Nhịn ăn trong vòng hơn một năm nghe có vẻ giống một chuyện không hề có thật, một số người còn cho rằng đó chỉ là truyền thuyết thời hiện đại. Tuy nhiên, một tạp chí y khoa cũ đã đưa ra bằng chứng khoa học chứng minh rằng có một người đàn ông từng không ăn bất cứ một thứ gì trong vòng 382 ngày mà vẫn còn sống để kể lại quá trình khó tin ấy.
Tạp chí y khoa xuất bản năm 1973 ghi lại câu chuyện khó tin về một người đàn ông 27 tuổi béo phì đến từ Scotland. Anh này đã không ăn uống gì trong tổng cộng 382 ngày liên tục với hy vọng giảm được cân nặng của mình.
Sau thử thách này, anh ta không những sống sót mà còn vô cùng khỏe mạnh khi giảm từ 206kg xuống chỉ còn 81kg. Theo như các bác sĩ ở khoa Y thuộc Đại học Dundee, anh này đã duy trì cân nặng của mình ổn định ở 88kg 5 năm sau khi nhịn ăn.
Các bác sĩ đã viết vào thời điểm trường hợp này được công bố: “Vài năm trước đây, một thanh niên siêu béo phì đã tự điều trị cho mình. Ban đầu, anh ta không có ý định sẽ nhịn ăn dài ngày nhưng từ khi thấy mình có thể thích nghi rất tốt cộng thêm khát khao có được cân nặng ‘lí tưởng’, chàng thanh niên đã kéo dài thời gian nhịn ăn và trở thành người nhịn ăn lâu nhất được ghi vào kỉ lục Guinness năm 1971.”
Người đàn ông này không hề ăn bất kì thực phẩm rắn nào. Anh ta chỉ sống dựa vào nguồn chất béo dồi dào và sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung kali, natri và men. Đây là những chất cần thiết cho các chức năng sinh học bên trong cơ thể. Chính vì điều này, sự thải chất bã của anh ta không diễn ra thường xuyên (hay phải nói là rất ít). Theo như các bác sĩ, cơ chế này chỉ xảy ra 37 đến 48 ngày một lần.
Để kiểm soát sức khỏe của mình trong cả quá trình, bệnh nhân Angus Barbieri đến bệnh viện thường xuyên để làm các xét nghiệm về máu và nước tiểu. Các bác sĩ sẽ sử dụng kết quả này để hướng dẫn Angus bổ sung các chất và khắc phục những thiếu sót. Nghe có vẻ bất ngờ, nhưng kế hoạch này thật sự có hiệu quả và sức khỏe của Angus luôn được duy trì ở tình trạng tốt.
“Mặc dù bị hạ đường huyết nhưng bệnh nhân vẫn không có triệu chứng gì đáng lo ngại: cảm thấy khỏe mạnh và đi lại bình thường”
Vậy làm sao một người có thể vẫn khỏe mạnh trong khi không hề ăn suốt 382 ngày? Năm 2012, tiến sĩ khoa học người Úc, Karl Kruszelnick đã giải thích về trường hợp này trên trang web khoa học của đài phát thanh Úc.
Về cơ bản, tiến sĩ khẳng định Angus có thể sống được là nhờ chất béo dự trữ trong cơ thể đóng vai trò như một nguồn nhiên liệu cho anh.
“Sau từ hai đến ba ngày nhịn ăn… phần lớn năng lượng của bạn sẽ đến từ mỡ. Các phân tử chất béo sẽ phân hủy thành hai chất riêng biệt: glycerol (có thể chuyển hóa thành glucose) và các axit béo tự do (có thể chuyển hóa thành những chất gọi là ketone). Cơ thể của bạn, bao gồm cả bộ não có thể hoạt động bằng glucose và ketone cho đến khi bạn hết chất béo dự trữ.”
Theo tờ Chicago Tribune, thời điểm khi Angus Barberi cuối cùng cũng có một bữa ăn sau 382 ngày, anh đã quên mất hương vị của các món ăn. Anh chỉ ăn một quả trứng luộc cùng một lát bánh mì và bơ.
Trả lời các phóng viên, Angus cho biết: “Tôi thích món trứng này và tôi cảm thấy rất no”.
Đây chỉ là một trường hợp hi hữu và việc nhịn ăn thời gian dài như thế hoàn toàn không được khuyến khích. Theo tờ Snopes, nhịn ăn kéo dài rất phổ biến trong thập niên 60 và 70, nhưng sau này không còn được ưa chuộng khi ngày càng có nhiều báo cáo về biến chứng do phương pháp này gây ra hay thậm chí là tử vong. Hiện nay, nhịn ăn kéo dài chỉ được sử dụng dưới chỉ định của bác sĩ như một phần của việc trị liệu và chỉ áp dụng với những bệnh nhân đáp ứng được các tiêu chí y tế nhất định.