Trên mọi nẻo đường, bạn sẽ luôn thấy hình ảnh của “nó”, trút giận vào “nó” kể cả khi “nó” muốn bảo vệ bạn khỏi những nguy hiểm. Nhiều nhà quảng cáo “không chuyên” hay các “bệnh nhân tiểu đường” cũng thích làm nhục “nó”, đặc biệt là từ phần thân trở xuống. Thế nhưng, dù tức lắm, “nó” cũng chỉ làm mình làm mẩy khoảng vài chục giây trước khi quay trở về bộ dạng hiền hòa thường thấy.
Vậy “nó” là ai?
Những chiếc đèn giao thông, tất nhiên rồi.
Lịch sử của những chiếc đèn giao thông bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 năm 1868, khi chiếc ô tô đầu tiên trên thế giới được kĩ sư Carl Benz sáng tạo ra tròn 20 tuổi. Phát minh này ngay lập tức đem lại sự thay đổi to lớn trong tất cả mọi mặt của cuộc sống, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải và cơ khí.
Trước đó, các loại hình vận tải dùng sức ngựa là chủ yếu, như xe bus ngựa kéo, hay xe ngựa hai bánh. Những loại xe này bị đánh giá là khá nguy hiểm, như ở London, đã có 102 vụ tai nạn giao thông được ghi nhận mỗi năm do các loại xe này.
Một chiếc xe buýt ngựa kéo
Ngã tư chính dưới Big Ben phía sau Cầu Westminster, nơi tọa lạc Điện Westminster – đầu não chính phủ Anh, được coi là điểm nóng giao thông khi liên tục xảy ra các vụ tai nạn và bị quá tải do làn sóng di dân lên thành thị.
Trước tình hình này, kỹ sư và giám đốc của Đường sắt Đông Nam, John Peake Knight đã cho xây dựng các cột đèn đường bộ, tương tự như tín hiệu trên đường sắt trong những năm 1840. Nhưng cũng như tín hiệu đường sắt hồi đó, đèn giao thông mới chỉ có hai màu là xanh và đỏ với chức năng báo đi và dừng.
Cột đèn giao thông đầu tiên ở Anh
Ba tuần sau khi chiếc đèn giao thông chạy bằng khí đốt đầu tiên được đưa vào vận hành, một tai nạn bất ngờ đã xảy ra. Một đường ống khí bị lỗi đã phát nổ và khiến cho một người điều khiển giao thông đang làm nhiệm vụ bị thương. Do đó, chính quyền thành phố đã phải cho tắt cột đèn đường đầu tiên (nặng hơn 5 tấn và cao 6,5 m) và hơn nửa thế kỷ sau, họ mới có biện pháp thay thế để điều tiết lượng giao thông điên rồ tại đây.
Trong khi đó, lưu lượng các phương tiện giao thông tại Đức đã có sự tăng trưởng đáng kể từ Thế chiến thứ nhất. Quảng trường Potsdamer Platz ở Berlin là một trong những khu vực có mật độ di chuyển lớn nhất ở châu Âu vào năm 1924. Ngày 22 tháng 10 năm 1924, một cái tháp đèn giao thông hình ngũ giác đã đi vào hoạt động và sau đó, năm 1937, đèn tín hiệu cho người đi bộ đầu tiên được ra mắt.
Tồn tại từ năm 1924, cột đèn giao thông ở Postdam vẫn trường tồn với thời gian
Để phân biệt tín hiệu đèn cho người đi bộ với người lái xe, nhà tâm lý học giao thông Karl Peglau đã cho ra đời loại đèn tín hiệu mới với hình ảnh người đàn ông tại Đông Berlin vào năm 1961. Trước đó, đèn giao thông vẫn bị người đi đường coi nhẹ nên nhà tâm lý học đã thêm vào người đàn ông của mình một chiếc mũi, mũ và tạo hình bụng béo. Hình ảnh này được cho là khiến người xem thấy đồng cảm do có sự tương đồng.
Cha đẻ cho những hình người tham gia giao thông trên đèn chỉ đường cho người đi bộ
Theo ước tính của nhà sản xuất đèn giao thông Siemens, hiện có khoảng 1,5 triệu đèn giao thông ở Đức. Trong khi chiếc đèn đầu tiên ở London có hình dạng giống tín hiệu xe lửa hơn là đèn giao thông hiện đại với chức năng báo hiệu, người ta giờ tập trung hơn vào việc sáng tạo tín hiệu đèn sao cho bắt mắt hơn, ấn tượng.
Trong những năm gần đây, nhiều thành phố của Đức cho lắp đặt các loại đèn giao thông có hình ảnh nhân vật biểu trưng cho chính thành phố để kích thích du lịch. Và dưới đây là những tín hiệu đèn giao thông hài hước và thú vị ở một đất nước tưởng chừng khô khan và nhạt nhẽo như Đức.