Tiếng Việt vốn được đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó học – không chỉ bởi ngữ pháp phức tạp mà còn do độ đa nghĩa của từ. Một từ có thể có nhiều cách hiểu khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Hơn nữa, chỉ cần viết hoặc nói lệch vài thanh âm, chúng ta sẽ có một từ khác hoàn toàn.
Việc học tiếng Việt không chỉ khó khăn với người nước ngoài, mà ngay cả trẻ em nước ta trong thời gian học vỡ lòng cũng gặp nhiều trở ngại. Đó là lý do mà những cuốn từ điển chính tả ra đời, với mục đích giúp người học có thể hiểu được tiếng Việt một cách hoàn chỉnh và chính xác hơn.


Thế nhưng điều đáng nói là đôi khi có những cuốn từ điển chính tả cũng… sai chính tả. Mới đây, cộng đồng mạng đã dậy sóng khi phát hiện cuốn Từ Điển Chính Tả Việt Nam của NXB ĐH Quốc gia Hà Nội – đã xuất bản 5000 quyển – lại có những lỗi chính tả trầm trọng.

Trong ấn bản này, nhóm tác giả đã mắc phải rất nhiều lỗi cơ bản. Có thể kể đến một số từ điển hình như “reo rắc” (viết đúng là “gieo rắc”), “xõng xoài” (viết đúng là “sõng soài”), “trừu mến” (viết đúng là “trìu mến”), “chầy chật” (viết đúng là “trầy trật”)…
Thậm chí, có nhiều từ còn sai hoàn toàn với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả…
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, PGS – TS Hà Quang Năng – chủ biên cuốn từ điển nói trên cho rằng ông không không coi những cái đó là sai mà là “mục đích biên soạn”.
Vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi đã ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi đã tuyên bố rõ trong lời giới thiệu.

Ông còn cho rằng, trong tiếng Việt có một tồn tại đó là có nhiều cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối. Ví dụ như “xét sử” được hiểu là “xem xét lại lịch sử”, còn “xét xử” có nghĩa là “xem xét xử án”…
Theo ông, tiếng Việt có nhiều hiện tượng phức tạp mà không phải ai cũng hiểu, và mục đích biên soạn ra cuốn từ điển này là để người đọc có bức tranh toàn cảnh về những từ ngữ tiếng Việt xuất hiện hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận trong quá trình biên soạn khó tránh khỏi sai sót. Ở lần tái bản tiếp theo, nhóm tác giả sẽ bổ sung và sửa chữa.

Lời giải thích này của tác giả không nhận được sự chấp thuận từ phía bạn đọc. Một cuốn sách có thể có lỗi sai, tuy nhiên việc một cuốn từ điển chính tả lại… sai chính tả thì không thể chấp nhận được. Hơn nữa, người đọc còn cho rằng tác giả đang “lấp lửng” để bào chữa cho những lỗi sai nghiêm trọng của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta được thấy một cuốn từ điển chính tả lại sai chính tả. Trước đó, vào năm 2016, cuốn Từ Điển Chính Tả Dùng Cho Học Sinh do NXB Thanh Niên phát hành cũng xuất hiện rất nhiều lỗi khó chấp nhận.

Nhiều bạn đọc cho rằng đây là những lỗi không chỉ về phía người viết sách mà còn về phía ban kiểm duyệt và xuất bản. Cần phải có những biện pháp thu hồi và xử lý nghiêm, tránh để lại hậu quả không đáng có cho người học và sử dụng sách.
Comments