên FaceMash vào năm 2003 khi Mark Zuckerberg đang là chàng sinh viên năm hai tại đại học Harvard. Trang web này được thiết kế như một loại trò chơi dành cho các sinh viên Harvard. FaceMash hiển thị hai bức ảnh của các nữ sinh viên cạnh nhau và cho phép khách truy cập quyết định ai là người nóng bỏng hơn.

Đến năm 2004, trang web được Zuckerberg, Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris Hughes cùng nhau mở rộng và đổi tên thành TheFacebook.

Ban đầu, quyền đăng ký thành viên chỉ được giới hạn trong phạm vi các nhà sáng lập và cộng đồng sinh viên Harvard. Sau đó, trang web dần mở rộng phạm vi sang các trường đại học khác trong khu vực Boston, Ivy League và hầu hết các trường đại học ở Hoa Kỳ và Canada cũng như các tập đoàn. Đến tháng 09/2006, mọi cá nhân từ 13 tuổi trở lên với một địa chỉ email hợp lệ đều có thể là thành viên của Facebook.

19. Trò chơi Zombi – Ubisoft (1986)

Ubisoft Entertainment là một công ty trò chơi điện tử của Pháp có trụ sở tại Montreuil do gia đình nhà Guillemot sáng lập.

Gia đình Guillemot bắt đầu kinh doanh các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp ở tỉnh Brittany, tây bắc nước Pháp từ nhiều năm về trước. Năm người con trai Christian, Claude, Gérard, Michel và Yves đã phụ giúp việc bán hàng, phân phối, kế toán và quản lý công ty cùng với cha mẹ từ trước khi vào đại học.

Zombi là một trong những mặt hàng đầu tiên của Ubi Soft vào năm 1986.

Vào thời điểm mà hoạt động nông nghiệp bắt đầu suy yếu dần, năm anh em nảy ra ý tưởng đa dạng hóa các sản phẩm của công ty từ CD, máy vi tính, phần mềm đến trò chơi điện tử.

Đầu những năm 1980, năm anh em bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình mà không có sự tham gia của bố mẹ. Họ thành lập công ty đầu tiên mang tên Guillemot Informatique vào năm 1984. Đến năm 1986, tổng doanh thu của công ty rơi vào khoảng 40 triệu franc (khoảng 5,8 triệu USD vào thời điểm đó).

Vào năm 1985, tập đoàn Guillemot ra đời và tiếp tục việc phân phối phần cứng máy tính. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, anh em nhà Guillemot nhận ra rằng phần mềm trò chơi điện tử đang trở thành một con gà đẻ trứng vàng và quyết định tham gia vào thị trường này. Vào ngày 28/03/1986, Ubi Soft ra đời với tên gọi mang ý nghĩa “phần mềm có mặt ở khắp mọi nơi“.

20. Trò chơi Hard Hat Mack – EA (1982)

Hard Hat Mack là một nền tảng trò chơi được Michael Abbot và Matthew Alexander phát triển cho Apple II. Được phát hành vào năm 1983, đây là một trong năm trò chơi đầu tiên của Electronic Arts và được họ gọi là “những trò chơi thực thụ đầu tiên của EA“.

Bốn cái tên còn lại trong danh sách này là Archon: The Light and the Dark, M.U.L.E, Worms?Axis Assassin.

 

Leave a Reply