Thời gian qua, cùng với những tin tức nóng hổi về thảm họa cháy rừng ở Úc, cộng đồng mạng cũng lan truyền một câu chuyện ấm lòng về việc gấu túi Wombat (còn gọi là gấu túi mũi trần) cho các động vật khác trú nhờ trong hang để tránh ngọn lửa đang lan đến. Câu chuyện thường được chia sẻ dưới dạng hình ảnh như sau:
Đây là một câu chuyện tiếp thêm niềm hy vọng trong bối cảnh nước Úc đang chìm trong bão lửa, hàng trăm triệu sinh vật đã thiệt mạng bao gồm những loài được yêu thích nhất như gấu Koala và Kangaroo, tuy nhiên rất tiếc khi phải xác nhận rằng câu chuyện trên hoàn toàn được phóng đại và bị các chuyên gia bác bỏ.
Giai thoại về lòng tốt của gấu túi Wombat (con vật nổi tiếng đi ị ra cục phân hình vuông như Milo Cube) được chia sẻ nhiều hơn sau khi câu chuyện về một chú mèo thoát khỏi đám cháy rừng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.
Cụ thể là khi đám cháy quét qua thung lũng Bega ở New South Wales tuần rồi khiến dân chúng nháo nhác tìm nơi sơ tán, một chú mèo lông xù tên Angel đã hoảng sợ và bỏ chạy vào hang gấu túi, sau nhiều ngày trốn trong hang chờ ngọn lửa qua đi, nó đã tìm được đường quay về với chủ.
Thực ra việc các con vật chạy vào hang gấu Wombat để tránh lửa là rất bình thường, điều cần nói là ở Úc năm nào cũng có cháy rừng, trong lúc hoảng loạn, những con thú nhỏ như chuột, các loài bò sát, mèo… đều tìm nơi trú ngụ theo bản năng và hang gấu túi là một nơi lý tưởng vì nó khá rộng và sâu.
Việc các loài vật khác chạy vào hang của gấu Wombat là do bản năng sinh tồn, chúng chạy loạn và chui vào bất cứ chỗ nào có thể. Trên thực tế, Wombat không cho phép những động vật khác chui vào trong hang của nóvà sẽ phản ứng rất mãnh liệt với những kẻ xâm nhập. Tất nhiên đã có một số trường hợp được các chuyên gia ghi nhận, ví dụ như họ từng thấy chim Lia (Lyrebird) và chuột túi Wallaby (một loài tương tự Kangaroo nhưng nhỏ hơn nhiều) đã trú ẩn thành công trong hang của Wombat, nhưng đó chỉ là ngẫu nhiên.
Nhà sinh thái học Michael Clarke ở đại học Malbourne cho biết, trong những vụ cháy lớn như ở Victoria và New South Wales vừa qua, đa số động vật không chạy kịp đến nơi an toàn đều sẽ chết. Kể cả những loài chim bay nhanh như chim ưng, chim cắt cũng có thể bị ngọn lửa đánh gục, thế nên việc những loài động vật có sống sót nhờ hang Wombat thì cũng là hi hữu và hiếm khi xảy ra.
Một trong những trang mạng đầu tiên chia sẻ về giai thoại của Wombat là Greenpeace New Zealand đã thừa nhận là họ chỉ đăng lại từ một bài post nào đó ở Úc và đính chính rằng nó không đúng sự thật. Thậm chí bản thân gấu túi Wombat dù có thể sống sót qua cơn bão lửa nhờ cái hang chắc chắn của nó thì vẫn có khả năng bị chết sau đó vì thiếu thức ăn và nước uống.
Nói thêm về hành vi bảo vệ hang của Wombat, theo nghiên cứu của Sở công nghiệp, nước và môi trường Tasmania (một bang hải đảo của Úc) thì Wombat trở nên rất hiếu chiến khi có kẻ xâm nhập vào hang của nó. Khi bị đe dọa, Wombat thường chui vào hang, quay mông ra chặn ngay cửa hang, bởi vì Wombat không có đuôi, da và lông ở mông lại rất dày nên kẻ thù không có chỗ nào để cắn hoặc làm nó bị thương được.
Lúc đó, Wombat sẽ chờ đến khi kẻ thù cho đầu vào trong hang, nó sẽ dùng 2 chân sau có móng vuốt và đá thật mạnh, đòn phản công này của Wombat có thể đá bật đầu của kẻ thù va vào trần hang, nghiền nát xương sọ hoặc ít nhất là đánh bật kẻ thù ra khỏi hang với một vết thương lớn.
Cú đá này của Wombat tương tự như đòn đá hậu của lừa hoặc ngựa. Nói chung, chuyện một con Wombat cho loài thú khác vào hang là rất khó xảy ra.
Comments