Indonesia là một đảo quốc nằm trên mảng kiến tạo địa chất đang hoạt động mạnh mẽ của Trái Đất. Hiện nay có đến 127 núi lửa đang hoạt động trên lãnh thổ nước này. Núi Krakatoa là một trong số đó, mỗi lần núi lửa phun trào sẽ tạo ra chấn động dẫn đến sóng thần.
Cơ chế sinh ra sóng thần do trượt mảng kiến tạo và phun trào núi lửa giống như bạn khua tay vào nước sẽ dẫn đến những gợn sóng vậy, chỉ khác là trong trường hợp này gợn sóng đó cao tới hàng chục mét và mạnh đến mức đủ cuốn trôi xe cộ, nhà cửa cùng vô số người vô tội.
Nguy cơ của các thảm họa thiên nhiên này đã được cảnh báo từ trước, mặc dù vậy do giới hạn về cơ sở vật chất và công nghệ nên các hệ thống báo động của Indonesia chỉ ghi nhận động đất lúc núi lửa phun trào, chứ không dò ra được sự dịch chuyển bất thường của dòng nước dưới đáy đại dương khi sóng thần sắp xảy ra.
Lần phun trào mạnh nhất của núi Krakatoa được ghi nhận trong lịch sử là vào ngày 26 đến 27 tháng 8 năm 1883. Lúc đó Krakatoa phun trào 4 lần, kích hoạt 4 làn sóng chấn động tạo nên 4 cơn sóng thần ập vào 2 đảo lớn nhất của Indonesia là Sumatra và Java.
Thảm họa năm 1883 tàn phá 150 ngôi làng, giết chết 37.000 người và vô số người bị thương. Ước tính chấn động gây ra bởi thảm họa năm ấy mạnh gấp 10.000 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật.
Lượng khói bụi phun ra bởi Krakatoa năm 1883 bao phủ cả khu vực Đông Nam Á, nhấn chìm phạm vi bán kính 27 km trong bóng tối suốt nhiều ngày. Khói từ vụ phun trào lan đến tận nước Úc, tạo nên hiện tượng hoàng hôn màu xanh lá và xanh dương trên thế giới trong suốt 3 năm sau đó.
Lúc đó công nghệ truyền tin còn rất hạn chế, người ta dùng máy điện tín để gửi thông tin đi toàn cầu. Mất 24 giờ để chính quyền ở Indonesia gửi thông tin về vụ phun trào và thảm họa sóng thần đến các nơi trên thế giới. Đó là thời gian kỷ lục vào thế kỷ 18, cũng là sự kiện đầu tiên trên thế giới được thông báo với quy mô toàn cầu.
Một người thủy thủ từng chứng kiến vụ việc đã mô tả lại với tờ báo Manchester Guardian rằng:
Tôi quá giang trên một chiếc tàu hơi nước đi vào phía tây hải phận thuộc eo biển Malacca. Vào rạng sáng ngày 27 tháng 8, thuyền trưởng hốt hoảng gọi chúng tôi lên boong tàu để xem một sự kiện kỳ lạ. Bầu trời rực lên bởi những tia điện sáng chói. Âm thanh thì như tiếng máy bay ném bom oanh tạc.
Âm thanh phát ra từ vụ phun trào năm 1883 có thể đạt đến 172 decibel trong bán kính 100 dặm, làm rung động mạnh màng nhĩ của các thủy thủ Anh trong khu vực đó khiến họ bị điếc tai tạm thời vì tổn thương bên trong tai.
Sóng chấn động của Krakatoa lúc ấy được ghi nhận ở các trạm đo đạc địa chấn của 50 thành phố trên khắp thế giới, rung động xảy ra 4 lần trong mỗi 34 giờ, đó cũng là thời gian mà làn sóng lan truyền đi hết bề mặt Trái Đất, chạm đến cả Paris và Washington ở bên kia bán cầu.
Chính sự kiện phun trào núi lửa lớn nhất từng ghi nhận trong lịch sử này đã tạo cảm hứng cho họa sĩ Edvard Munch sáng tác bức tranh nổi tiếng The Scream (Tiếng Thét) – tác phẩm trở thành biểu tượng có sức ảnh hưởng lớn lao của nền hội họa thế giới cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Edvard Munch mô tả sóng chấn động mà ông cảm nhận được: “như một tiếng thét lớn kéo dài mãi không dứt đã xé toạc thiên nhiên”. Các nhà nghiên cứu đã ngạc nhiên khi điều tra ngược lại vị trí mà Edvard Munch nghe thấy tiếng nổ của Krakatoa, đó là một cầu tàu ở thành phố Oslo, Na Uy cách Indonesia 10.000 km.
Lúc đó ngài họa sĩ đang ngồi ngắm hoàng hôn thì không gian dường như bị vỡ nát bởi xung chấn, vụ việc ám ảnh người nghệ sĩ mãi mãi, tạo nên động lực để ông hoàn thành một trong những bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại.