Menu
in

Kỳ án Nhật Bản (Phần 7): ‘Hoa hồng của quỷ’ và trò chơi của kẻ bắt chước sát thủ cung hoàng đạo

Vụ án “hoa hồng của quỷ” ở Kobe, Nhật Bản còn được gọi là “vụ sát hại trong trường học ở Kobe” xảy ra vào năm 1997 ở các trường tiểu học và trung học tại Nhật Bản. Nạn nhân là cô bé 10 tuổi Ayaka Yamashita và cậu bé 11 tuổi Jun Hase.

Hung thủ cuối cùng được xác định là Shinichiro Azuma – nam sinh 14 tuổi, đam mê bắt chước sát thủ Cung Hoàng Đạo (Zodiac Killer) nổi tiếng ở Mỹ. Vụ việc gây tranh cãi gay gắt khi kẻ thủ ác còn quá trẻ nhưng lại ra tay vô cùng tàn nhẫn.

Chân dung “hoa hồng của quỷ” – kẻ bắt chước “sát thủ Cung Hoàng Đạo” lại là một nam sinh 14 tuổi.

Diễn biến phức tạp, ám ảnh kinh dị

Ngày Thứ 3, 27 tháng 5 năm 1997, một ngày mà học sinh trường tiểu học Tainohata ở Kobe không thể nào quên, bởi vì chúng đến trường và phát hiện một cái đầu đẫm máu trước cổng. Đó là những gì còn lại của Jun Hase, thủ cấp của cậu bé 11 tuổi đứt lìa do bị cưa, kèm theo nhiều vết cắt xẻo đẫm máu.

Đầu của Hase được để trước cổng trường trước khi mặt trời mọc để học sinh có thể phát hiện khi chúng đến trường, người ta tìm thấy trong miệng của Jun Hase một tờ giấy được viết bằng mực đỏ:

Đây chỉ là khởi đầu của trò chơi… Hãy cố gắng ngăn ta nếu có thể, cảnh sát ngu ngốc… Ta rất muốn thấy mọi người chết, có một sự hưng phấn khi giết người. Một bản án đẫm máu cho bọn mày là cần thiết để bù lại những năm tháng cay đắng của ta.

Thông điệp được ký tên bằng tiếng Nhật và tiếng Anh: “Sakakibara School Killer“. Sakakibara có nghĩa là “tửu quỷ sắc vi”, trong đó sắc vi có nghĩa là “hoa hồng”, cảnh sát Nhật Bản xác định rằng cách thức gây án của sát nhân Sakakibara là bắt chước theo sát thủ Cung Hoàng Đạo nổi tiếng ở San Francisco vào những năm 1960.

Trường tiểu học Tainohata, Kobe, Nhật Bản.

Ngày 6 tháng 6 năm 1997, một bức thư đề tên tác giả là Sakakibara Seito (Tửu Quỷ Sắc Vi Thánh Đấu) gửi đến cho tòa soạn báo Shimbun, viết:

Nào, chỉ là trò chơi sắp bắt đầu mà thôi, ta buộc phải đặt tính mạng mình vào rủi ro, bởi vì ta sẽ bị treo cổ nếu bị bắt. Cảnh sát sẽ giận dữ hơn và truy tìm ta gắt gao hơn, nhưng ta chỉ tìm được bình an khi giết người mà thôi, chỉ khi làm bọn chúng đau thì nỗi đau của ta mới được xoa dịu. Chính hệ thống giáo dục bắt buộc đã khiến ta trở thành kẻ vô hình.

Trong lá thư của mình, hung thủ Sakakibara mạnh mẽ lên án hệ thống giáo dục của Nhật Bản đã gây áp lực lên hắn. Quá hoảng sợ, nhân viên tòa báo Shimbun viết sai tên của Sakakibara thành Onibara (hoa hồng quỷ) khiến hắn trở nên tức giận hơn, hắn viết thêm 1 thông điệp nữa cho tòa báo:

Từ bây giờ, nếu bọn mi đọc sai tên của ta hoặc làm hỏng tâm trạng của ta, ta sẽ giết ba đứa “rau” mỗi tuần… Nếu bọn mi nghĩ ta chỉ có thể giết trẻ em thì nhầm rồi.

