Vào khoảng 7 giờ tối ngày 15/4/2019 tại Paris, Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris, một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất mọi thời đại đã tồn tại đến 850 năm bất ngờ bốc cháy ở phần mái. Tình hình tệ đến nỗi phần đỉnh chóp nhọn nổi tiếng của nơi này đã bị cháy rụi. Hàng ngàn người dân Paris đứng bên bờ sông Seine, cầu nguyện và than khóc, lo lắng cho số phận của một minh chứng lịch sử của quốc gia này.
Giờ hãy lội ngược lại năm 1831, khi cuốn sách Notre Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris) ra đời. Đây là cuốn sách giả tưởng đã tạo cảm hứng cho bộ phim hoạt hình The Hunchback of Notre Dame (Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà) năm 1996. Nhìn lại bức tranh lịch sử của 188 năm trước, người ta bất chợt rùng mình với tài tiên tri của Victor Hugo. Cụ thể, ngay trong chương tiêu đề của cuốn sách, Victor Hugo đã viết:
“Mọi con mắt đang ngước lên đỉnh Nhà thờ. Những gì họ thấy thật bất thường. Trên đỉnh của phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cửa sổ hoa hồng trung tâm, có một ngọn lửa lớn bốc lên giữa hai gờ với những cơn lốc lửa, một ngọn lửa lớn, rối loạn và giận dữ mà gió thỉnh thoảng thổi ra một vạt trong làn khói. Bên dưới ngọn lửa này, bên dưới lan can tối của cỏ ba lá, hai máng quái vật nôn mửa không ngừng và cơn mưa dữ dội này chia tách dòng chảy bạc của nó trên bóng tối của mặt tiền phía dưới. “
Ông cũng tiên tri thêm rằng:
Nhà thờ có thể sẽ sớm bị xóa bỏ khỏi Trái Đất.
Liệu đây có thật sự là một lời tiên tri, hay chỉ là sự trùng hợp? Nhìn lại lịch sử, vào thời kì khi Hugo viết ra cuốn sách này, Nhà thờ Đức Bà Paris cũng đang rơi vào tình thế ngặt nghèo. Nhà thờ bị hư hại nghiêm trọng, và chính quyền có vẻ chẳng mấy quan tâm đến sự tồn vong của một di tích lịch sử.
Trong chương mang tên “Notre-Dame”, Hugo viết:
“Không còn nghi ngờ gì nữa, cho đến ngày nay Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn là một tòa lâu đài hùng vĩ và tuyệt trần”.
Nhưng, ông nói thêm:
“Đẹp đến mức khi nó bắt đầu già đi, thật khó để không thở dài, không phẫn nộ trước sự xuống cấp, cắt xén không kiểm soát, và đồng thời những kẻ đến đây còn chẳng thèm đến đài tưởng niệm đáng kính và không hề tôn trọng Charlemagne, người đã đặt viên đá đầu tiên hay Philippe-Auguste, người đặt viên gạch cuối cùng.”
Việc xuất bản cuốn sách lúc bấy giờ đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân về trạng thái “không thể chấp nhận được” của di tích. Năm 1944, một dự án cải tạo di tích đã diễn ra, trong đó có sự tham gia của nhiều kiến trúc sư tên tuổi như Lassus và Viollet-le-Duc.
Và vào tháng 7/1845, một đạo luật đã được thông qua cho việc phục hồi nhà thờ.
Dù những câu chữ của Victor Hugo trong Nhà thờ Đức Bà Paris lúc bấy giờ chỉ là những lời đe dọa, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi nó lại trở thành một lời “sấm truyền”.
Cho đến thời điểm hiện tại, những người lính cứu hỏa nước Pháp đang cố hết sức để cứu những thứ còn có thể cứu được trong Nhà thờ Đức Bà. Còn chúng ta, chỉ có thể cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho di tích 850 năm lịch sử này.