Tâm bão Nakri cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 330 km về phía Đông Bắc, sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9), giật cấp 11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định lúc 16h ngày 6/11.
Dự báo 24 giờ tới, bão hầu như ít di chuyển, sau đó đổi ngược hướng vào Nam Trung Bộ với tốc độ khoảng 5 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 10/11, tâm bão ở trên các tỉnh Quảng Ngãi đến Ninh Thuận.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Nakri đang đi trên một vùng ấm, các điều kiện động lực ngay tại khu vực bão cũng rất thuận lợi để tích tụ năng lượng và mạnh lên.
Ngoài ra, không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía Bắc trong ngày mai, áp cao lạnh lục địa dồn xuống phía Nam. Sự kết hợp của không khí lạnh phía Bắc và bão số 6 ở phía Nam tạo ra gió Đông Bắc rất mạnh ở rìa phía Bắc của cơn bão, khiến bão Nakri từ ngày 7/11.
Khối áp cao lạnh sẽ khiến bão Nakri có khả năng mạnh lên cấp 11-12 khi cách đảo Song Tử Tây khoảng 240 km trong ngày 9 và 10/11 (thứ bảy và chủ nhật). Nếu đạt cấp 11 hoặc 12, bão số 6 – Nakri sẽ là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm trên Biển Đông.
Theo ông Khiêm, bão đạt cấp mạnh nhất khi khối không khí lạnh còn xa. Lúc vào gần bờ, gặp vùng biển lạnh hơn, không khí lạnh đã xuống tới khu vực Trung Bộ trước đó, nên bão số 6 nhiều khả năng sẽ suy yếu đi 2-3 cấp khi tiến sát vùng biển ngoài khơi các tỉnh Nam Trung Bộ.
Mưa to khả năng cao sẽ tập trung từ đêm 9 đến hết ngày 11/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, và phía Đông hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, với lượng mưa trong một ngày trên 100 mm. Từ đêm 11/10 mưa vẫn còn ở các khu vực Trung Bộ nhưng cường độ giảm rõ rệt.
Trong khi đó, cơ quan Khí tượng Hong Kong dự báo, ngày 10/11, tâm bão ngay trên vùng biển giữa TP Tuy Hòa và Thị xã Sông Cầu của Phú Yên với tốc độ gió tối đa 110 km/h, sau đó bão di chuyển lên phía Nam TP Pleiku, Gia Lai. Một ngày sau, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở Campuchia.
Cơ quan Khí tượng của Nhật cũng có dự báo tương tự về đường đi của bão, nhưng nhận định tốc độ gió gần tâm bão khi tiến vào vùng biển Phú Yên tối đa 92 km/h, gió giật tối đa 129 km/h.
Đài Hải quân Mỹ nhận định, bão đạt tốc độ gió tối đa 110 km/h vào ngày 7 và 8/11, sau đó suy yếu. Khi vào vùng biển miền Trung, bão có tốc độ gió mạnh nhất 74 km/h.
Hàng nghìn ngư dân đã vào Trường Sa trú bão
Chiều 6/11, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Khánh Hòa cho biết, ảnh hưởng của bão làm nhiều nơi của huyện thời tiết khá xấu, một số nơi có mưa nhưng không lớn. Biển động dữ dội, sóng cao 6-7 m, gió giật cấp 6.
Hơn 110 tàu cá với hàng nghìn ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và các tỉnh lân cận đang đánh bắt hải sản đã vào âu tàu của đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn tránh trú. Thuyền viên đã vào khu dân cư, được quân y hướng dẫn các kỹ thuật sơ cứu.
Các phương án chống bão đã triển khai hoàn tất, nhà cửa được chằng chống kiên cố; cây cối cắt tỉa. Lương thực, tủ thuốc y tế đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng sơ tán người dân lên nơi an toàn, có thể lưu trú được dài ngày. “Các đảo trên huyện Trường Sa chưa tiếp nhận tàu nước ngoài vào tránh bão, nhưng có tàu nhờ hỗ trợ sẽ sẵn sàng ứng cứu”, ông Hải nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện có 6 tàu cá Quảng Ngãi hoạt động ở vùng ảnh hưởng của bão xin vào đảo Luzon, Philippines để tránh bão, nên đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao có biện pháp hỗ trợ.
Từ đầu năm đến nay, các cơn bão trên Biển Đông có sức gió cấp 9 trở xuống. Trong đó, bão Matmo (số 5) đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên tối 30/10 gây thiệt hại nặng nhất. Với sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9), giật cấp 11, bão đã làm hàng nghìn cây xanh ngã, nhiều nhà bị sập, một triệu hộ dân mất điện…