Một trong những phát minh tuyệt vời nhất của xã hội hiện đại chắc hẳn là vòi xịt “ass”. Nó tiện lợi, sạch sẽ, giải phóng đôi tay con người và những tờ giấy gấp làm tư. Thật khó hình dung vua chúa thời xưa sẽ làm thế nào khi chưa có vòi xịt. Nếu bạn nghĩ “Ồ, hiển nhiên là họ tự chùi chứ sao” thì chưa chắc đâu nhé, chí ít dưới triều đại Tudor nước Anh.
Có vài lý do giải thích vì sao vua không tự làm việc đó. Ví dụ như trang phục quá nhiều lớp và cầu kỳ khiến vua gặp khó khăn trong việc tự vệ sinh cho mình. Hoặc vua thường nghĩ rằng mình đặc biệt nên hành động cũng phải khác người mới chịu. Hoặc chỉ đơn giản là vua trả tiền để có người phục vụ, vậy thì tội gì việc này cũng phải phiền đến tay của mình cơ chứ.
Vậy là từ đó, nhà vua có một người hầu thân cận gọi là Groom of the Stool (từ giờ người viết gọi tắt là Groom), nói hoa mỹ là người chuyên lo liệu tắm rửa và vệ sinh cho vua, còn nói xổ toẹt ra là người chùi đít cho vua.
Vị trí này nghe có vẻ chỉ dành cho những kẻ xui xẻo nhất thế giới nhưng kỳ thực có một dãy dài công tước, bá tước, những kẻ quyền cao chức trọng đều muốn được làm kẻ xúi quẩy đó.
Trên thực tế, dưới triều đại của vua Henry VIII, Groom thường là con trai của các vị quý tộc hoặc chí ít cũng là người xuất thân từ giới thượng lưu. Như vậy có thể thấy công việc trông bẩn thỉu và thấp hèn này chỉ dành cho mấy đứa thuộc diện COCC, còn đám dân đen sẽ bị đánh trượt ngay từ vòng loại.
Cũng phải nói thêm rằng, vị trí này chỉ có một mà thôi nên tỷ lệ trượt cũng cao ngang ngửa với việc thi 3 môn được 27 điểm mà vẫn trượt đại học. Nếu bạn không có năng lực và những phẩm chất cần thiết, dù bạn xuất thân danh giá và bố mẹ sẵn sàng rót một đống tiền chạy chức cho bạn, bạn vẫn có nguy cơ trượt như thường. Dẫu sao đây cũng là công việc hầu hạ vua, không cẩn thận thì chỉ gánh nghiệp thôi.
Trước tiên, chúng ta nên tìm hiểu vì sao gọi là Groom of the Stool mà không phải là Groom of the Toilet.
Từ Groom ở đây không phải là chú rể, nó có nghĩa là quan hầu trong hoàng gia Anh. Còn Stool (hay Close Stool) chính là bệ xí của vua. Cái bệ xí này được thiết kế trông như chiếc ghế phiên bản hoàng gia. Một số loại trông nhỏ gọn để mang theo bất cứ lúc nào.
Đây quả thực là một cách gọi tinh tế. Nghĩ mà xem, giả sử có một anh hầu dõng dạc hô to “Người đâu, mau mang bô vào cho bệ hạ”, chắc hẳn cả kinh thành sẽ khựng lại một giây và hàng loạt những tưởng tượng quái đản chạy vèo qua não. Còn bệ hạ đáng kính sẽ cảm thấy xấu hổ muốn độn thổ, rồi liệt “toilet” vào danh sách từ cấm thì con cháu sau này cũng chẳng còn từ hay mà dùng.
Những phẩm chất nào cần có để trở thành một Groom chính hiệu?
Trước tiên, Groom phải có khả năng chịu đựng. Nếu ngay đến việc hầu hạ vua tắm rửa và đi vệ sinh cũng cảm thấy buồn nôn, chân tay bủn rủn, mặt tái xanh tái xám thì làm sao có thể phục vụ vua cho tốt, sao có thể trở thành tâm phúc của vua?
