Menu
in

Những điều kiện khắt khe và lạ lùng trong ‘hợp đồng hôn nhân’ của nhà bác học Albert Einstein

Bạn có biết thứ gì “cảm động” hơn cả lời thề thốt yêu nhau mãi mãi không? Xin thưa đó là hợp đồng hôn nhân. Bạn có biết trước khi cô dâu, chú rể nhìn nhau nước mắt rưng rưng rồi nói “Con đồng ý” thì họ phải làm gì không? Xin thưa đó là “Mời anh, mời em ký vào trang này, trang này và trang này nữa nhé!”.

Nhìn theo góc độ tình cảm, hôn nhân là cái kết viên mãn, là sinh con đẻ cái, cùng nhau gia đi sau những năm tháng yêu nhau tha thiết. Còn ở phương diện lý trí, hôn nhân cũng là một mối quan hệ ràng buộc về mặt pháp lý. Nếu bạn cố chấp kết hôn chỉ để chiều theo cảm xúc và chẳng mảy may quan tâm đến các quy định pháp luật, vậy là bạn đang phạm pháp rồi.

Ký hợp đồng đã rồi mới trao nhẫn cho nhau nha! (ảnh: saracenssolicitors)

Trong lịch sử, hợp đồng hôn nhân (hay hợp đồng tiền hôn nhân) thường được ký kết giữa các gia đình giàu sụ và có tầm ảnh hưởng. Nội dung chính của hợp đồng thường là chia chác, được và mất, lỗ và lãi khi kết hôn hoặc ly hôn. Ngày nay, hợp đồng hôn nhân có thể là thỏa thuận về việc phân chia tài sản, nuôi con sau ly hôn, đảm bảo quyền lợi cho đôi nam nữ,…

Nhìn chung là càng giàu càng nổi tiếng thì càng không thể thiếu hợp đồng hôn nhân. Có thể kể đến một vài cái tên gây sốt với hợp đồng hôn nhân như cặp đôi quyền lực showbiz Jay Z – Beyonce, tay golf số 1 thế giới Tiger Woods và vợ cũ Elin Nordegren, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và bạn đời Priscilla Chan, nhà bác học Albert Einstein và người vợ đầu tiên Mileva Maric,…

Ồ, khoan! Nhà bác học Albert Einstein ư? Cụ thể là thế nào vậy?

Hai vợ chồng Albert Einstein và Mileva Maric.

Albert EinsteinMileva Maric gặp nhau lần đầu ở Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ năm 1896. Cùng chung đam mê toán học và vật lý nên cả hai thường xuyên gặp mặt thảo luận, chuyện trò. Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy, Einstein và Mileva kết hôn với nhau vào tháng 1/1903.

Sau hơn 1 năm chung sống, cặp vợ chồng chào đón đứa con đầu tiên tên là Hans Albert Einstein. Năm 1910, họ tiếp tục có với nhau đứa con trai thứ hai là Eduard Einstein. Sau 11 năm chung sống, tình cảm giữa Einstein và Mileva dần nguội lạnh, nhưng vì quyền lợi và hạnh phúc của các con nên 2 người vẫn tiếp tục sống chung thay vì chọn giải pháp ly hôn.

Mileva Marić là người phụ nữ thứ 2 tốt nghiệp khoa Toán học và Vật lý của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ.

Để đảm bảo cuộc sống vợ chồng vẫn cơm lành canh ngọt, Einstein và Mileva quyết định thỏa thuận một số điều kiện. Trong cuốn Einstein: His Life and Universe của Walter Isaacson, tác giả hé lộ một vài “yêu sách” của Einstein dành cho vợ mình như sau:

1. Bà phải chắc chắn:

1.1 Quần áo và đồ giặt là của tôi được xếp gọn gàng.

1.2 Tôi sẽ nhận 3 bữa ăn đều đặn hàng tuần trong phòng riêng.

1.3 Phòng ngủ và phòng nghiên cứu của tôi phải ngăn nắp, sạch sẽ, và chỉ có tôi được dùng bàn làm việc của mình.

2. Trừ trường hợp cần giữ hình thức, bà đừng trông mong chúng ta có những cử chỉ âu yếm. Cụ thể, bà sẽ không yêu cầu tôi:

2.1 Ngồi cạnh bà khi ở nhà.

2.2 Đi chơi và đi du lịch với bà.

3. Trong mối quan hệ của chúng ta, bà phải tuân theo những yêu cầu sau:

3.1 Không kỳ vọng tôi thân mật với bà và không được trách móc tôi chuyện đó.

3.2 Giữ trật tự khi tôi yêu cầu.

3.3 Ra khỏi phòng riêng hoặc phòng nghiên cứu ngay lập tức nếu tôi yêu cầu mà không được cãi lại.

4. Bà phải cam kết không xem thường tôi trước mặt con cái, kể cả bằng lời nói lẫn hành động.

Albert Einstein và người vợ thứ hai Elsa Löwenthal.

Không biết nên nói rằng vì Einstein là nhà khoa học nên các điều kiện được ghi rất chi tiết, logic, chính xác, hay vì tình cảm vợ chồng cũng chẳng còn nên bản hợp đồng mới cụ thể, rõ ràng và lạnh lùng đến vậy?

Sau vài tháng tuân theo, Mileva không thể chịu nổi bèn dắt hai đứa con trai rời Berlin quay về Zurich, Thụy Sĩ. 5 năm sau, Einstein và Mileva chính thức ly hôn và không gặp nhau trong suốt quãng thời gian còn lại.

Hợp đồng hôn nhân nhằm đảm bảo quyền lợi của hai bên hoặc thường có lợi cho người vợ nhưng trường hợp của Einstein và Mileva thì ngược lại. Những điều kiện của Einstein cho thấy tình cảm của hai vợ chồng đã cạn sạch và ông cũng chẳng hề có mong muốn thắp lửa cuộc hôn nhân này. Nó thậm chí còn gián tiếp khiến cả hai quyết định sống ly thân, mỗi người ở một thành phố và chẳng muốn gặp mặt nhau sau này.

Vậy mới thấy, Albert Einstein có thể nghĩ ra phương trình E = mc² nổi tiếng thế giới nhưng lại không thể viết ra công thức bảo toàn hạnh phúc hôn nhân và gia đình.

 

Leave a Reply