Leon Reuss (30/3/1891-1/4/1946) có tên khai sinh là Leon Reiss. Vốn là dân Do Thái, ông không thể tiếp tục hoạt động nghệ thuật ở cả sân khấu lẫn màn ảnh khi chủ nghĩa bài Do Thái của Đức Quốc Xã lan rộng khắp châu Âu những năm 1930.
Mong muốn trở lại diễn xuất đưa đẩy Leon Reuss tới một kế hoạch hết sức tinh vi. Ông trốn biệt trong một cabin mà mình sở hữu trên vùng núi nước Áo, ngày đêm học phương ngữ của dân vùng Tyrol (một bang thuộc Áo). Trong thời gian này ông cũng nuôi râu – một bộ râu ấn tượng – và “nhuộm” toàn bộ lông tóc bằng cách ngâm mình vào dung dịch hydrogen peroxide loãng 10 ngày một lần.
Bước cuối cùng trong kế hoạch của Leon Reuss cũng thành công khi ông có được giấy tờ từ một nông dân trên vùng núi này. Giờ đây, ông là Kaspar Brandhofer, một diễn viên chưa qua trường lớp, sinh ra ở Tyrol – thuộc chủng tộc thượng đẳng Aryan mà phát xít tôn sùng.
Đã từng làm việc với đạo diễn Max Reinhardt vài năm trước đó khiến Leon Reuss có phần lo sợ vị đạo diễn này sẽ nhận ra mình. Nhưng trái lại, không những đạo diễn Reinhardt (có vẻ như) chưa từng gặp Leon mà còn giới thiệu ông cho nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn Ernst Lothar ở Vienna.
Ngày 2/12/1936 ở Vienna, “Kaspar Brandhofer”, một nam diễn viên chưa qua đào tạo, ra mắt với vai diễn Quý ngài Von Dorsday trong vở Miss Else.
Có thể nói Leon Reuss đã xuất sắc trong vai diễn “Kaspar Brandhofer”. Khi được yêu cầu diễn độc thoại, “Kaspar” không biết phải làm thế nào và độc thoại là gì. Cho đến lúc được giải thích, ông nói rằng: “À, tôi hiểu rồi, nghĩa là đối thoại với Chúa.”
Kaspar Brandhofer – “100% thuần gốc Bắc Âu” – giờ đây trở thành thần tượng của báo chí Đức Quốc Xã. Họ ca ngợi nam diễn viên tóc vàng, tráng kiện, xuất thân nông dân, người đã mang sự thuần chất vào vở Miss Else (dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Do Thái Arthur Schnitzler). Giới phê bình thì gọi ông là “người nông dân khiêm tốn từ dãy Alps nước Áo, sở hữu tài năng thiên bẩm xuất chúng nhất thế hệ.”
Vậy mà chỉ một tuần sau đó, Leon tự tuyên bố về nhân dạng thật của mình. Theo lời của nam diễn viên thì ông làm thế để chứng minh rằng một diễn viên giỏi là nhờ vào tài năng chứ không phải chủng tộc. Trở về nhà sau đêm ra mắt trên sân khấu Vienna, ông chỉ cảm thấy trống rỗng và cô đơn, còn “Kaspar Brandhofer” – sản phẩm ông tạo ra – đe dọa sẽ trở thành một con quái vật.
Trước tòa án ở Vienna, Leon Reuss bị tuyên phạt vì tội “sống dưới tên giả” – ông được chọn giữa nộp phạt 100 shilling hoặc 48 giờ ngồi tù. Sau đó Leon lại thêm lần nữa phải chuyển đến đất nước khác, lần này là nước Mỹ, với cái tên “bớt Do Thái một chút”: Lionel Royce.
Và mỉa mai thay ông đã phải kiếm sống bằng cách đóng vai phát xít Đức trong những bộ phim chiến tranh hạng ba. Ở thời điểm đó, để các diễn viên Do Thái Đức vào vai phát xít là khá thông thường. Ví dụ như trong Hogan’s Heroes – một series truyền hình hài của Mỹ – tận 4 nhân vật phát xít Đức được diễn bởi người Do Thái, và riêng nhân vật Hạ sĩ Lebeau được thủ vai bởi Robert Clary, một người sống sót qua cuộc đại diệt chủng, được cứu khỏi trại tập trung ở cuối Thế chiến thứ hai.
Hans Weigel, người từng có mặt trong đêm công diễn của “Kaspar Brandhofer”, đã kể lại câu chuyện của nam diễn viên trong bài thơ “Ballad of The Blond Beard”. Trong bài thơ có đoạn:
“Khía cạnh nhân văn của câu chuyện
Là khi tài năng không mấy cần thiết ngày nay
Ở nước Áo tự do
Người ta chỉ quan tâm đến một bộ râu đẹp…”
Comments