Trong phiên giao dịch ngày 20 tháng 4 theo giờ New York, tức rạng sáng 21 tháng 4 giờ Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử, sàn giao dịch chứng khoán New York ghi nhận mức tăng trưởng âm của giá dầu thô, đạt mức -37.63 USD/thùng dầu, theo CNBC News đưa tin. Mức giá âm đối với một mặt hàng trọng yếu như dầu mỏ tưởng chừng như chỉ nằm trên lý thuyết, nay đã trở thành sự thực.
Việc một sản phẩm trở nên “âm giá” có nghĩa là người sản xuất phải… bỏ tiền ra để khách hàng mua hộ sản phẩm dư thừa cho mình. Cụ thể, hiện nay mỗi ngày các nhà sản xuất dầu mỏ trên thế giới bị thừa ra 20 triệu thùng mỗi ngày, trong khi trước đó họ có thể bán ra 100 triệu thùng mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của toàn nhân loại.
Đây là hệ quả trực tiếp của việc phong tỏa và cách ly xã hội được các quốc gia trên toàn thế giới áp dụng, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu xăng dầu giảm mạnh. Hầu hết các kho xăng dầu đã đầy tràn, các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ không muốn và cũng không thể mua thêm nữa.
Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thuộc khối OPEC như Nga hoặc các nước Ả Rập mặc dù đã có dự đoán trước tình trạng sụt giảm giá dầu và lên kế hoạch cắt giảm sản lượng, tuy nhiên quyết định này là quá muộn và không đủ để xoay chuyển tình thế.
Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia về năng lượng tại Rabobank, nói:
“Sẽ có rất nhiều công ty không sống sót sau thời kỳ suy thoái này. Đây là một trong những điều tồi tệ nhất từng được ghi nhận.”
Dự kiến, sẽ có hàng trăm công ty phân phối sản phẩm từ dầu mỏ sẽ phá sản ở Mỹ, và hàng nghìn doanh nghiệp khác có liên quan cũng sẽ sụp đổ theo.
Chi phí đầu tư cho trang thiết bị và đội ngũ vận hành một giếng dầu là rất lớn, nên ngay cả khi giá dầu giảm trước đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục khai thác để chờ đợi mọi thứ bình ổn lại. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, đại dịch chưa được kiểm soát và tình trạng phong tỏa chưa được gỡ bỏ. Kết quả là các nhà đầu tư sẽ trắng tay, thậm chí ôm nợ vì không bán được hàng.
Comments