Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong thời gian vừa qua, rất nhiều trường Đại học trong cả nước đã có những kế hoạch giảm hoặc hỗ trợ học phí cho các sinh viên, tạo điều kiện cho các em có thể tiếp tục học tập trong giai đoạn khó khăn.
Thế nhưng mới đây, cư dân mạng đã được một phen “ngỡ ngàng” khi thấy một sinh viên gửi… gần 2 tỉ đóng tiền học cho trường.
Trên fanpage UET Confessions, một bức hình chụp từ trang tin tức của trường Đại học Công Nghệ – ĐH Quốc gia HN về danh sách những sinh viên chưa hoàn thành đóng học phí học kỳ II năm học 2019-2020. Tin tức vốn bình thường nhưng dòng ghi chú cuối thông báo đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”.
“Có 01 sinh viên đã chuyển tiền học phí vào ngày 01/6/2020, với số tiền là 1.868.650.000đ, nhưng không ghi mã sinh viên, họ tên, nên bộ phận thu học phí không xác định được người nộp. Đề nghị sinh viên liên quan đến phòng thu học phí, đem theo minh chứng để xác nhận việc nộp học phí.”
Con số được nhắc tới khiến ai cũng phải giật mình. Chưa rõ số tiền cụ thể mà sinh viên này cần phải đóng là bao nhiêu, nhưng thông thường, tiền học của một sinh viên tại các trường Đại học công lập trong một năm dao động quanh mức 35-45 triệu (kể cả trường đã tự chủ tài chính).
Thế nhưng anh chàng/cô nàng này đã hào phóng tới mức gửi hẳn một khoản gấp hơn 40 lần trung bình vào tài khoản của trường? Không rõ trong tài khoản của vị “đại gia” này có tổng cộng bao nhiêu tiền mà có thể chuyển nhầm con số khủng đến thế.
Sự việc hy hữu này đã khiến rất nhiều người tò mò thích thú. Trong khi một số cố gắng tìm hiểu xem liệu đây có phải là sự cố ngoài ý muốn hay không, số khác lại cho rằng đây là số tiền được dành tặng cho trường để… xây cổng. Có người còn khẳng định rằng đây là số tiền đóng trước cho… những năm học tiếp theo – có lẽ bao gồm cả tiền học chính và học… lại!
May thay, đến cuối ngày Nhà trường đã kịp thời đính chính sai sót: từ 1.868.650.000đ thành 1.868.650đ và cập nhật trên trang tin tức. Không có vị đại gia bí ẩn nào hết mà có lẽ tối muộn nên các cô Kế toán viên đã quá mệt mỏi “nhìn một đằng, gõ một nẻo” chăng?