Phẩm chất thứ hai cần có ở Groom là chu đáo và tinh tế. Công việc của Groom không chỉ luẩn quẩn trong cái vòng tròn giúp vua cởi đồ, tắm rửa và vệ sinh cho vua, rồi giúp vua mặc quần áo. Nếu thế thì nhẹ nhàng quá.
Groom thường đi theo vua mọi lúc mọi nơi nên họ cũng cần chuẩn bị sẵn những thứ thiết yếu như “ghế”, nước, khăn và bát rửa tay để vua có thể sử dụng được ngay.
Groom phải nhớ được lần cuối cùng vua đại tiện là khi nào và ước tính lần kế tiếp là bao giờ để có được sự chuẩn bị tốt nhất. Họ cũng phải có biệt tài quan sát nét mặt để biết được vua đang vui hay đang buồn, vua có thấy dễ chịu không, có thấy thoải mái không sau khi xong việc.
Ngoài ra, Groom cần chú ý đến thực đơn và giờ giấc dùng bữa của vua. Bởi vì qua đó, họ sẽ biết được vì sao vua bị táo bón, tiêu chảy, đau bụng và dễ dàng phân ưu với vua. Không những thế, họ cũng cần để ý trong việc tạo không gian thoải mái, riêng tư, sạch sẽ và thơm tho với những chiếc màn treo cùng hoa tươi để vua giải quyết nỗi buồn, tìm lại niềm vui.
Nói chung, sự tinh tế của Groom giống như các anh bạn trai khi bạn gái mình có “bà dì” ghé thăm. Trong 100 anh, chắc chỉ có 1 anh sở hữu sự tinh tế nhạy bén và tận tâm này.
Phẩm chất cuối cùng cần có ở Groom là khả năng giữ bí mật. Bởi vì ngay đến chuyện đại tiểu tiện và “cơ quan trọng yếu” của vua cũng đi nói lung tung với người ngoài thì chẳng khác nào tiết lộ bí mật quốc gia, tội đáng muôn chết.
Dần dần, Groom trở thành người nắm giữ nhiều bí mật hoàng gia nhất, từ chuyện vệ sinh cá nhân, đời sống chăn gối của vua, cho đến việc vua yêu ai, thương ai, ghét ai, hận ai. Đọc tới đây, hẳn các bạn đã hiểu vì sao nhiều nhân vật tai to mặt lớn muốn được ngồi ở vị trí này hoặc chuyên đút lót cho Groom rồi đấy.
Mọi thứ luôn có cái giá của nó. Từ một vị trí tưởng chừng hèn kém, Groom dần cũng có địa vị và quyền lực của riêng mình.
Được vua tin tưởng, một số Groom không chỉ chăm lo đời sống cá nhân của vua mà còn kiêm luôn nhiệm vụ quản lý tài chính hoàng gia và các vấn đề hậu cung. Họ cũng được thừa hưởng lại trang phục, trang sức, đồ nội thất và hàng trăm món quà quý giá của vua. Nổi tiếng nhất cần kể đến John Stuart, một gã đàn ông xuất phát điểm là Groom và cuối cùng trở thành Thủ tướng nước Anh vào năm 1762 dưới triều đại của vua George III.
Benjamin Franklin có một phát biểu nổi tiếng như này:
Vì cái đinh tuột nên móng ngựa bị tuột
Vì cái móng tuột nên con ngựa sẩy chân
Vì con ngựa sẩy chân nên chiến binh sa cơ
Vì chiến binh sa cơ nên thua trận
Vì thua trận nên mất tự do
Tất cả chỉ vì một cái đinh ngựa tầm thường.
Groom cũng giống như cái “đinh ngựa tầm thường”. Ai cũng xem nhẹ, không coi trọng, nhưng nó lại là vị trí then chốt. Chuyện tắm rửa và vệ sinh, nếu làm không cẩn thận, không tận tâm thì vua sẽ không vui. Một khi vua không vui, hậu quả như thế nào khỏi cần kể chắc các bạn cũng hình dung được.