Khác với thời điểm mới xuất hiện cách đây 2 tháng, hiện giờ, người ta không khó để nhận ra những đối với mọi mặt của đời sống.
Kinh doanh đổ đốn, giáo dục đình trệ và đặc biệt, cuộc sống hôn nhân của nhiều người cũng đang bị xáo trộn. Như tại Trung Quốc, tỉ lệ ly hôn của nước này tăng vọt do các cặp đôi thường xuyên ở nhà và nảy sinh mâu thuẫn. Ở Mỹ, dịch bệnh này được cho là khiến số lượng các vụ bạo hành gia đình tăng đột biến.
Katie Ray-Jones, giám đốc Đường dây nóng chống bạo hành gia đình quốc gia Mỹ (một dịch vụ công tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân bạo hành tình dục qua điện thoại) cho biết tình trạng tương tự cũng xảy ra trong cơn khủng khoảng kinh tế năm 2008 khi số người thất nghiệp gia tăng.
Một phụ nữ kể rằng chồng cô đã lên đạn, hòng yêu cầu cô phải ở nhà với hắn trong lúc cô định ra khỏi nhà để đến nơi làm việc. Một người khác cho biết, cô bị chồng đe dọa sẽ lan truyền virus một cách có chủ đích và hắn sẽ không trả tiền khám chữa bệnh nếu cô bị bệnh.
Những nơi phải thi hành lệnh cách ly xã hội như tại New York cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về các vụ bạo hành. Tại quận Nassau, bang New York, số vụ bạo hành tăng 10% so với thời điểm này năm ngoái, theo lời của Cảnh sát trưởng quận này. Tổ chức Women Helping Women, một tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo hành gia đình ở Cincinnati cũng cho biết, số vụ bạo hành đã tăng tới 30% kể từ khi lệnh tự cách ly xã hội được ban hành.
Trước kia, tại Mỹ, số vụ chỉ gia tăng trong những thời điểm khó khăn của nền kinh tế, hay sau thiên tai. Còn hiện tại, dịch bệnh lại được cho là nguyên nhân chính đứng sau việc này. Theo lời của chủ nhiệm Chương trình Giám định ở Đại học Texas, thuộc viện Nghiên cứu về Bạo hành Gia đình và tình dục – Margaret Bassett, thời điểm hiện tại rất căng thẳng, nhất là khi nhiều người Mỹ hoàn toàn lúng túng trước diễn biến của dịch COVID-19. Nhiều người đã bị stress và khi tình trạng này kéo dài, sẽ càng có nhiều thành viên trong gia đình có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo hành.
Theo Ray-Jones, những kẻ bạo hành thường đe dọa sử dụng súng để ép các nạn nhân làm theo ý mình. Nếu tên này thực sự sở hữu súng, khả năng nạn nhân bị giết sẽ tăng gấp 5 lần, so với các vụ không dùng vũ khí. Một báo cáo cũng cho biết, chỉ riêng tuần này, đã có đến 3,28 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Trong tình trạng không có việc làm thời gian dài, nhiều người sẽ tìm đến rượu bia để giải sầu. Nạn lạm dụng rượu bia cũng được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với bạo hành gia đình, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Việc có nhiều trường học, địa điểm công cộng cho trẻ em bị đóng cửa cũng khiến cho nhiều trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình, đó là nhận định của Jeffrey Edleson, cựu giảng viên ở Trường về Trợ cấp Xã hội, thuộc đại học Berkeley, bang California.
“Rất nhiều đứa trẻ mà tôi nói chuyện cùng đã từng phải chứng kiến các vụ bạo hành ngay tại nhà mình, và chúng chỉ có bạn bè, họ hàng, các thầy cô giáo để xin được trợ giúp. Điều này có thể làm nhẹ bớt những tác động tiêu cực, nhưng những sự trợ giúp đó đang dần biến mất”, ông Edleson chia sẻ với CNN.
Ở Fort Worth, Texas, một bệnh viện nhi cho biết, họ đã chữa trị cho 6 em nhỏ bị bạo hành trong thời gian nghỉ ở nhà vì dịch bệnh. Đối lập với sự gia tăng các bệnh nhi nhập viện vì bạo hành gia đình, số lượng trình báo bạo hành lại giảm đáng kể. Tại bang Oregon, các cuộc điện thoại trình báo đã giảm một nửa, từ 700 xuống còn 300 một ngày. Điều này dấy lên lo ngại cho các nhân viên bảo vệ trẻ em, vì khi trẻ ở nhà thì giáo viên sẽ không ở đó để đánh giá tình hình và giúp đỡ các em.
Ngay cả tại những gia đình chưa từng ghi nhận về bạo hành trước kia thì trẻ em cũng đang được cho là nằm trong nhóm nguy cơ cao bị bạo hành, vì cha mẹ đang căng thẳng trước diễn biến của dịch bệnh. Edleson nói thêm “Những xung đột trong gia đình có thể gia tăng, dẫn đến bạo hành thể chất. Và đặc biệt trong các gia đình ít người, điều đó là hoàn toàn có khả năng.”