Trong thông điệp này, “rau” chỉ những người có khiếm khuyết về mặt tinh thần và thể chất, ví dụ như những đứa trẻ khờ khạo, chậm tiến (tương tự như nạn nhân trước đó Jun Hase – một đứa trẻ thiểu năng), hung thủ Sakakibara thể hiện sự khinh miệt đối với những đứa trẻ khiếm khuyết.

Trong thời gian sau đó, cảnh sát siết chặt vòng vây khiến Sakakibara không thể gây án thêm, hắn ta bị bắt vì sơ hở vào ngày 28 tháng 6, lúc này Sakakibara đã khai nhận với cảnh sát rằng hắn đã dùng búa để sát hại nữ sinh khác trước khi giết Jun Hase, đó là Ayaka Yamashita ở trường trung học Tomogaoka.

Trường Tomogaoka, nơi Ayaka Yamashita bị Sakakibara giết hại.

Sakakibara ghi trong nhật ký về hành vi sát hại Ayaka diễn ra vào ngày 16 tháng 3 năm 1997:

Tôi đã thực hiện các thí nghiệm thiêng liêng ngày hôm nay để xác nhận con người mong manh dễ vỡ đến mức nào… Tôi đã nện cây búa xuống, khi cô gái đó quay lại đối mặt với tôi.

Tôi đã đập đầu cô ta một vài cái nhưng quá hưng phấn để nhớ rõ. Mẹ tôi nói sau khi xem tin tức: “Cô bé đáng thương, cô bé bị tấn công đã chết…”

Không có dấu hiệu gì cho thấy là tôi sẽ bị bắt, cảm ơn Shinigami (thần chết), hãy tiếp tục phù hộ tôi.

Ngoài Jun Hase và Ayaka Yamashita, hung thủ khai nhận đã tấn công 3 cô gái khác vào cùng ngày sát hại Ayaka nhưng đã không giết chết họ.

Tranh cãi

Suốt thời gian bị bắt giữ và xử tội, tên thật của sát thủ Sakakibara không được tiết lộ và được nhà chức trách buộc phải gọi bằng tên mã là Boy A. Vì chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự nên hung thủ chỉ bị quản thúc trong 2 năm. Phán quyết của tòa dẫn đến làn sóng phẫn nộ trong quần chúng bởi vì tội ác của Sakakibara là rất rõ ràng, tàn nhẫn và có chủ đích.

Theo mong muốn của nhân dân, Sakakibara bị bỏ tù mặc dù danh tính thật vẫn không được công khai. Nhà báo Fumihiko Takayama sau đó đã tự ý tiết lộ tên thật của Sakakibara trên mạng nhưng chính quyền không có bất kỳ bình luận nào.

Đến năm 2002, khi mẹ của hung thủ tới thăm hắn trong tù và hỏi rằng hắn có thực sự giết người không, Sakakibara đã quả quyết là chính hắn gây ra tội ác.

Báo chí chỉ đồng ý công bố danh tính của Sakakibara khi hắn làm những việc “mặt dày” quá quắt, khiến người khác kinh tởm.

Vào tháng 6 năm 2015, Sakakibara, khi đó 32 tuổi, đã phát hành một cuốn tự truyện thông qua Nhà xuất bản Ohta có tựa đề Zekka (Tuyệt Ca), trong đó hắn tuyên bố bày tỏ sự hối tiếc về tội ác của mình và kể lại các vụ giết người một cách chi tiết với hình minh họa. Cuốn sách đã bán rất chạy bất chấp phản đối của gia đình các nạn nhân.

Hành vi này khiến người đời thêm phẫn nộ, có kẻ châm biếm rằng mọi tên giết người nổi tiếng ở Nhật (nếu không bị tử hình) đều sẽ kết thúc là tác giả viết sách best seller. Không dừng lại ở đó, Sakakibara còn dựng một trang web đăng hình khỏa thân nam giới, người mẫu trong ảnh được cho rằng chính là bản thân hắn.

Hung thủ bị chụp lén khi đi tàu điện ngầm vào năm 2016, lúc này hắn 33 tuổi.

Bất bình trước hành vi của Sakakibara, tờ báo Shukan Post công bố tên thật của hắn Shinichiro Azuma bao gồm chỗ ở của hắn tại thời điểm đó, điều này buộc Shinichiro Azuma phải thay đổi nơi ở liên tục để tránh bị báo chí vây quanh.

Đọc thêm về loạt bài: .

 

Leave a Reply